3 nguyên nhân khiến triều đình nhà Thanh ôm nỗi thẹn ngàn thu với phương Tây

Trần Quỳnh |

Nguyên nhân thực sự khiến triều đình phong kiến Trung Hoa thất bại trước sự xâm lược của phương Tây không phải như chúng ta vẫn nghĩ.

Cho tới ngày nay, không ít người vẫn cho rằng triều đình nhà Thanh để đất nước bị ngoại xâm xâu xé là hệ lụy tất yếu bắt nguồn từ sự tụt hậu của Trung Hoa so với phương Tây lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự đằng sau sự thất bại của triều đình phong kiến Trung Quốc trước các đế quốc xâm lược lại là điều không ai ngờ tới.

Cuộc chiến giữa "kẻ tám lạng, người nửa cân"

Muốn so sánh thực lực của Thanh triều với phương Tây, ta cần căn cứ vào một số tiêu chuẩn chung nhất định.

Bởi lẽ, nếu bản chất hay hoàn cảnh bất đồng, mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng. Điều này tương tự như việc ta so sánh quả cam với quả quýt hay mang sắc đẹp của nam và nữ đặt lên bàn cân mà xét hơn thua.

Do đó, chúng ta cần xem xét tương quan giữa những yếu tố giống nhau ở cả hai thế lực để so sánh.

Đánh giá về tương quan sức mạnh giữa Thanh triều và phương Tây, ta cần xét tới thực lực giữa hai quốc gia, bao gồm nhiều yếu tố như tổng giá trị sản xuất quốc dân, dân số, ngân khố… chứ không phải chỉ nhìn nhận những con số về súng ống đạn dược, về số lần thắng bại trên chiến trường.

3 nguyên nhân khiến triều đình nhà Thanh ôm nỗi thẹn ngàn thu với phương Tây  - Ảnh 1.

Thực tế, vào cuối thời nhà Thanh, thực lực của Trung Hoa không thua kém nhiều so với các nước phương Tây. (Ảnh minh họa).

Về dân số, trước thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất giữa Thanh triều và quân Anh, số lượng nhân khẩu của Đại Thanh vẫn đứng hàng đầu trên thế giới, cao hơn nhiều so với dân số của chính quốc Anh (không kể tới hệ thống thuộc địa).

Nhờ đông dân, lãnh thổ rộng, lại đa dạng về ngành nghề, nên tổng giá trị sản xuất quốc dân của Thanh triều bấy giờ cũng cao gấp nhiều lần so với kẻ địch.

Xét tới vấn đề tài chính, ngân khố của Thanh triều phải dùng tới những con số khổng lồ để hình dung. Triều đình phong kiến này sở hữu nguồn tài chính rất hùng hậu.

Đối mặt với đủ mọi sức ép từ các thế lực bên ngoài, ngân khố của Thanh triều vẫn không rơi vào tình trạng kiệt quệ. Thậm chí trong khi thỏa hiệp, giao thiệp cùng ngoại quốc, triều đình còn tiếp tục mở thêm nhiều xí nghiệp, xây dựng nhiều tuyến đường sắt.

Khi đó, các quốc gia phương Tây thậm chí còn tranh nhau rót tiền cho nhà Thanh vay nợ. Điều này cũng phần nào khẳng định những thế lực tư bản này hoàn toàn tin tưởng và năng lực chi trả của triều đình.

3 nguyên nhân khiến triều đình nhà Thanh ôm nỗi thẹn ngàn thu với phương Tây  - Ảnh 2.

"Hiệp ước Tân Sửu" (1901) là hiệp ước bất bình đẳng tốn nhiều tiền nhất trong lịch sử Trung Hoa cận đại, thể hiện sự mất chủ quyền nghiêm trọng, đánh dấu việc Trung Hoa chính thức trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. (Ảnh: nguồn Internet).

Về nền móng, trước khi bước vào thời kỳ cận đại, Thanh triều có nền móng văn minh rất vững chắc và có nhiều bước nhảy vọt. "Cơ sở hạ tầng" tiến bộ này chính là sự kết hợpcủa hình thức văn minh nông nghiệp kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời.

Trong quá trình thống trị, Thanh triều một mặt thừa hưởng những thành tựu từ các triều đại đi trước, mặt khác lại tiếp tục đẩy mô thức này lên một tầm cao mới và đạt được bước tiến vượt bậc.

Bằng chứng là tới năm 1840, nhân khẩu Đại Thanh nhanh chóng tăng vọt, thậm chí đạt tới đỉnh cao về dân số trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Mặc dù trong chiến tranh, nền văn minh công nghiệp của phương Tây chiếm nhiều ưu thế hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc văn minh và chế độ xã hội của họ tốt hơn so với Trung Hoa.

Xét về phương diện phát triển bền vững, văn minh nông nghiệp của Trung Hoa có nhiều ưu điểm vượt trội như: không gây ô nhiễm môi trường, không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế…

3 nguyên nhân khiến triều đình nhà Thanh ôm nỗi thẹn ngàn thu với phương Tây  - Ảnh 3.

Thanh triều được kế thừ nền tảng vững chắc từ nền văn minh nông nghiệp có lịch sử hàng ngàn năm. (Tranh minh họa).

Về chế độ chính trị, ưu điểm lớn nhất của chế độ phong kiến Trung Hoa là sự tận tâm tận lực của Hoàng đế với đất nước. Bởi lẽ, khi đã kế thừa ngai vị, quân vương phải coi việc của quốc sự như việc nhà.

