3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào?

Đức Minh |

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về kinh tế Việt Nam quý I/2017, qua đó, có thể phác thảo khá rõ nét về bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm.

GDP quý I/2017 tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây: Tăng trưởng quý I/2017 ước tính đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 1.

Giải thích nguyên nhân GDP 3 tháng đầu năm đạt thấp, phía Tổng cục Thống kê đưa ra 3 lý do gồm: nông nghiệp vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ 2016; công nghiệp Việt Nam tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ một số năm gần đây; khai khoáng giảm sâu do Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Do GDP quý I chỉ đạt 5,1% nên trong 9 tháng còn lại của năm 2017 áp lực đối với việc điều hành chính sách vĩ mô là rất lớn. Bởi lẽ, theo tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà chính phủ đề ra, tăng trưởng trong 3 quý còn lại phải đạt 7%.

Khu vực nông – lâm – thuỷ sản đã có dấu hiệu hồi phục: Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực này đã có nhiều dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này đã giảm sâu 2,69%), đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,94%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,50%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm trở lại đây: Tính chung quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 2.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%, đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 11,4%, làm giảm 2,5 điểm phần trăm mức tăng chung.

3 tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày có gần 300 doanh nghiệp được thành lập: Tính chung quý I năm nay, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9%.

Bên cạnh đó, còn có 9.271 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay lên hơn 35,7 nghìn doanh nghiệp.

Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có nhiều khởi sắc: Trong quý I, nhóm hoạt động này ước đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I năm 2016).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt 689,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; may mặc tăng 8,8%; phương tiện đi lại tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 3,4%.

Ngân sách nhà nước bội chi 12,4 nghìn tỷ đồng: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 216,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm. Trong đó thu nội địa 175,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7%; thu từ dầu thô 9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9%.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 3.

Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 17,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 36,8 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 33 nghìn tỷ đồng, bằng 11,5%.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 4.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 229,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1%; chi thường xuyên 173,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%; chi trả nợ lãi 23 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2%.

Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 5.

Việt Nam nhập siêu 1,9 tỷ USD: Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 31,4 tỷ USD, tăng 13%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Còn nhập khẩu đạt 45,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 18,4 tỷ USD, tăng 24,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập 27,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I năm 2017 tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập siêu 1,90 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,06 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,16 tỷ USD.

CPI quý I/2017 tăng cao nhất trong 3 năm qua: CPI bình quân quý I/2017 tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức của cùng kỳ 3 năm gần đây.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 6.

3 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào? - Ảnh 7.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí; Hai tháng đầu năm nay trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng lên; Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 3 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh, làm cho giá xăng dầu bình quân quý I tăng 34,92% so với cùng kỳ, đóng góp 1,45% vào mức tăng CPI chung.

Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại