3 lần sỉ nhục sinh viên, giáo sư nhận về 3 trái đắng và bài học cho những kẻ coi thường người khác

Thanh Hương |

Khi đang ngồi ăn cơm trưa, thấy cậu sinh viên đến ngồi cạnh, vị giáo sư đã sỉ nhục rằng, "Này, 1 con lợn và 1 con chim thì không thể nào ngồi ăn với nhau được đâu".

Câu chuyện thứ nhất: Giải mã giấc mơ 

Một ngày kia, Akbar đại đế (một vị vua của Ấn Độ thời cổ xưa) có một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ đó, tự dưng ông bị rụng gần hết răng, chỉ còn sót lại 1 chiếc duy nhất. Có phần lo lắng, sáng hôm sau, ông cho gọi những nhà chiêm tinh học tới để mong họ giải mã giấc mơ cho ông. 

Nhà chiêm tinh học thứ nhất được vời tới đã trả lời nhà vua rằng, giấc mơ ấy có nghĩa là những người thân của nhà vua sẽ từng người từng người một chết trước nhà vua.

Nghe được đáp án này, nhà vua vô cùng tức giận và lo lắng, bèn đuổi anh ta ra về và gọi những nhà chiêm tinh học khác tới để hỏi về ý nghĩa của giấc mơ đêm qua. Tuy nhiên, tất cả những người đến sau cũng đều đưa ra đáp án giống hệt như vậy, khiến nhà vua rất buồn bã và thất vọng. 

Ông lần lượt cho họ ra về, không đánh cho một trận đã là may lắm, chứ đừng nói gì đến việc trọng thưởng. 

3 lần sỉ nhục sinh viên, giáo sư nhận về 3 trái đắng và bài học cho những kẻ coi thường người khác - Ảnh 1.

Nghe lý giải của Tể tướng Birbal, vua Akbar đã giải tỏa được sự lo lắng và căng thẳng. (Ảnh minh họa)

Vài ngày sau, nhà vua Akbar đã gặp mặt Tể tướng Birbal - một người có trí tuệ siêu việt, thông minh xuất chúng và kể lại câu chuyện cho Tể tướng Birbal nghe. 

Birbal suy nghĩ một hồi, sau đó nói với nhà vua: "Thưa bệ hạ, bệ hạ không cần phải lo lắng, giấc mơ đó có nghĩa là bệ hạ sẽ sống thọ và hưởng phúc phần nhiều nhất trong hoàng tộc này". 

Akbar đại đế nghe xong, tinh thần trở nên phấn chấn và vui vẻ hẳn lên, sẵn đang có tâm trạng tốt, liền ban thưởng hậu hĩnh cho Tể tướng Birbal. 

3 lần sỉ nhục sinh viên, giáo sư nhận về 3 trái đắng và bài học cho những kẻ coi thường người khác - Ảnh 2.

Lời bàn: Thực ra, câu nói của Tể tướng Birbal truyền tải cùng một thông điệp so với lời giải mã về giấc mơ của các nhà chiêm tinh học, thế nhưng, nó đã được diễn giải theo một góc nhìn đầy tích cực, và đã mang lại hiệu ứng khác hẳn. 

Trong cuộc sống cũng vậy, cùng một lời nói, nhưng có người nói ra khiến ai cũng vui vẻ, thoải mái, trái lại, có người nói ra lại chỉ gây ra sự mất hòa khí, khiến người khác khó chịu, tất cả đều có thể do cách diễn đạt mà thôi. 

Câu chuyện thứ hai: Swami Vivekananda và 3 lần đáp trả vị giáo sư bất lịch sự

Swami Vivekananda (1863 – 1902) là một tu sĩ Ấn Độ giáo - một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của trường phái triết học Vedanta. Là một người có trí tuệ siêu việt, thông minh sắc sảo, những giai thoại về ông luôn được nhiều người tìm đọc một cách say mê. 

Một trong số đó là câu chuyện liên quan đến việc đáp trả của Vivekananda với một giáo sư khó tính hay gây khó dễ cho ông khi ông theo học chuyên ngành Luật tại Đại học London, Anh. 

3 lần sỉ nhục sinh viên, giáo sư nhận về 3 trái đắng và bài học cho những kẻ coi thường người khác - Ảnh 3.

Swami Vivekananda đã có những đáp trả sâu cay với vị giáo sư luôn soi mói và sỉ nhục anh. (Nguồn ảnh: Internet)

Chuyện kể rằng một hôm, khi vị giáo sư này đang ngồi ăn cơm trưa ở căng tin thì nhìn thấy Vivekananda cầm khay đồ ăn đi tới, ngồi xuống cạnh mình, cảm thấy rất khó chịu. Ông ta liền buông lời sỉ nhục cậu sinh viên: "Anh Vivekananda này, một con lợn và một con chim thì không thể nào ngồi ăn với nhau được đâu". 

Mỉm cười đắc ý sau câu nói đầy xúc phạm, song vị giáo sư chẳng ngờ rằng ông ta đã chọc nhầm người. Vivekananda mỉm cười bình tĩnh, cầm khay thức ăn đứng lên, trước khi đi chỉ nhẹ nhàng trả lời giáo sư một cách từ tốn: "Đừng lo, thưa giáo sư, tôi sẽ bay đi ngay đây". 

Đỏ mặt vì tức giận, vị giáo sư lên kế hoạch trả thù cậu sinh viên. 

Hôm sau, trong lúc lên lớp, vị giáo sư cố tình gọi Vivekananda lên để trả lời 1 câu hỏi, "Nếu đang đi trên đường mà nhìn thấy 1 túi đựng trí tuệ và 1 túi đựng tiền, cậu sẽ chọn túi nào?". 

Chẳng buồn suy nghĩ đến 1 giây, Vivekananda đáp luôn: "Tất nhiên là tôi sẽ nhặt túi tiền rồi, thưa giáo sư". 

Giáo sư mỉm cười châm biếm: "Nếu tôi là cậu, Vivekananda, tôi sẽ chọn túi đựng trí tuệ đấy". 

Vivekananda nhún vai, trả lời tưng tửng: "Ai thiếu cái gì thì chọn cái ấy thôi". 

Giáo sư tức lắm nhưng không biết nói gì. Khi chấm điểm bài luận của Vivekananda, thay vì cho điểm như bình thường, ông ta chỉ ghi vào đó 1 từ duy nhất "Idiot", nghĩa là "Kẻ ngốc" để sỉ nhục Vivekananda. 

Khi nhận được bài thi, Vivekananda không có phản ứng gì, lẳng lặng đi đến bàn làm việc của giáo sư và bình tĩnh nói: "Thưa giáo sư, ông chỉ ký tên lên bài thi của tôi mà quên không chấm điểm này".  

3 lần sỉ nhục sinh viên, giáo sư nhận về 3 trái đắng và bài học cho những kẻ coi thường người khác - Ảnh 4.

Lời bàn: Mỗi chúng ta, dù là ai thì cũng nên học cách tôn trọng người khác, dù họ không giống bạn về giới tính, chủng tộc hay quan điểm cá nhân. 

Tôn trọng người khác, bạn sẽ nhận lại được sự tôn trọng. Nếu bạn lấy họ ra làm trò cười, có lẽ người bị chê cười lại chính là bản thân bạn. 

Nếu bạn cảm thấy mình hơn người khác, hãy biết ơn vì điều đó, chứ đừng coi thường họ. 

Theo Moral Stories

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại