Mối đe dọa lớn từ vũ khí siêu vượt âm
Liệu Mỹ có thể phòng thủ trước các loại tên lửa siêu vượt âm? Theo nhận định chung thì các hệ thống phòng không của Mỹ hiện nay không đủ khả năng làm điều đó. Washington sẽ phải làm gì để khắc phục các hệ thống hiện tại và triển khai các hệ thống mới?
Theo nhà phân tích Stephen Bryen trên tờ Asia Times, hiện nay có ít nhất 3 loại vũ khí siêu vượt âm chủ lực, một vài loại trong số chúng đã được Trung Quốc và Nga triển khai, một số loại khác đang được phát triển tại Mỹ.
Loại đầu tiên là phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV). Tiêu biểu như Nga đã triển khai HGV Avangard. Đây là vũ khí có thể mang theo 6 (hoặc hơn) đầu đạn hạt nhân và được phóng đi từ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tại Nga, tên lửa được lựa chọn hàng đầu là loại mới RS-28 Sarmat – ICBM nhiệt hạch hạng nặng, sử dụng nhiên liệu lỏng.
Khi bay gần hết quỹ đạo, tên lửa Sarmat sẽ triển khai Avangard và HGV này sẽ tiếp tục cơ động để vòng tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Phương tiện bay siêu vượt âm Avangard. Ảnh: missiledefenseadvocacy.org
Các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược hiện nay không được tối ưu hóa để ngăn chặn những mối đe dọa cơ động, chúng chỉ được thiết kế để đối phó với các loại đầu đạn đi theo quỹ đạo có thể đoán trước.
Loại thứ hai là phương tiện bay cơ động tầm xa dùng động cơ scramjet – về cơ bản là một loại tên lửa hành trình hoạt động ở thượng tầng khí quyển. Để tên lửa đạt được tầm liên lục địa, người ta không sử dụng nhiên liệu oxy hóa (như hydro lỏng và oxy lỏng) trong quá trình chế tạo.
Nga hiện đang thử nghiệm một loại vũ khí siêu vượt âm sử dụng nhiên liệu hạt nhân, gọi là Burevestnik – một phần của dự án 9M730. Nếu tiếp tục được phát triển thì Burevestnik sẽ có tầm bay không giới hạn và có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện nay.
Mối đe dọa thứ ba là tên lửa hành trình chiến thuật, chẳng hạn như tên lửa Kinzhal của Nga - được phóng đi từ tiêm kích MiG-31BM hoặc phương tiện mang phóng khác, và tên lửa Zircon (3M22) – phóng đi tàu tàu chiến và sẽ sớm được triển khai trên hai khinh hạm lớp Admiral Grigorovich và Admiral Gorshkov.
Những vũ khí chiến thuật này có lẽ sẽ sử dụng đầu đạn thông thường, nhưng chúng hoàn toàn có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn của chúng khoảng 1.000km.
Hệ thống phòng thủ của Mỹ kém hiệu quả
Nhà phân tích Bryen nhận định, hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ hiện nay không tương thích với các mối đe dọa siêu vượt âm. Điều tương tự cũng xảy ra với các hệ thống phòng thủ chiến thuật như Patriot (PAC 3), AEGIS và RIM-116.
Ngay cả khi không có mối đe dọa từ tên lửa hành trình siêu vượt âm thì các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ cũng rất hạn chế, và hiện Washington không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào để bảo vệ miền bắc, đông và nam nước Mỹ.
Chẳng hạn, hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được triển khai tại Guam, UAE, Israel, Romania và Hàn Quốc nhưng tại Israel và Romania mới là các đợt triển khai tạm thời.
THAAD có khả năng đánh trúng HGV nhưng không thể đối phó với phương tiện bay siêu vượt âm có khả năng cơ động cao hơn. Radar của THAAD cũng không thể theo dõi được các tên lửa hành trình siêu vượt âm bay ở độ cao thấp.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Wiki
Trong khi đó, hiện có 44 hệ thống Phòng thủ Mặt đất Giai đoạn giữa (GBI) được triển khai, như tại Fort Greely, Alaska và căn cứ không quân Vandenburg, California. GBI là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chủ lực trong nước của Mỹ.
Lầu Năm Góc nhận thấy tên lửa đánh chặn hiện tại của GBI sẽ không thể đối phó với các mối đe dọa siêu vượt âm. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hủy bỏ công việc đang thực hiện trên một mẫu tên lửa đánh chặn nâng cấp, gây ngạc nghiên lớn cho ngành công nghiệp nước này.
Lý do là vì hệ thống GBI tỏ ra thiếu chính xác trong việc đối phó với mối đe dọa siêu vượt âm, đặc biệt là HGV.
THAAD hay GBI đều không được đánh giá là các hệ thống phòng thủ hiệu quả. Mặc dù đôi lúc đánh trúng mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm nhưng chúng cũng bắn trượt rất nhiều, thậm chí khi biết trước quỹ đạo của mục tiêu hay đã được tối ưu hóa để có thể đánh chặn tốt nhất.
Và đáng nói là, trong những cuộc thử nghiệm này không có yếu tố bất ngờ, mọi thứ đều diễn ra một cách hoàn hảo (chẳng hạn như không anh lính nào ngủ quên bên cạnh nút phóng).
THAAD, GBI và hệ thống phòng thủ chiến lược SM-3 II-A/II-B của Hải quân Mỹ đều sử dụng đầu đạn động năng để đánh chặn tên lửa. Do đó, đầu đạn này phải đánh trúng tên lửa mục tiêu với độ chính xác hoàn hảo.
Đầu đạn động năng được sử dụng để các hệ thống phòng thủ tên lửa dễ được chấp nhận hơn khi xét tới một số lý do về quân sự và dân sự.
Nó có thể phá hủy hoàn toàn nhưng cũng có thể để trượt tên lửa mục tiêu. Trong khi đó, đầu đạn nổ có thể gây hư hại nhưng không phải lúc nào cũng phá hủy được mối đe dọa.
Khi Iraq bắn tên lửa Scud vào Israel, hệ thống phòng thủ Patriot có thể gây hư hại nhưng không tiêu diệt được toàn bộ số tên lửa này. Kết quả là chúng vẫn tiếp đất và phát nổ.
Một trong những lý do khiến Patriot gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa Scud là đầu đạn nổ của nó quá nhỏ. Lý do khác là bởi các tên lửa Scud lúc ấy có xu hướng bổ nhào khi chúng hạ xuống mục tiêu, có thể là do tên lửa đã cạn nhiên liệu và có vấn đề với hệ thống khí động lực. Điều đó khiến công tác đánh chặn trở nên thách thức hơn.
Phương thức dùng tên lửa đánh chặn động năng để đối phó với vũ khí siêu vượt âm được ví von với việc dùng một viên đạn để chặn một viên đạn – chiến thuật vô cùng khó khăn. Mỹ cần có công nghệ mới và cách tiếp cận mới nếu muốn có được mạng lưới phòng thủ đáng tin cậy trước các mối đe dọa chiến thuật và chiến lược.
Các loại tên lửa siêu vượt âm của Nga đáng sợ như thế nào? Nguồn: DefenseNewsX