Làn sóng sa thải tại các công ty tài chính, công nghệ lớn như Twitter, Stripe, Salesforce và Meta cùng với việc một số CEO cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái bằng cách cắt giảm nhân sự cho thấy những cơ hội việc làm dành cho người vừa bị sa thải có thể sẽ ngày càng ít hơn.
Albert Ko, 37 tuổi, từng trải qua 5 đợt sa thải trong 15 năm làm việc ở lĩnh vực kỹ thuật và bán hàng. 2 trong số 5 đợt sa thải này khiến Ko mất việc. Anh hiện là Giám đốc của AngelList Talent, một trang web giúp tìm kiếm các công việc khởi nghiệp. Albert Ko dành thời gian để xem xét hồ sơ, đưa ra lời khuyên và kết nối mọi người với công việc mới.
Với kinh nghiệm dày dặn, Ko cho biết có 3 sai lầm mà những người vừa bị sa thải hay mắc phải trong quá trình tìm kiếm công việc mới:
1. Bạn nói rằng mình có thể làm mọi thứ: "Nhưng sự thật là không ai cần một tổng quát viên (Generalist) cả"
Nếu bạn đang cập nhật trạng thái trên LinkedIn hay chau chuốt lại sơ yếu lý lịch của mình, bạn có thể cảm thấy bị ép buộc phải liệt kê ra mọi nhiệm vụ bạn đã hoàn thành hoặc mọi kỹ năng bạn đang có. Từ góc độ tuyển dụng, đây là một sai lầm, Ko nói: "Bạn không cần phải giỏi mọi thứ. Hãy rất giỏi một vài thứ thôi".
Bản sơ yếu lý lịch với danh sách mọi công việc bạn từng làm sẽ không gây ấn tượng cho người đọc về chuyên môn hay sở trường của bạn. "Mọi người sẽ thể hiện mình giỏi bán hàng, marketing và cả vận hành như thế nào, và tôi nghĩ trong đầu rằng, "Bạn không cần giỏi cả 3 thứ, và tôi cũng không cần bạn làm tốt cả 3 việc này một lúc đâu".
Vậy nên trước khi bắt tay tìm việc, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ chính xác bạn phù hợp cho công việc nào và những gì bạn muốn làm tiếp theo, dựa trên sự kết hợp của sở thích, thế mạnh và nhu cầu của thị trường việc làm.
Khi nộp hồ sơ xin việc, hãy đảm bảo sơ yếu lý lịch và thư ngỏ phù hợp với từng công ty bạn nộp. Đồng thời bạn cần làm nổi bật những kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp: "Hãy nhấn mạnh sức mạnh siêu việt của bạn," Ko nói, "Không ai cần một tổng quát viên cả. Họ cần ai đó thực sự giỏi về những gì họ đang cố gắng giải quyết".
2. Bạn không biết rõ mình đang tìm kiếm công việc nào tiếp theo
Ko nói rằng thật tuyệt khi thấy mọi người cởi mở hơn khi công khai việc bị sa thải trên LinedIn để nhận được sự giúp đỡ. Anh nhận thấy nhiều đồng nghiệp cũ, nhà tuyển dụng và người quản lý tuyển dụng thường phản hồi tích cực với những bài đăng này và muốn hỗ trợ họ.
Nhưng sai lầm khác cần tránh là lúc này bạn không biết rõ mình đang muốn làm công việc hay công ty nào tiếp theo. Điều nay cũng giống như việc bạn nói rằng mình có thể làm được mọi thứ và khiến bạn mơ hồ về chức danh hoặc cấp bậc công việc đang tìm kiếm.
Giám đốc AngelList Talent cho biết anh có thể giúp mọi người tìm việc với điều kiện: "Hãy cho tôi biết thật cụ thể loại hình doanh nghiệp bạn muốn làm việc, hoặc thực hiện thêm bước tiếp theo là tìm hiểu người quản lý tuyển dụng hay đội nhóm ở công ty đó nữa. Khi đó tôi mới có thể giới thiệu công việc cho bạn", Ko nói.
Ngay cả khi bạn không có ngay danh sách những công ty mơ ước, bạn cần biết mình muốn làm việc trong môi trường như thế nào: quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực, loại sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đam mê,...
3. Bạn đồng ý mọi cuộc phỏng vấn
Ngoài việc tìm kiếm cơ hội trên LinkedIn, Ko khuyên bạn nên khai thác tiềm năng từ các mối quan hệ cá nhân: bạn học cũ, nhóm cộng đồng trên Facebook, giải đấu thể thao, các tổ chức bạn tham gia tình nguyện...
Vượt qua thời kỳ sa thải là một thử thách về mặt tinh thần cũng như tài chính. Vì vậy, nếu bạn nhờ người khác giúp đỡ trong quá trình tìm kiếm việc làm, hãy đảm bảo rằng mình có đủ thời gian và năng lượng để theo đuổi các cơ hội mà người khác giới thiệu cho bạn.
Ko cho biết, việc tham gia phỏng vấn từng công việc bạn được giới thiệu dù biết mình không thực sự quan tâm đến nó cũng là một sai lầm. "Người tuyển dụng và người giới thiệu biết khi nào bạn không nghiêm túc về điều gì đó", Ko nói.
Bạn không chỉ lãng phí thời gian của mình và người quản lý tuyển dụng, "bạn còn đang hủy hoại các mối quan hệ đã cố gắng giúp đỡ bạn", Giám đốc AngelList Talent nói thêm.
Thay vào đó, hãy cảm ơn những người đã giới thiệu công việc và nhắc lại lý do tại sao cơ hội đó không dành cho bạn. Bạn chỉ nên tập trung vào những gì bạn thực sự muốn và tham gia các cuộc phỏng vấn phù hợp.
Theo CNBC Make It