3 quyết sách chiến lược để biến Việt Nam thành ‘con hổ kinh tế’ châu Á

Phạm Duy/VTC News |

Theo TS. Adam McCarty, chuyên gia Kinh tế trưởng, Mekong Economics, Việt Nam có thể được coi là một  “con hổ kinh tế” của châu Á.

Phát biểu tại diễn đàn Việt Nam - Australia 2024 vừa diễn ra, ông Adam McCarty bày tỏ sự ấn tượng với câu chuyện thành công của nền kinh tế Việt  Nam.

3 Quyết sách chiến lược biến Việt Nam thành con hổ kinh tế châu Á - Ảnh 1.

Toàn cảnh sự kiện.

Ông phân tích: 30 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 225 USD và ngày nay là khoảng 4.347 USD. Năm 1994, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 9% so với Thái Lan và 21% so với Philippines nhưng hiện nay, những con số này tăng lên 61% so với Thái Lan và vượt qua Philippines.

Việt Nam đang dần “bắt kịp” các nước trong khu vực. Giờ đây, Việt Nam có thể được coi là một “Con hổ kinh tế” của châu Á, và chắc chắn rằng, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường ”, ông Adam McCarty.

Tuy vậy, ông cho rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước cần vượt qua khi mà GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại chỉ bằng 34% so với Trung Quốc.

3 Quyết sách chiến lược biến Việt Nam thành con hổ kinh tế châu Á - Ảnh 2.

Chuyên gia Adam McCarty.

3 quyết sách chiến lược

Ông Adam McCarty cho rằng có 3 quyết sách chiến lược tạo nên thành công về kinh tế của Việt Nam.

Động thái quan trọng đầu tiên là việc trả lại quyền sở hữu đất đai và tài sản cho hộ gia đình vào năm 1988, sau đó là Luật Đất đai năm 1993.

Hầu hết câu chuyện thành công của các nền kinh tế tại châu Á đều bắt đầu với những cuộc cải cách đất đai có tính chất giống nhau. Những quốc gia không thực hiện điều này thường sẽ gặp khó khăn do những người lao động trong ngành nông nghiệp có thu nhập rất thấp, trong khi thu nhập của những người làm trong khu vực chính  thức ở thành thị lại cao hơn rất nhiều.

Đồng thời, thách thức của họ còn đến từ lực lượng lao động đông đảo có cuộc sống bấp bênh, đang làm việc trong khu vực phi chính thức tại các thành phố.

Quyền sở hữu tài sản vẫn được bảo vệ mạnh mẽ ở Việt Nam và thu nhập của khu vực nông thôn không bị tụt lại quá xa so với thu nhập bình quân ở thành thị. Một quyết sách đúng đắn nhanh chóng đưa Việt Nam vào con đường tăng trưởng công bằng.

Quyết sách chiến lược thứ hai là sự nhận thức của các nhà lãnh đạo, khi xác định Việt Nam phải cởi mở với nền kinh tế toàn cầu: tham gia từ điểm thấp nhất của chuỗi giá trị toàn cầu và chào đón đầu tư nước ngoài.

3 Quyết sách chiến lược biến Việt Nam thành con hổ kinh tế châu Á - Ảnh 3.

Chương trình diễn đàn.

Ông McCarty nhấn mạnh, cách đây 30 năm điều đó không phải là quyết định dễ dàng, khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước muốn được bảo hộ trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

" Tôi nhớ đến những cuộc trò chuyện với các học giả Việt Nam. Bước ngoặt về tư tưởng là khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (USBTA) vào năm 2001. Điều này đã giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) một cách suôn sẻ vào năm 2007.

Quyết sách chiến lược thứ ba trong những thập kỷ đầu của công cuộc Đổi Mới là dần chấp nhận rằng các nền kinh tế thị trường sẽ do khu vực tư nhân có sự cạnh tranh cao dẫn dắt. Những thay đổi trong Hiến pháp năm 1992 đặt nền móng cho Luật Doanh nghiệp đầu tiên vào năm 2000.

Trong 24 năm kể từ khi Luật được ban hành, Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường “làm ăn”.

Ba quyết sách chiến lược này (và những quyết sách khác) đã giải phóng tiềm năng kinh tế của các hộ gia đình nông thôn và thành thị ở Việt Nam. Kết hợp với đầu tư nước ngoài trực tiếp, những thập kỷ đầu tiên của công cuộc Đổi Mới có thể được tóm tắt như một quá trình “dịch  chuyển từ nông trại sang nhà máy.

Năm 2000, 25% người Việt Nam sống tại khu vực đô thị (hiện nay con số này là 40%) và chủ yếu là ở trong các căn hộ cao tầng ”, chuyên gia dẫn chứng.

1.000 bậc thang trở thành quốc  gia có thu nhập cao

Năm 2008, Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Và kể từ đó, đã có một quá trình không ngừng thay đổi ở mọi cấp độ nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của các dịch vụ công và khung pháp lý, qua đó duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao.

Theo ông McCarty, vị thế hiện tại của Việt Nam vào năm 2024 không phải là một “bước ngoặt” - đây là cả một quá trình cải thiện dần dần (1.000 bậc thang) mà phải tiếp tục thực hiện. “ Làm thế nào để một nền kinh tế có thu nhập trung bình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao?

Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải có một tầm nhìn kinh tế về những gì thúc đẩy tăng trưởng và năng suất trong các nền kinh tế thị trường hiện đại ”, ông nói.

Một trong những công việc quan trọng nhất của các Nhà nước hiện đại theo ông McCarty là đảm bảo thị trường có cạnh tranh, “ không bao giờ quên phép màu của các thị trường cạnh tranh ”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, một nền kinh tế hiện đại là nền kinh tế biết chấp nhận sự thay đổi do công nghệ thúc đẩy - “thân thiện với sự thay đổi”. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn làm cho việc đóng cửa một doanh nghiệp trở nên dễ dàng. Đây là điều mà Việt Nam cần cải thiện.

Việt Nam có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 khi tập trung vào một khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh toàn cầu và liên tục thay đổi nhờ những tiến bộ về công nghệ. Vai trò phù hợp của Nhà nước là một vấn đề phức tạp hơn nhưng Nhà nước cũng phải liên tục thay đổi và nâng cao mức độ hiệu quả và nhiều tầng, lớp của mình.

Nhà nước phải đảm bảo một môi trường cạnh tranh, bao gồm cả đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Mục tiêu của mô hình các tập đoàn được Nhà nước hỗ trợ tại Hàn Quốc và Nhật Bản là làm cho các tập đoàn này cạnh tranh với nhau để giành các phần thưởng dựa trên hiệu quả hoạt động của họ.

“Việt Nam nên làm điều tương tự, hoặc tìm các cách khác để tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và thậm chí cả các trường đại học ”, chuyên gia khuyến nghị.

Diễn đàn Việt Nam - Australia do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đồng tổ chức ngày 27/8 với chủ đề “ Tăng cường gắn kết kinh tế, chia sẻ tầm nhìn thịnh vượng ”. Đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa sau khi Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Diễn đàn quy tụ 600 đại biểu, bao gồm đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực và các nhà lãnh đạo uy tín. Các đại biểu đã thảo luận về tầm quan trọng của hệ thống quản trị mạnh và bao trùm, quan hệ kinh tế giữa hai nước và 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam, làm cơ sở cho việc đề ra những định hướng phát triển quan hệ Việt Nam - Australia trong giai đoạn mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại