Các cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo ở Venezuela vẫn đang tiếp diễn phức tạp sau vụ đảo chính bất thành tuần rồi của phe đối lập do ông Juna Guaido lãnh đạo chống lại chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro . Nhiều người dân vẫn tiếp tục xuống đường khi ông Guaido kêu gọi cả nước bãi công.
98% thu nhập từ xuất khẩu của Venezuela - thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) - là đến từ dầu mỏ. Và lĩnh vực này đang hứng chịu trừng phạt nặng từ Mỹ. Tập đoàn năng lượng quốc gia DVSA và mọi công ty hay tàu nào vận chuyển dầu của Venezuela đến đồng minh Cuba của Venezuela đều là đối tượng trừng phạt từ Mỹ.
Bất ổn ở Venezuela tác động đến thị trường dầu thế giới nghiêm trọng không kém việc Mỹ trừng phạt Iran. Tính đến thời điểm này giá dầu vẫn ổn định nhờ thông tin về kho dự trữ dầu thô quy mô lớn của Mỹ, theo kênh CNBC. Giữa tuần trước, giá dầu thô Brent nằm ở mức 71,36 USD/thùng. Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới và giá dầu rất có thể thay đổi tùy theo diễn biến chính trị ở Venezuela.
Nhà chiến lược tiêu dùng toàn cầu Helima Croft thuộc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) đã nghiên cứu ba viễn cảnh chính trị có thể xảy ra với Venezuela và tác động của chúng với thị trường dầu toàn cầu.
Ông Maduro duy trì quyền lực
Nếu ông Maduro có thể dập tắt được làn sóng biểu tình hiện tại, theo các nhà chiến lược RBC Capital Markets, rất nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường trừng phạt Venezuela . Khi đó, đà khó khăn của kinh tế Venezuela sẽ leo thang nhanh hơn. Dù vậy với sự giúp đỡ của Nga, Trung Quốc hay một số quốc gia khác, khả năng Washington không thể làm thay đổi cục diện của ông Maduro là rất cao ngay cả khi Mỹ tăng trừng phạt.
“Nhà Trắng có thể sẽ tìm cách tấn công hơn nữa thu nhập từ xuất khẩu dầu của Venezuela bằng cách buộc các nước tiêu thụ dầu như Ấn Độ ngưng mua dầu từ Venezuela. Mỹ cũng có thể yêu cầu các công ty năng lượng trong nước ngưng hoạt động tại Venezuela và yêu cầu các công ty châu Âu ngưng cung cấp chất pha loãng cũng như các dịch vụ khác cho Tập đoàn PDVSA của Venezuela” - một nhà chiến lược nói.
Tổng thống Venezuela Maduro và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino (trái) tại căn cứ quân sự Fuerte Tiuna ở Caracas đầu tháng 5-2019. Ảnh: AFP
Các biện pháp trừng phạt này cũng như các biện pháp ngoại giao khác nhằm hạn chế quyền lực của ông Maduro sẽ kìm hãm đà sản xuất dầu của Venezuela, có thể sẽ kéo lượng xuất khẩu xuống mức thấp vào cuối năm nay, theo các nhà chiến lược của RBC Capital Markets. Đây là viễn cảnh mang tính đe dọa nhất với giá dầu theo chiều hướng giảm. Điều này lý giải vì sao nhiều người cho là rất hợp lý khi ông Maduro nhận được sự ủng hộ từ Nga cũng như từ thực tế thành phần quan chức quân đội quay sang ủng hộ ông Guaido chỉ là những quan chức cấp thấp.
Ở viễn cảnh này, khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực buộc đồng minh Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác để bù vào lượng dầu thiếu hụt từ Venezuela. Có thể lượng dầu ông Trump yêu cầu Saudi Arabia tăng khai thác để tung ra thị trường sẽ ở mức 400.000-500.000 thùng/ngày.
