Bóng đá được đưa vào Á vận hội ngay từ lần đầu tiên tổ chức. Và đến Á vận hội lần thứ 6 diễn ra năm 1970, lần đầu tiên trong lịch sử HCV của môn bóng đá nam được trao cho cả… hai đội đá trận chung kết. Đó là Hàn Quốc và Burma (Myanmar).
Trong trận chung kết, Hàn Quốc và Burma hòa nhau 0-0 sau 90 phút. Họ phải đá thêm 2 hiệp phụ nhưng vẫn bất phân thắng bại và cuối cùng, HCV phải trao cho cả hai đội. Thời điểm này, luật luân lưu chưa được áp dụng, phương pháp phổ biến là đá lại hoặc tung đồng xu. Nhưng vì là trận chung kết nên BTC ASIAD 1970 quyết định trao HCV cho cả hai.
8 năm sau, điều tương tự lặp lại khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng hòa 0-0 trong 2 hiệp chính và hiệp phụ của trận chung kết. Đây là năm mà FIFA đã quyết định đưa luận sút luân lưu vào thi đấu ở World Cup nhưng cả giải không có trận nào phải sử dụng đến điều luật mới này. Còn ở Á vận hội, nó chưa được áp dụng.
Phải đến Á vận hội 1986 luật thi đấu luân lưu mới được áp dụng và điều đặc biệt ở giải đấu này là cả 4 trận tứ kết diễn ra cùng 1 ngày đều phải giải quyết thắng thua bằng những loạt luân lưu.
Năm 1990, CHDCND Triều Tiên là đội đầu tiên để thua ở chung kết sau những loạt sút luân lưu (thua Iran 4-1 sau khi hòa 0-0 ở hai hiệp chính và hiệp phụ). CHDCND Triều Tiên cũng là đội bóng đầu tiên thua chung kết môn bóng đá nam ASIAD bởi bàn thua trong hiệp phụ. Đó là bàn thua ở phút bù giờ của hiệp phụ thứ 2 trong trận đấu với Hàn Quốc 4 năm trước.
Tại ASIAD 2018, Hàn Quốc nằm ở bảng E cùng với Kyrgyzstan, Malaysia và Bahrain. Còn CHDCND Triều Tiên nằm cùng bảng F với Myanmar, Iran và Ả Rập Xê Út.