3 lỗi sai chí mạng trong khi xin lỗi khiến bạn không bao giờ được thứ tha:
Luôn trách cứ, đổ lỗi cho người khác
Một trong những điều tệ hại nhất là trách cứ ai đó vì hành vi sai trái hay sự thiếu chuyên nghiệp của chính mình, đặc biệt là khi người bị trách lại là nạn nhân của mình.
Cố chứng minh rằng mình đúng
Khi cố bảo vệ hành vi của mình, cho rằng nó chính đáng và có thể áp dụng những tiêu chuẩn khác cho tình huống đặc biệt này hoặc cố đưa ra bất cứ lời bào chữa nào khác, thật ra bạn đang làm cho lời xin lỗi của mình trở nên kém thuyết phục hơn.
Có lẽ một lúc nào đó, bạn cần đưa ra nhiều thông tin hơn để giải thích cho những gì đã xảy ra, nhưng thời điểm đó không phải là ngay lúc này.
Cố hạ thấp vấn đề
Khi cố hạ thấp những hành động gây tổn hại, bạn đang gửi đi thông điệp rằng những ảnh hưởng gây ra từ hành vi của bạn đối với người khác là không hề quan trọng đối với bạn.
Một lời xin lỗi chân thành, được người khác chấp thuận sẽ cần có ba yếu tố:
1. Nó thể hiện rằng người đó rất hối hận về lời nói hoặc hành động của họ.
2. Nó thể hiện sự đồng cảm rằng những hành động đã nói, dù có cố ý hay không, thì cũng làm tổn thương người mà bạn xin lỗi.
3. Nó thừa nhận trách nhiệm của người đó và đưa ra được hướng để sửa đổi
Một khi người xin lỗi cố gắng dồn công sức để đảm bảo được những tiêu chí trên trong lời nói của mình, chắc chắn dù sớm hay muộn, lời xin lỗi đó cũng sẽ được chấp thuận. Người được xin lỗi có thể chữa lành được vết thương trong lòng, trong khi người biết xin lỗi đúng có thể củng cố được danh tiếng của bạn như một người công bằng và trung thực, đồng thời giúp bạn tự tin hơn để thành thật khi có điều gì đó không ổn trong tương lai.
Các phương thức xin lỗi cũng phụ thuộc vào đối tượng nhận lời xin lỗi:
Trong một chuỗi các nghiên cứu công bố hồi năm 2011, một nghệ thuật khác để thuyết phục người khác "thứ tha" cho những lỗi lầm bạn gây ra chính là khả năng nhìn và phân biệt được những loại người khác nhau, từ đó ta cần thay đổi lời xin lỗi sao cho phù hợp. Chìa khóa của một lời xin lỗi hiệu quả nằm ở chỗ chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về người đang giận. Các nhà nghiên cứu đã xác định 3 hình thức xin lỗi khác biệt nhau: Cung cấp sự bồi thường, bày tỏ sự đồng cảm và thừa nhận hành vi của bản thân đã vi phạm quy tắc và tiêu chuẩn của người khác.
Thứ nhất, phương thức cung cấp sự bồi thường là nỗ lực khôi phục lại sự cân bằng thông qua các hành động đền bù. Đôi khi việc bồi thường là hữu hình, thí dụ như trả tiền sửa chữa hoặc thay mới đồ vật nào đó mà bạn đã làm hư của đối phương, sắm cho bạn gái điện thoại mới vì bạn đã lỡ tay làm hư nó,... Ngoài ra, cung cấp sự bồi thường còn có thể vô hình, như là bồi thường tình cảm hoặc hỗ trợ xã hội. Ví dụ như "Tôi xin lỗi vì đã hành xử không tốt. Tôi hứa sẽ cố gắng quan sát kĩ lưỡng và đối xử tốt hơn với những người xung quanh mình".
