Mỗi năm, 5% tức là cứ 20 người thì có 1 người nhận được chẩn đoán muộn, chẩn đoán sai hoặc nhầm lẫn, đây là kết quả trong báo cáo vào tháng 9/2015 của Viện Y học Mỹ. Mặc dù, có vẻ đây là một con số nhỏ, nhưng nó lại tăng lên theo thời gian.
Viện Y học Mỹ ước tính hầu hết người Mỹ không sớm thì muộn cũng gặp phải những chẩn đoán thiếu chính xác. Những sai lầm này gây ra 10% tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân, báo cáo này cho biết thêm.
Chẩn đoán nhầm dẫn đến tình hình bệnh tật thực sự của bệnh nhân bị bỏ qua và cung cấp cho bệnh nhân những liệu pháp điều trị không cần thiết.
“Khi bạn đã được chẩn đoán, bác sĩ sẽ ngừng xem xét tình trạng và bắt đầu điều trị”, bác sĩ Armand Leone cho biết. Nhưng nếu chẩn đoán nhầm, bệnh nhân sẽ nhận sự điều trị không cần thiết trong khi vấn đề thực sự mà bệnh nhân đang gặp phải thì lại không được phát hiện.
Một vài bệnh như đau tim, đột quỵ, dùng thuốc quá liều… có vẻ như dễ bị chẩn đoán nhầm nên việc nắm được các dấu hiệu và triệu chứng có thể giúp ích cho cuộc thăm khám.
Đau tim
Có thể bạn biết triệu chứng thông thường của cơn đau tim là đau ngực nhưng triệu chứng này không giống nhau ở tất cả mọi người. Cơn đau có thể xuất hiện ở cổ, vai và lưng, xảy ra trước và trong quá trình đau tim. Những triệu chứng khác như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và chảy mồ hôi lạnh lại giống như bệnh cảm.
Theo như nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên tạp chí Diagnosis, những người trẻ hoặc người da màu có xu hướng gặp phải cơn đau tim mà không được chẩn đoán. Cơn đau tim hiếm gặp ở người trẻ tuổi, vì vậy các bác sĩ thường không nghi ngờ vấn đề này.
Còn ở người da màu, nhìn chung những cơn đau tim thường xảy ra đột ngột nhưng các dấu hiệu lại không thể hiện trên các xét nghiệm, điều này có thể dẫn đến những chẩn đoán nhầm.
Một vài loại ung thư
Chẩn đoán muộn là điều phổ biến đối với bệnh ung thư đặc biệt là ung thư phổi, ung thư vú và ung thư trực tràng.
Những sai sót này chiếm đến 10% những sai sót của bác sĩ, đây là kết quả trong một nghiên cứu được công bố tại tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ. Sai sót chẩn đoán gặp phải ở những loại ung thư còn lại chiếm 10% trong tổng số 583 trường hợp chẩn đoán thiếu chính xác trong nghiên cứu.
Những chẩn đoán muộn thường xuất phát từ nguyên nhân các bác sĩ đã bỏ qua việc làm sinh thiết sau một kết quả xét nghiệm bất thường.
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là một bệnh lý mạch máu xảy ra khi các cục máu đông thông qua mạch máu đến phổi và gây tắc nghẽn. Đây là một trong những căn bệnh thường bị chẩn đoán nhầm, tỷ lệ sai sót chiếm 4,5% những sai sót y khoa theo một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Những triệu chứng của thuyên tắc phổi rất giống với hen hay viêm phổi bao gồm đau ngực, ho, khò khè. Mặt khác, cần làm một vài xét nghiệm trước khi bác sĩ có thể chắc chắn rằng đó là thuyên tắc phổi vì vậy nếu bác sĩ không kiểm tra kĩ lưỡng hoặc xuất hiện một kết quả âm tính giả trong xét nghiệm, thì bệnh lý thuyên tắc phổi thường dễ bị bỏ qua.
Ngộ độc thuốc hoặc quá liều
Sai sót trong chẩn đoán ngộ độc thuốc chiếm tỷ lệ 4,5% những sai sót y khoa theo báo cáo của Hiệp hội Y khoa Mỹ. Một phần nguyên nhân đến từ việc bệnh nhân không phải lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp thông tin về những thuốc bất hợp pháp mà họ sử dụng.
Tuy nhiên, hầu hết tình trạng ngộ độc hay quá liều thuốc đến từ việc kê toa thuốc giảm đau. Đối tượng sử dụng các thuốc này thường là các bệnh nhân lớn tuổi và mắc những bệnh mạn tính vì vậy bác sĩ thường không nghĩ đến việc quá liều khi đưa ra chẩn đoán.
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm gây nghiện (opioid) đã tăng mạnh từ năm 1991 và tỷ lệ tử vong do sử dụng quá liều đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1999.
Đột qụy, cũng giống như ung thư, thường được chẩn đoán muộn, tỷ lệ này chiếm khoảng 9% theo nguyên cứu được công bố tại Tạp chí Y khoa Anh. Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm yếu cơ tay, lú lẫn, kém hợp tác và nói khó. Đa số các cơn đột quỵ diễn ra đột ngột, tất cả các triệu chứng xuất hiện trong ít phút.
Tuy nhiên, với một số người thì quá trình này diễn ra chậm hơn, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và những bệnh nhân này cũng thường nhận chẩn đoán thiếu chính xác. Hơn nữa, các bác sĩ thường nhầm lẫn giữa đột quỵ và chứng đau nửa đầu.
Những điều chúng ta có thể làm
Chẩn đoán là công việc của bác sĩ nhưng chúng ta có thể giúp họ đưa ra những chẩn đoán chính xác. Để tránh sai sót và có được chẩn đoán chính xác trong thời gian ngắn hơn, dưới đây là một số gợi ý:
- Theo dõi những triệu chứng, thời điểm xuất hiện và mức độ.
- Luôn nói với bác sĩ về những hóa chất sử dụng (từ điếu thuốc lá bạn hút cho đến thuốc giảm đau nếu bạn có sử dụng).
- Yêu cầu các bác sĩ theo dõi những kết quả xét nghiệm bất thường.
- Hỏi bác sĩ về thời gian thuốc có tác dụng và theo dõi nếu thuốc không có tác dụng.
- Khi nghi ngờ, luôn nghĩ ngay đến tình huống khác có thể xảy ra.
- Hãy nhớ, bạn hiểu cơ thể của mình hơn ai hết. Nếu thấy gì không ổn, hãy đặt câu hỏi.
*Theo Foxnews