Quân đội nắm quyền
Một viễn cảnh nữa cũng có khả năng xảy ra trong tương lai gần dù rất thấp, theo các nhà chiến lược, đó là lãnh đạo quân đội Venezuela sẽ thực hiện một cuộc tấn công để cố gắng thay thế ông Maduro bằng một nhân vật khác nhằm “tránh được sự thay đổi kinh tế và chính trị mà có thể phá hủy hết bộ máy bảo trợ hiện tại đối với quân đội”.
“Một cuộc đảo chính như vậy có thể giúp phong tỏa các lệnh trừng phạt, trong khi Mỹ cân nhắc có cần tốn thêm thời gian và năng lượng nữa với Venezuela không một khi ông Maduro đã ra đi” - theo các nhà chiến lược. Viễn cảnh này mang tính đe dọa vừa phải với giá dầu, các nhà phân tích nhận định.
Một khi viễn cảnh này xảy ra, quan điểm của OPEC sẽ là chờ xem tình hình sẽ diễn biến thế nào chứ chưa vội tăng khai thác bù vào lượng thiếu hụt của Venezuela. Tuy nhiên, đến lúc này quân đội vẫn cho thấy rất ủng hộ và trung thành với chính quyền Maduro.
Các nhà điều tra đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tướng Manuel Ricardo Cristopher Figuera được Cơ quan Tinh báo trung ương Mỹ (CIA) tuyển mộ cách đây hơn một năm va hành động theo lệnh từ Washington. Kẻ phản bội nay sẽ sớm bị trừng trị.
Tổng thống Venezuela NICOLAS MADURO
Ông Guaido giành được chính quyền
Nhà chiến lược Croft và các thành viên trong nhóm nghiên cứu chiến lược tiêu dùng toàn cầu của RBC Capital Markets thừa nhận việc ông Maduro ra đi và chuyển giao quyền lực cho ông Guaido sẽ khiến nhiều người hy vọng nền kinh tế Venezuela sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, hy vọng đó không đủ cơ sở, thậm chí việc ủng hộ ông Guaido có thể làm tình thế của Venezuela trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc đảo chính mới đây thất bại cho thấy khả năng kiểm soát tình hình ổn định của ông Maduro.
Bà Croft thận trọng: “Với viễn cảnh này, giá dầu có nguy cơ xấu đi nhiều nhất theo chiều hướng tăng, đặc biệt khi nhiều nhà đầu tư có thể nghĩ rằng kinh tế Venezuela sẽ hồi phục nhanh và không gặp vấn đề gì. Nhưng thậm chí nếu tình hình kinh tế Venezuela có diễn ra như vậy đi nữa, chúng tôi cũng cảnh báo rằng con đường sẽ gian nan, căn cứ vào tầm vóc quy mô suy yếu của kinh tế Venezuela”.
Trong nhóm nghiên cứu chiến lược tiêu dùng toàn cầu do bà Croft dẫn đầu có các nhà chiến lược Christopher Louney, Michael Tran và Megan Schippmann. Các nhà chiến lược này không nghĩ ông Guaido có khả năng giành được một chiến thắng lúc này.
Tuy nhiên, không chỉ bà Croft, các nhà chiến lược này cũng cảnh báo thậm chí nếu ông Guaido có nắm được quyền lực thì tình hình an ninh Venezuela “khả năng lớn vẫn rất nguy hiểm, khó lường”.
“Căn cứ vào thực tế không có các nhân vật cấp cao trong hàng ngũ quân đội theo về phe ông Guaido, cũng như việc Nga tỏ rõ thái độ không thích một sự thay đổi chính trị ở Venezuela, chúng tôi tin viễn cảnh này khó có thể thành hiện thực nhất trong tương lai gần” - CNBC dẫn lời một nhà chiến lược của RBC Capital Markets.
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cáo buộc Mỹ can thiệp vào “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, nói rằng sự can thiệp của Mỹ là “hành động phá hoại”.
Thậm chí ông Lavrov gần đây trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã thẳng thắn nói rằng nếu Mỹ có các biện pháp can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình Venezuela thì sẽ để lại “hậu quả nghiêm trọng”.