Thứ hai, phương thức bày tỏ sự đồng cảm là cách xin lỗi thông qua việc đồng cảm và bày tỏ sự quan tâm về những đau khổ mà bạn gây ra cho người khác. Thí dụ như "Tôi xin lỗi vì tôi đã không đánh giá cao những nỗ lực của bạn. Chắc hẳn bạn đã cảm thấy rất buồn nhưng tôi chắc rằng điều này sẽ không xảy ra nữa." Thông qua biểu hiện của sự đồng cảm, người được xin lỗi sẽ cảm thấy được thấu hiểu và có giá trị trong mắt người khác, từ đó mối quan hệ và niềm tin sẽ được khôi phục.
Thứ ba, một phương thức xin lỗi khác có thể thuộc vào dạng thừa nhận hành vi của bản thân đã vi phạm quy tắc và tiêu chuẩn của người/nhóm người khác, về cơ bản thì bạn sẽ thừa nhận rằng bạn đã vi phạm hệ thống quy tắc do nhóm người mà bạn sống, làm việc đặt ra. Thí dụ như "Không có ai trong gia đình/công ty/cộng đồng của tôi đã hành động như vậy, tôi nên hiểu điều đó và không lặp lại hành động đó nữa." Hoặc "Tôi không chỉ thất bại, mà còn kéo theo đồng nghiệp/bạn bè/người thân thất bại."
Ứng với những phương thức khác biệt này trong lời xin lỗi thì ta nên áp dụng nó cho những đối tượng khác nhau:
Trong trường hợp người cần nhận lời xin lỗi là những người có suy nghĩ độc lập (independent self-concept), họ nghĩ rằng bản thân mình khác biệt với những người khác và có quyền tự quyết đối với bản thân. Những người này có xu hướng tập trung chủ yếu vào quyền lợi của họ, cảm xúc và mục tiêu của họ. Vì vậy, nếu bị vi phạm các điều đó họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm, bị phản bội. Do đó, việc áp dụng xin lỗi bồi thường sẽ khiến họ dễ dàng tha thứ hơn. Điển hình là tại Mỹ, nơi xã hội đề cao sự độc lập, đề cao cá nhân nên những chấn thương thể lý, tâm lý được bồi hoàn bằng rất nhiều tiền.
Trong khi đó, những người thuộc cá tính thiên về các mối quan hệ (relational self-concept) thường khẳng định bản thân mình bằng những mối quan hệ với những người mà quan trọng với họ, thí dụ như người yêu, cha mẹ, trẻ em, bạn bè, đồng nghiệp. Nữ giới đa phần thuộc loại người này và do đó, đối với họ thì những thăng trầm trong mối quan hệ có ảnh hưởng rất lớn. Những người này thường sẽ tập trung xây dựng, duy trì và tăng cường các mối quan hệ trong cuộc sống của họ. Họ sẽ bị tổn thương, giận dỗi khi cảm thấy bị thiếu tôn trọng, xem nhẹ và phản bội. Do đó, đối với họ thì những lời bày tỏ sự đồng cảm sẽ hiệu quả hơn là bồi thường.
Cuối cùng là những người cá tính thiên về cộng đồng, đề cao sự quan trọng của những nhóm người mà họ đang chung sống, làm việc. Khi đó, họ sẽ luôn tuân thủ những quy tắc, tiêu chuẩn trong cộng đồng đó. Thí dụ như cầu thủ đá bóng không được phạm luật. Nhân viên kế toán không thể có sai sót. Khi đó, cách xin lỗi cuối cùng là cách tốt nhất để khôi phục lại các mối quan hệ giữa bạn với người đó.
Tóm lại, cho dù lời xin lỗi có hay cỡ nào, có thuyết phục đến đâu thì vấn đề vẫn nằm ở chính người đưa ra lời xin lỗi. Một khi bản thân họ thực sự cảm thấy áy náy và muốn sửa sai, đền bù cho người kia, thì từ sau, từng hành động, lời nói, ánh mắt của họ sẽ thể hiện ra điều đó.
Xin lỗi đúng cách chính là bước đầu tiên trên con đường tiến đến sự hòa giải giữa bạn và người đó, hoặc giữa bạn và lương tâm của mình. Hãy bắt đầu hành trình sửa sai của mình bằng cách thông báo với người kia về sự hối cải của mình, rồi sau đó hãy thực tâm tu sửa để mỗi lời xin lỗi của bạn đều trở nên đáng giá!
Tổng hợp