Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ đặc biệt hơn bao giờ hết. Khi con còn nhỏ, cha mẹ chính là chỗ dựa duy nhất, là nơi hỗ trợ con trong quá trình phát triển và trưởng thành. Ở giai đoạn này, con cái và bố mẹ vô cùng khắng khít, ít xảy ra mâu thuẫn.
Thế nhưng, đến giai đoạn trưởng thành, cha mẹ và con sẽ bắt đầu hình thành khoảng cách. Cũng chính giai đoạn dậy thì, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái cũng lớn hơn do khác biệt về thế hệ lẫn suy nghĩ.
Ảnh minh họa
Vì sao con càng lớn, cha mẹ và con cái lại càng ít nói chuyện với nhau hơn?
1. Cha mẹ luôn tự cho mình đúng
Có quá nhiều bậc cha mẹ lấy lý do vì muốn "tốt cho con" nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Cha mẹ luôn muốn con phải như thế này; phải học cái kia, phải làm cái nọ. Khi còn nhỏ, con sẽ nghe lời cha mẹ, nhưng đến một độ tuổi nhất định, chúng cũng có những suy nghĩ riêng và cần sự tôn trọng, lắng nghe từ cha mẹ. Vì thế, mỗi khi vấn đề xảy ra, sự áp đặt và thiếu thấu hiểu của cha mẹ vô tình khiến con xa cách. Cuối cùng, con cái và cha mẹ dần hình thành khoảng cách lớn với nhau.
Ảnh minh họa
2. Cha mẹ hay phàn nàn
Có đến 99% phụ huynh luôn phàn nàn về con mình mỗi khi chúng không thể đáp ứng như kỳ vọng của họ. Họ luôn cho rằng phàn nàn chính là muốn tốt cho con và thể hiện sự quan tâm đến con, nhưng phụ huynh lại vô tình kéo khoảng cách với con ngày càng xa hơn.
Chúng ta cũng thường nghe thấy các bậc phụ huynh nói với con mình: "Cha mẹ nuôi con cực khổ, vậy mà con lại không biết nghe lời". Đây chính là câu nói mang tính "sát thương" rất lớn đối với lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ hãy nhớ rằng, sức mạnh của một lời nói có ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn của con trẻ không thua gì việc đánh mắng.
3. Cha mẹ hay cáu gắt và nóng tính
Khi con còn nhỏ, người gần gũi và đáng tin cậy nhất đối với trẻ chính là cha mẹ của chúng. Lúc nào chúng cũng quấn quýt bên cha mẹ vì muốn cảm nhận hơi ấm và được yêu thương nhiều hơn. Thế nhưng, có những bậc cha mẹ khi đi làm việc bên ngoài gặp chuyện không vui vẻ lại mang bực tức về nhà và trút lên đầu con cái.
Ảnh minh họa
Có đứa trẻ nào lại muốn gần gũi với cha mẹ nóng tính? Trẻ mới nói vài câu, chỉ vì không đồng quan điểm với cha mẹ lập tức bị la mắng. Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ và con cái dần xa cách nhau cũng bắt nguồn từ việc cha mẹ hay cáu gắt, nóng tính với trẻ.
Giao tiếp và thấu hiểu là chìa khóa để rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Sự lắng nghe và thấu hiểu giữa đôi bên thực sự rất quan trọng. Đây là cách cơ bản nhất để cả 2 bên hàn gắn với nhau, đồng thời cũng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Nếu cha mẹ và con ít nói chuyện trong thời gian dài, mối quan hệ này sẽ trở nên lạnh nhạt theo thời gian. Thậm chí, chỉ vì sự thiếu gắn kết mà cha mẹ và con giống như những người xa lạ, thậm chí giống như "kẻ thù" trong gia đình.
Đồng thời, nếu phụ huynh không biết nói chuyện đúng cách với con sẽ gây ra những thay đổi lớn về tính cách. Một trong những hậu quả đó là: trẻ trở nên hướng nội, thậm chí tự thu mình lại, không muốn tiếp xúc và nói chuyện với những người xung quanh.
Cha mẹ và con cái có sự thấu hiểu lẫn nhau sẽ rất có lợi cho sự phát triển của con trong tương lai, con sẽ cởi mở và gần gũi với cha mẹ hơn. Vì vậy, thay vì luôn trách móc, phàn nàn về việc con cái không nghe lời, không gần gũi, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vấn đề từ chính bản thân mình trước và kịp thời điều chỉnh.