Hoa mai
Hoa mai là loại hoa đặc trưng trong ngày Tết ở miền Nam. Theo quan niệm dân gian, trưng hoa mai trong nhà là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát triển. Theo quan niệm của người xưa, hoa mai nở vào ngày Tết sẽ đem lại may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, tấn lộc tấn tài.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho hay, hoa mai trưng trong nhà có hương thơm dịu nhẹ, giúp con người giải tỏa căng thẳng, có thêm hứng khởi trong thời điểm bắt đầu một năm mới.
Trong y học cổ truyền, hoa mai có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, chán ăn, chóng mặt...
"Theo nghiên cứu khoa học, trong hoa mai có chứa các thành phần như Cineole, Linalool, Farnesol, Borneol, Benzyl alcohol, Terpineol, Indol,.. có tác dụng thúc đẩy quá trình đào thải của hệ bài tiết, giúp bảo vệ gan và mật. Ngoài ra, hoa mai còn có tác dụng ức chế sự hình thành một số loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như phẩy khuẩn tả, coli hay trực khuẩn lỵ,..", bác sĩ Vũ cung cấp thông tin.
Không chỉ là thuốc tốt cho sức khoẻ, hoa mai còn được dùng làm nguyên liệu để chế biến món ăn bổ dưỡng. Cánh hoa mai có thể được sử dụng làm bánh ngọt. Hoa mai nấu cùng thịt dê, thịt lợn, cá chép, nấm hương,… để tạo nên các món ăn tốt cho sức khỏe.
Hoa cúc
Theo bác sĩ Vũ, hoa cúc là loại hoa có khả năng lọc bỏ độc tố amoniac, benzen, thường tìm thấy trong nhựa, chất tẩy rửa và keo dán. Trong phong thuỷ hoa cúc là loài hoa tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp, trường thọ, phúc lộc và niềm an vui.
Trong y học cổ truyền, hoa cúc còn là vị thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng có hai loại thường được dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng.
Cúc hoa trắng có tác dụng tán phong thanh nhiệt, bình can, minh mục, giải sang độc. Cúc hoa vàng có vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, minh mục, hạ áp.
Cả hai thường được sử dụng để chữa các chứng cảm lạnh, sốt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu ngày lợi huyết, có tác dụng về nội tiết làm trẻ lâu.
Theo nghiên cứu Y học hiện đại, hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp, chữa cảm phong hàn, tác dụng chống viêm kháng khuẩn, tăng cường thị lực và tác dụng an thần ở những bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng do sang chấn tinh thần.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý người bị khí hư, vị hàn, tỳ vị hư hàn, ăn ít, tiêu chảy không nên dùng hoa cúc. Phụ nữ có thai, người tiêu chảy mất nước nặng, tay chân lạnh, nhức đầu mà sợ lạnh cũng không nên sử dụng… Khi sử dụng cần lưu ý cúc hoa các loại đều kỵ dùng chung với Bạch truật và Địa cốt bì.
Hoa đồng tiền
Hoa đồng tiền mang ý nghĩa tài lộc và may mắn. Trồng hoa đồng tiền mang ý nghĩa giúp gia chủ làm ăn phát đạt, gặp nhiều thành công, giúp hoá giải điềm xấu và mang lại vận may cho gia chủ.
Bác sĩ Vũ cho hay, hoa đồng tiền còn giúp thanh lọc không khí, có thể loại bỏ trichloroethylene và benzene. Hoa đồng tiền cũng giải phóng nhiều oxy hơn so với các loại cây trồng trong nhà thông thường.
Theo y học cổ truyền cánh hoa đồng tiền có chứa các thành phần thanh nhiệt nên phơi khô, đun nước uống giúp tiêu đờm, giảm ho hiệu quả. Hoa đồng tiền cũng có thể chữa được bệnh rắn cắn, sưng đau. Cách dùng bao gồm xay nhuyễn cánh hoa đun nước uống, còn xác đem đắp vào vết thương để nhanh khỏi.