Tại cuộc họp báo Thường kỳ quý 1/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ, vấn đề 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam đi vào hoạt động đã được đặt ra đối với các lãnh đạo của Bộ cùng các Cục liên quan.
Về thỏa thuận giữa Việt - Trung trong việc giám sát hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm gần biên giới nước ta, TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, đã hoàn thành dự thảo biên bản ghi nhớ trong việc hợp tác giữa các cơ quan pháp quy của hai nước nói riêng và ngành năng lượng hạt nhân nói chung.
"Cách đây 2 tuần, chúng tôi đã nhận được trả lời từ phía Trung Quốc. Trong biên bản ghi nhớ, về cơ bản họ đồng ý với các nội dung do chúng ta đưa ra.
Tuy nhiên, một nội dung quan trọng liên quan tới việc hợp tác xây dựng mạng quan trắc và kế hoạch ứng phó quốc gia khi xảy ra sự cố thì phía Trung Quốc lại không đồng ý và bỏ đi", ông Khải nói.
3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm gần biên giới Việt Nam. Ảnh: Bộ KHCN.
Đồng thời, ông cũng thông tin thêm, trong cuộc gặp gỡ cách đây 1 tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna (Áo), hai bên đã tiếp tục thảo luận về biên bản ghi nhớ và đưa thêm nội dung liên quan tới việc hợp tác xây dựng mạng quan trắc phóng xạ, ứng phó sự cố.
"Trưởng đoàn Trung Quốc và các chuyên gia nước bạn đã ghi nhận yêu cầu của nước ta, đồng ý đưa nội dung liên quan tới việc hợp tác xây dựng mạng quan trắc phóng xạ vào biên bản ghi nhớ.
Song phía Trung Quốc vẫn trả lời rằng cần xin thêm ý kiến từ các đồng nghiệp, quan chức trong nước", ông Khải nói.
TS Nguyễn Tuấn Khải cũng cho rằng, cần tìm hiểu về công nghệ Trung Quốc để đánh giá mức độ an toàn của ba nhà máy điện hạt nhân nằm gần biên giới Việt Nam mà phía Trung Quốc đang vận hành.
Cũng theo Thứ trưởng Bộc Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 50km.
Ngoài ra còn có hai nhà máy Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam và Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông.
Về hoạt động của các nhà máy này, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, số 2, công suất 1.000MW, nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2 và Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy.
Theo lộ trình, mỗi nhà máy này có thể có tới 6 tổ máy điện hạt nhân. Như thế đã có 7 tổ máy điện hạt nhân hoạt động gần biên giới nước ta.
Trong tương lai có gần hai chục tổ máy điện hạt nhân ngay sát Việt Nam. Các tổ máy này đều nằm gần biên giới phía bắc, nơi gần nhất chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50km.
Như vậy, riêng với nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam sẽ thuộc khu vực EPD và ICPD của nhà máy này.
Trước đó, trong năm 2016, đã có 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc được đưa vào vận hành, gồm: nhà máy Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, nhà máy Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và nhà máy Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam.
Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, 2 với công suất 1.000MW.
Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2 và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy. Theo kế hoạch, mỗi nhà máy này có thể có đến 6 tổ máy. Vị trí xây dựng các nhà máy này đều khá gần biên giới Việt Nam, nơi gần nhất khoảng 50km.
Trong tương lai, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển điện hạt nhân nhằm thay thế nhiệt điện và có xu hướng triển khai các dự án xuống phía Nam, sát biên giới Việt Nam.