1. Học thói quen tự kỷ luật bản thân
Đại văn hào người Ireland từng đoạt giải Nobel Văn học Bernard Shaw từng nói: “Tự giác kỷ luật là bản năng của kẻ mạnh nhất.”
Kỷ luật thật sự không phải ép bản thân làm những gì không muốn làm. Bạn có thể gặp ai đó có thói quen dậy sớm vào lúc 5 giờ sáng, uống một ly sinh tố rau củ quả, bắt đầu làm việc ở nhà trước 2 tiếng đồng hồ, sau đó mới tới cơ quan. Đa số những người này đều thực sự yêu thích thói quen của chính họ. Họ tuân thủ lịch trình của mình bằng chính cảm xúc.
Hầu hết mọi người thường nghĩ về kỷ luật tự giác theo hướng sức mạnh ý chí. Tuy nhiên, nhìn nhận từ một khía cạnh khác, ý chí cũng giống như cơ bắp. Nó không có sức mạnh vô hạn. Khi phải làm việc quá sức thì ý chí cũng mệt mỏi và “mặc kệ” bạn.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy từ thực tế. Rất nhiều người tự ép bản thân phải cố gắng tuân thủ một khuôn mẫu nào đó. Nhưng sức mạnh ý chí của họ không đủ lớn để duy trì và biến nó thành một thói quen thực thụ, cuối cùng, họ sẽ chẳng thu hoạch được gì.
Nói cách khác, nếu bạn muốn thay đổi thói quen tư duy và trở nên thực sự kỷ luật tự giác, điều đầu tiên bạn cần làm là hiểu rõ về bản thân và thực tế.
① Đối với bản thân, bạn phải làm rõ giá trị và hiểu được suy nghĩ thực sự của mình. Đâu là mục tiêu bạn mong muốn, đâu là động lực có thể giúp bạn kiên trì, đâu là những suy nghĩ bạn đang “lừa mình dối người”...
② Về thực tế, hầu hết chúng ta đều có ít nhiều tưởng tượng viển vông. Nhiều người thường tự suy diễn, phỏng đoán rồi đưa ra kết luận theo thói quen tư duy của mình. Sau một thời gian dài, những kết luận này được nội tâm “hiện thực hóa”. Như vậy, nhận thức về thực tế dần trở nên sai lệch.
Hiểu đúng, hiểu đủ về bản thân và thực tế mới giúp bạn đánh thức khao khát kỷ luật tự giác của bản thân. Khi bạn thực sự yêu thích và mong muốn được làm một việc, cả cảm xúc và ý chí sẽ giúp bạn đạt hiệu suất cao hơn.
2. Học thói quen tư duy thường xuyên và liên tục
Warren Buffett thường có thói quen dành thời gian không làm gì cả, chỉ ngồi và suy nghĩ.
Rèn luyện năng lực tư duy và suy ngẫm là một bước khởi đầu của sự thay đổi. Khi suy ngẫm về bản thân, bạn sẽ đánh giá được mức độ hài lòng của mình với học vấn, công việc và cuộc sống hiện tại.
Khi bạn nhận thức được mức độ không hài lòng của mình vượt quá ngưỡng nhất định, tự nhiên khao khát muốn được thay đổi sẽ sinh ra. Đây là động lực để bạn tìm cách đưa mình lên một tầm cao mới, chẳng hạn như đọc thêm sách, bồi dưỡng một sở thích mới, tìm hiểu thêm ngoại ngữ, lấy chứng chỉ mới, thay đổi công việc mới, v.v...
Suy nghĩ thực ra là một quá trình đưa ra lựa chọn. Quan trọng là không ngại lựa chọn, không sợ thay đổi. Khi đứng dưới bức tường, bạn sẽ thấy nó rất cao. Nhưng khi là người đứng trên bức tường, bạn mới thấy, vượt qua nó cũng chẳng khó khăn gì.
“Tôi có thể làm tốt hơn không?” và “Làm thế nào để làm tốt hơn?” là những điều đáng để dành thời gian suy ngẫm. Ảnh: Medium
3. Học cách tử tế với thời gian
Nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học Anatole France từng nói: "Thời gian chỉ dịu dàng với ai dịu dàng với nó."
Thời gian là sức nặng lớn nhất để chúng ta hoàn thiện bản thân. Bạn đối xử với thời gian của mình như thế nào thì bạn sẽ có được cuộc sống tương ứng như thế.
Trong khi người khác không ngừng học hỏi kiến thức mới, trau dồi kỹ năng, rèn luyện sức khỏe, bạn chỉ nằm trên giường để ôm lấy điện thoại lướt mạng, dùng máy tính chơi game…
Theo sức mạnh của thời gian, những thói quen thường ngày này sẽ tạo ra khoảng cách giữa mỗi người. Khoảng cách ngày càng lớn đến mức bạn không thể xóa nhòa.
Trước tuổi 20, bạn còn là “trang giấy trắng” chưa đủ kinh nghiệm để tự quyết định thời gian của mình. Sau tuổi 50, bạn có rất nhiều thời gian để tự quản lý, nhưng lại không còn nhiều sức khỏe để thực hiện mọi điều mình muốn.
Như vậy, cuộc đời tuy dài nhưng mỗi chúng ta chỉ có khoảng 30 năm để thực sự đầu tư mọi tâm huyết, công sức và đam mê để cải thiện bản thân.
Giống như cách mà cựu Chủ tịch Apple, Steve Jobs từng nói: "Tương lai được mua bằng hiện tại."
Khoảng thời gian bạn đầu tư phát triển chính mình ở hiện tại sẽ đem tới hạnh phúc và an nhàn cho tương lai.
*Theo Zhihu