Tư tưởng này không chỉ chi phối sự thịnh suy của quốc gia, mà còn gắn liền với sinh mệnh của Hoàng đế. 

Do vậy, năm xưa Khang Hi vì nước mà lao tâm khổ tứ cả đời, Ung Chính vì giang sơn nên lao lực mà chết, Hàm Phong qua đời trong hổ thẹn cũng vì hai lần thất bại trong Chiến tranh thuốc viện.

Trong khi đó, người chấp chính trong chế độ chính trị của phương Tây lại chỉ đóng vai trò như một "người canh giữ" cho đất nước trong một giai đoạn nhất định. 

Khi hết nhiệm kỳ, họ sẽ chuyển giao quyền lực, đặt toàn bộ quốc gia vào tay một người khác. Bởi vậy, ý thức trách nhiệm và sự ràng buộc về tình cảm của họ không được như các Hoàng đế Trung Hoa.

Nguyên nhân thực sự dẫn đến "nỗi nhục ngàn thu" của Thanh triều

Không thua kém về thực lực quốc gia, nhưng triều đình nhà Thanh lại thất bại thảm hại trước các nước phương Tây vì những lý do khó có thể chấp nhận được.

Thứ nhất, không huy động sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất, nếu chỉ xét tới súng ống, đạn dược, Thanh triều rõ ràng không bì được với Anh quốc. Nhưng nhìn nhận từ sức mạnh tổng hợp của một quốc gia, dù là nhân lực hay tài lực, triều đình phong kiến này đều vượt xa kẻ địch.

Chỉ tiếc rằng, nhà Thanh lúc ấy không thể tổng hợp thực lực của quốc gia, càng không thể chuyển hóa sức mạnh ấy thành sức chiến đấu.

3 nguyên nhân khiến triều đình nhà Thanh ôm nỗi thẹn ngàn thu với phương Tây  - Ảnh 4.

Ngay cả khi sở hữu thế mạnh về nhân khẩu và kỹ thuật cung nỏ vượt trội, Thanh triều vẫn không thể tận dụng được những nguồn lực ấy để đối phó với ngoại bang. (Tranh minh họa).

Ở thời điểm Chiến tranh thuốc phiện xảy ra, binh lực của Thanh triều tổng cộng lên tới 80 vạn người, số quân ra trận là 10 vạn binh. Trong khi đó, quân Anh chỉ đưa ra khoảng 7000 lục quân và hải quân, thời điểm nhiều nhất cũng chỉ tới 2 vạn.

Kết cục "thua đau" của Thanh triều trong cuộc chiến này, ta có thể nhận thấy rõ ràng: Thanh triều hoàn toàn không có khả năng tận dụng ưu điểm về số lượng nhân khẩu cũng như sức mạnh quốc gia.

Thứ hai, sự tụt hậu trong cuộc chạy đua vũ khí

Vào thời đại lúc bấy giờ, quân Anh chỉ trang bị loại vũ khí tiêu chuẩn hạng nhẹ - súng đá lửa có lưỡi lê. So với những "sát thủ chiến trường" như thuốc nổ, kíp nổ, đạn hình nón, súng cơ bóp cò… có thể thấy rõ loại súng đá lửa trên không phải là thứ vũ khí tiên tiến nhất.

Trong khi đó, quân đội nhà Thanh vẫn cương quyết duy trì truyền thống gươm đao. Bởi vậy, trong đại quân của triều đình chỉ có phân nửa người được sử dụng súng ống, đa phần là súng điểu thương (súng bắn chim).

3 nguyên nhân khiến triều đình nhà Thanh ôm nỗi thẹn ngàn thu với phương Tây  - Ảnh 5.

Những vũ khí lạc hậu của triều đình Mãn Thanh dễ dàng bị lép vế trước các trang bị tân tiến của phương Tây. (Tranh minh họa).

Là "quê hương" của thuốc súng, nhưng pháo của Thanh triều lúc bấy giờ cũng thua xa so với Anh quốc.

Xét về đạn dược, nhược điểm của đạn pháo Trung Hoa chủ yếu nằm ở 2 điểm: lực xuyên suốt không đủ và độ chính xác không cao.

Cùng sở hữu đường kính và kích cỡ tương đương, nhưng hỏa pháo của Thanh triều rất nặng, kéo theo đó là tính cơ động thấp. Việc nhắm trúng mục tiêu của những hỏa pháo cồng kềnh này lại càng trở nên khó khăn trước đội hình và vũ khí linh hoạt của quân Anh.

Thứ ba, tự đắc dẫn tới thất bại, sau lại dùng tiền thỏa hiệp.

Trước chiến trận, quan quân nhà Thanh càng tự đắc bao nhiêu thì sau khi thua trận, họ càng gặp đả kích nặng nề về tâm lý bấy nhiều. Chính điều này đã khiến giai cấp thống trị trở nên chủ quan, thiếu ý chí, nóng vội cầu hòa.

Dựa vào thực lực lúc bấy giờ, nếu Thanh triều quyết tâm chiến đấu trường kỳ, ắt sẽ có đủ thời cơ để tập hợp sức mạnh tổng lực của quốc gia.

Tuy nhiên, giai cấp thống trị của triều đình lúc bấy giờ hoàn toàn không có quyết tâm và can đảm để "đánh lâu dài". Chính sự thiếu quyết đoán, nóng vội cầu hòa và phương thức dùng tiền thỏa hiệp đã khiến Trung Hoa thua đau trước phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại