Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, mì tôm Colusa - Miliket khi đó được gần như độc chiếm thị trường với thị phần ước tính đạt hơn 90%.
Nói đến mỳ Miliket vào thời điểm đó, hình ảnh đặc trưng thương hiệu này với bao bì bằng giấy kraft và hình ảnh hai con tôm, sau này cũng trở thành tên gọi riêng cho các sản phẩm của Miliket và trở thành lên chung cho nhóm sản phẩm mỳ ăn liền - Mỳ tôm.
Thương hiệu 45 năm tuổi Miliket cứ tồn tại như vậy suốt 45 năm ròng. Tồn tại trong tâm trí của người Việt như một điều hiển nhiên dù không quảng bá rầm rộ với chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng như các thương hiệu mì sinh sau đẻ muộn khác.
Miliket cũng là một trong số ít doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng giấy kraft so với bao bì nilon của nhiều nhãn khác về sau này.
Nhiều người nghĩ rằng Miliket an phận và phải trả giá. Nhưng, nhiều người lại cho rằng, cứ an phận như Miliket lại hay. Lý do họ đưa ra gói gọn trong 3 từ.
Một là bản sắc. Miliket như một đứa trẻ chơi riêng trong sân chơi của hàng trăm nhãn hàng mì tôm khác. Nếu như vào siêu thị, để tìm được một gói mì tôm của các hãng khác mất 10 phút thì bạn chỉ cần mất 1 phút để tìm ra mì hai con tôm Miliket nhờ bao bì kraft đã quá quen thuộc 45 năm qua và không lẫn vào đâu được.
Thay vì liên tục thay đổi thành phần hết tôm, cua, cá, thịt thì mì Miliket gần như không thay đổi hương vị qua các năm. Ai nhớ vị mì 2 con tôm sẽ tự khắc tìm đến với Miliket.
Sự khác biệt này khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy thú vị.
Hai là chi phí rẻ. Sở dĩ những hãng mì ăn liền khác phải quảng cáo theo kiểu “dội bom” trên truyền hình là vì họ cần phải định vị sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả của những chiến dịch quảng cáo tốn kém này là một dấu hỏi.
Những doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí quảng cáo lên đến hàng trăm tỷ đồng để được ghi dấu ấn trên thị trường mì tôm hẳn sẽ phải rất ghen tị với Miliket vì doanh nghiệp này gần như không cần quảng cáo.
Miliket có một định vị trong tâm trí người tiêu dùng và nhãn hiệu cũng dễ nhận biết với hình ảnh hai con tôm trên bao giấy, việc của người tiêu dùng là có lựa chọn Miliket hay không mà thôi. Nhiều người cho rằng bao bì này đã lỗi thời và cần phải đổi mới.
Tuy nhiên, nếu Miliket thay đổi nhãn hiệu, họ đang yêu cầu người tiêu dùng phải tinh mắt hơn để “phát hiện” sản phẩm trên một kệ hàng có đến vài chục loại mì khác nhau mà bao bì lại na ná giống nhau!
Ngoài ra, thay vì đầu tư quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Miliket trực tiếp đem sản phẩm đến với người tiêu dùng qua Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt về nông thôn, trực tiếp đưa sản phẩm thông qua chợ đầu mối, chợ bán lẻ và đại lý.
Tổ chức đại lý của Miliket rộng khắp toàn, nguồn chủ yếu giúp Miliket tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Miliket liên kết chặt chẽ với các nhà hàng, quán lẩu từ lớn đến bé. Không hẳn vì có giá rẻ, bản thân mì Miliket với sợi mì dai và hương vị đặc trưng rất hợp với món lẩu.
Miliket có mặt ở quá nhiều quán lẩu đến mức người dùng mặc định khi ăn lẩu là phải có Miliket cũng như Miliket giờ đây đã có một tên gọi mới – “Mì ăn lẩu”.
Bà là giá rổ cạnh tranh. Để cạnh tranh được bằng chiến lược chi phí thấp, Cosula – MILIKET đã tiết kiệm chi phí sản xuất đến mức tối. Việc thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, tăng thu hồi thành phẩm đã giúp Miliket giảm được trung bình hơn 4 tỉ đồng mỗi năm.
Và, cũng nhờ không mất quá nhiều chi phí cho việc quảng bá sản phẩm, giá mì gói Miliket hiện nay được xem là thấp nhất thị trường, chỉ dao động từ 2.000 – 6.000 đồng/gói.
Trong khi các công ty đối thủ liên tục nâng cấp sản phẩm, đầu tư mẫu mã và tăng giá mì ăn liền, Miliket lại đánh vào đối tượng người tiêu dùng ở tầng lớp thấp, lao động, đa số ở miền Tây và miền Nam. Phân khúc này đem tới lợi nhuận không cao nên những ông lớn còn chưa muốn chen chân vào.