Bác sĩ khoa y học chăm sóc đặc biệt Hoàng Hiên (Trung Quốc) cho biết, những thay đổi trên ngón chân trong cuộc sống thường ngày hoàn toàn có thể báo hiệu một số tình trạng bất thường liên quan đến sức khỏe.
Có 3 điểm nên quan sát bao gồm hình dạng móng, màu sắc và mùi, nếu bỗng nhiên xuất hiện thay đổi đột ngột những đặc điểm này trên móng chân, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên môn để kiểm tra.
1. Thay đổi hình dạng:
Móng chân dày hơn hoặc giòn, dễ gãy
Tình trạng này có thể do một số loại nấm hoặc các bệnh về da khác gây ra. Hoặc cũng có thể hình thành do có chấn thương vùng móng và quanh móng.
Móng hình thìa
Có khả năng liên quan đến một loại bệnh có tên koilonychia. Đây là một bệnh khiến móng trở nên mỏng bất thường và lõm xuống. Nguyên nhân có khả năng là do thiếu sắt. Người bệnh cần đi khám để có một chế độ ăn uống bổ sung hợp lý hoặc dùng thêm thuốc điều trị nếu cần.
Móng quặp (Onychogryphosis)
Đây là bệnh khiến móng chân phát triển nhanh một cách bất thường, chủ yếu ảnh hưởng đến ngón cái. Nguyên nhân dẫn đến móng quặp thường bởi bàn chân bị chèn ép hoặc ma sát trong thời gian dài gây ra chấn thương. Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khác như nhiễm nấm, vảy nến, mạch máu ngoại biên…
Viêm quanh móng (Paronychia)
Viêm quanh móng là bệnh nhiễm trùng phổ biến dưới vùng da xung quanh móng chân. Viêm quanh móng thường là cấp tính, nhưng trường hợp mạn tính có thể xảy ra do vi khuẩn (thường là Staphylococcus và Streptococcus) hoặc nấm candida xâm nhập qua lớp thượng bì bị phá vỡ (xước măng rô, chấn thương nếp gấp móng, mất lớp biểu bì…) gây ra. Ở ngón chân, nhiễm trùng thường bắt đầu ở móng chọc thịt.
Bên cạnh đó, tiếp xúc với các hóa chất mạnh, sơn móng acrylic cũng có thể gây ra vết thương và viêm nhiễm ở móng. Một vài trường hợp có thể do tiểu đường, nhiễm nấm móng hoặc ngâm chân trong nước trong một thời gian dài.
Mủ thường phát triển dọc theo bờ móng và đôi khi bên dưới móng. Nhiễm trùng có thể lan đến mô mềm và gây ra chín mé. Thậm chí nhiễm trùng có thể thâm nhập sâu vào ngón chân, đôi khi gây viêm gân gấp nhiễm trùng. Chính vì vậy, ngay khi gặp trường hợp này, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan không điều trị hoặc tự điều trị rất có khả năng dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn.
2. Thay đổi màu sắc
Màu nâu hoặc vàng:
Nguyên nhân thường thấy có thể do nhiễm nấm hoặc liên quan đến việc sử dụng thuốc lá, tiếp xúc các chất hoá học hoặc thuốc nhuộm. Mặc dù vậy, vẫn có một số trường hợp móng ngả nâu, vàng là do các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp, hệ bạch huyết và biến chứng của tiểu đường.
Móng đen hoặc thẫm màu:
Sau những chấn thương, va đập mạnh hoặc đi giày dép chật chèn vào móng chân có thể dẫn đến hiện tượng tụ máu dưới móng. Ban đầu vết bầm tím thường có màu đỏ rồi chuyển sang tím, nâu sẫm, cuối cùng là đen khi máu đọng lại và vón cục. Móng chân đen mọc ra sau khoảng 6-9 tháng hoặc lâu hơn.
Tuy nhiên, nếu không phải do các trường hợp kể đến trên, dù hiếm gặp nhưng mảng đen sẫm dưới ngón chân có thể đang cảnh báo căn bệnh ung thư da ác tính. Loại ung thư này phát triển từ các tế bào hắc tố có nhiệm vụ tạo màu da.
Dù chỉ là những vết nhỏ và xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể nhưng chúng có thể di căn ra khác bộ phận khác và gây tử vong nếu không được điều trị sớm. Chính vì vậy, nếu phát hiện bất thường, cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, móng màu đen cũng báo hiệu cơ thể đang thiếu B12, lưu thông máu kém cũng như các vấn đề về thận, gan hoặc tiểu đường.
Màu trắng
Nếu móng chân chuyển sang màu trắng hoặc có những mảng lớn màu trắng, có thể là do nhiễm nấm. Nấm móng sẽ khiến móng sần sùi, dễ mủn, gãy. Móng nhiễm nấm sẽ xuất hiện một mảng màu trắng hơi vàng bắt đầu ở gốc móng chân, gần lớp biểu bì.
Bệnh này thường gặp ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Đặc biệt, nếu người bị nấm móng chân là người cao tuổi khả năng cao liên quan đến tiểu đường loại 2, cần đến bác sĩ kiểm tra để phát hiện bệnh lý tiềm ẩn nếu có.
Ngoài ra, móng chuyển trắng có thể liên quan đến việc thiếu dinh dưỡng hoặc các bệnh da khác.
3. Móng chân có mùi
Cùng với sự thay đổi màu sắc hay móng dễ gãy vụn, móng chân có mùi hôi đặc biệt khó chịu cũng là một trong những biểu hiện khác của nhiễm các loại nấm, vi khuẩn. Nấm thường xuất hiện ở móng chân hơn là móng tay.
Ngoài ra, đường kẻ ngang xuất hiện trên móng cũng có thể cảnh báo bệnh tiểu đường không kiểm soát, thiếu kẽm, bệnh tuần hoàn hoặc vẩy nến. Những kẻ dọc là dấu hiệu của sự lão hóa, thiếu hụt chất dinh dưỡng, thiếu magie hoặc vitamin B12.
Móng chân phát triển tự nhiên, khỏe mạnh sẽ thường sẽ thường có bề mặt nhẵn mịn, hồng hào và dễ dàng làm sạch. Để bảo vệ sức khỏe của bàn chân cũng như móng chân, ta nên có thói quen vệ sinh sạch sẽ bàn chân, giày dép, giữ chân khô ráo. Không nên đeo giày dép quá chật trong thời gian dài tránh dẫn đến việc chèn ép, ma sát liên tục khiến móng chân bị tổn thương.
Đặc biệt, khi gặp các bất thường xuất hiện ở móng chân, đừng xem nhẹ mà nên đến nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ bởi nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt với những người ngoài 40.
Nguồn: Ettoday