Bắc Ninh
Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 18.668 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách địa phương ước 9.591 tỷ đồng, tăng 3,7%, các nhiệm vụ chi tiếp tục được đảm bảo.
Cục Thống kê địa phương nhận định, cân đối thu chi cho thấy tổng thu đang giảm so với cùng kỳ năm trước, ở chiều ngược lại chi ngân sách địa phương vẫn tăng lên. Điều này sẽ phần nào tạo ra một rào cản cho sự vận hành trong cân đối lớn của tỉnh.
Về thu hút đầu tư FDI, số lượng dự án và vốn đăng ký mới tính từ đầu năm đến 20/8/2023 tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (+226,5%) về số dự án đăng ký mới và (+455,6%) về vốn đăng ký mới; tuy nhiên, vốn điều chỉnh lại đạt rất thấp, chỉ bằng 23,5%.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến 20/8/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 222 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 154 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt 806,3 triệu USD (tăng 658,5 triệu USD). Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 101 dự án (tăng 12 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 369,3 triệu USD (giảm 1.191 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 40 lượt (tăng 13 lượt) với giá trị là 17,6 triệu USD (giảm 14,9 triệu USD); thu hồi 36 dự án (tăng 4 dự án) với tổng vốn đầu tư là 71 triệu USD (giảm 13 triệu USD).
Riêng trong tháng 8/2023, tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 37,45 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 13 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 16,9 triệu USD; 7 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 1,15 triệu USD; chấm dứt hoạt động 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,21 triệu USD.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.005 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24.489 triệu USD.
Liên quan đến tình hình sản xuất công nghiệp, báo cáo cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 tuy tăng 8,24% so với tháng trước nhưng giảm nhiều (-15,75%) so với cùng tháng năm trước. Xét chung 8 tháng đầu năm 2023, IIP thậm chí còn giảm nhiều hơn (-16,77%) so với cùng kỳ (giảm sâu hơn 0,15% so với mức giảm của 7 tháng đầu năm 2023).
Khánh Hòa
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023 của Cục Thống kê Khánh Hòa,Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng 8/2023 ước được 1.306,7 tỷ đồng: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 244 tỷ đồng và thu từ nội địa 1.062,7 tỷ đồng.
Lúy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước được 10.356 tỷ đồng, bằng 67,05% dự toán và giảm 8,33% so cùng kỳ năm trước: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.520 tỷ đồng, bằng 76,57% và giảm 40,74%; thu nội địa 8.836 tỷ đồng, bằng 65,65% và tăng 1,19%.
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương tháng 8/2023 ước được 1.709,4 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 973,7 tỷ đồng; chi thường xuyên 735,6 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương ước được 7.765 tỷ đồng, bằng 52,14% dự toán và tăng 10,93% so cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động du lịch, báo cáo cho biết, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục tăng trưởng khá so cùng kỳ, doanh thu du lịch tháng 8/2023 ước được 4.869,5 tỷ đồng, giảm 15,95% so tháng trước và gấp 2,62 lần so cùng kỳ năm trước; với 1.000 nghìn lượt khách, giảm 20% và gấp 2,6 lần (trong đó 245,1 nghìn lượt khách quốc tế tăng 0,02% và gấp 6,24 lần); 2.690,2 nghìn ngày khách, giảm 16,97% và gấp 3,01 lần (trong đó 1.029,4 nghìn ngày khách quốc tế, tăng 0,02% và gấp 6,2 lần).
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động du lịch được 23.909,7 tỷ đồng, gấp 2,52 lần so cùng kỳ năm trước; khách lưu trú được 5 triệu lượt người với 13.434,8 nghìn ngày khách, lần lượt gấp 2,72 lần và gấp 3,09 lần (trong đó 1.240,8 nghìn lượt khách quốc tế với 5.275,1 nghìn ngày khách quốc tế, lần lượt gấp 10,74 lần và gấp 10,49 lần).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 8/2023 ước được 194,3 triệu USD, tăng 0,7% so tháng trước và giảm 30,45% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng ước được 1.746 triệu USD, giảm 22,72% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 9,99%; nhập khẩu giảm 34%.
Thừa Thiên Huế
Theo số liệu về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 6.705,5 tỷ đồng, bằng 67,6% dự toán, bằng 51,6% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 14,2% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 6.281,1 tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán, bằng 51,1% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 14,9% (chiếm 93,7%); Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 411 tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán, bằng 60,4% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 1,2% so với cùng kỳ; Thu viện trợ, huy động đóng góp 13,4 tỷ đồng, vượt 22% dự toán, bằng 33,5% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 25,6% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách nhà nước ước đạt 8.086,3 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.692,3 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán.
Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, báo cáo cho biết, trong 8 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp phép cho 12 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 1.795 tỷ đồng (gồm 6 dự án FDI vốn đăng ký tương đương 963,8 tỷ đồng). Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp cấp 8 dự án với tổng vốn đầu tư 1.767,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có 10 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư 1.888 tỷ đồng.
Về hoạt động du lịch, theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, trong tháng 8, lượng khách ước đạt 272,1 nghìn lượt, tăng 12% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 60,9 nghìn lượt, gấp 2,7 lần. Doanh thu từ du lịch ước đạt 504,7 tỷ đồng, giảm 14,6%.
Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch ước đạt 2.126,7 nghìn lượt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 672,3 nghìn lượt, gấp 8,8 lần. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.606,4 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 8 ước đạt 4.747,2 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.447,4 tỷ đồng, chiếm 73%, tăng 11,6%. Lũy kế 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 36.462 tỷ đồng, tăng 15,7% so cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 26.981,5 tỷ đồng, chiếm 74%, tăng 13,1%.