3 lần đi cấp cứu, 1 lần rơi vào hôn mê vì đái tháo đường
Tình cờ phát hiện ra căn bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong một lần đi khám sức khoẻ, anh Hải Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) tại Thường Tín, Hà Nội đã rất bất ngờ.
Anh Nam cho biết, ngày hôm đó anh cùng nhóm bạn tới một bệnh viện tuyến trung ương khám. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ gọi điện thông bảo anh cần phải nhập viện cấp cứu ngay.
"Bác sĩ nói chỉ số đường huyết của tôi quá cao, nếu không nhập viện điều trị, tôi có thể rơi vào tình trạng hôn mê", anh Nam nói.
Anh Nam nhập viện và điều trị với chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 2. Sau 2 tuần điều trị, chỉ số đường huyết đã ổn định nên anh được xuất viện. Bác sĩ dặn anh cần phải tiêm insulin và uống thuốc đúng giờ để kiểm soát đường huyết.
Tuy nhiên, khi về nhà, anh Nam thấy sức khoẻ ổn định nên đã bỏ thuốc, công việc của anh lại thường xuyên phải nhậu nhẹt, ăn uống thất thường, cơ thể anh sút cân, suy nhược nên được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện gần nhà.
"Ngay lập tức tôi phải nhập viện cấp cứu và sau đó hôn mê 15 ngày", anh Nam nói.
Nằm tại đây điều trị 20 ngày, sau khi sức khoẻ ổn định, anh được xuất viện. Lo ngại việc phải nhập viện lần nữa nên anh Nam đã tới bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và điều trị định kỳ.
Tuy nhiên, khi đang điều trị đái tháo đường, anh Nam được người thân giới thiệu uống thuốc nam lá cây thìa canh có thể điều trị được đái tháo đường nên anh lại bỏ thuốc của bệnh viện kê đơn và chỉ uống lá cây thìa canh để điều trị bệnh.
Uống thuốc nam được một thời gian, anh Nam lại có tình trạng mệt mỏi nhiều, khát nước, sút cân. Anh tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện cấp cứu một lần nữa.
Qua nhiều lần phải nhập viện cấp cứu do đường huyết tăng cao, giờ đây anh Nam cũng đã hiểu thêm về đái tháo đường tuýp 2. Đây là căn bệnh mạn tính, phải dùng thuốc suốt đời và hiện chưa có phương thuốc nào điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, anh Nam rất tuân thủ điều trị.
Anh Nam cũng nhắn nhủ tới mọi người rằng khi đã mắc đái tháo đường tuýp 2, hãy tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Khi muốn uống thêm các loại thuốc khác, mọi người cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.
TS.BS Lâm Mỹ Hạnh, Phó khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh nhân Nam nhập viện trong tình trạng chỉ số đường huyết tăng rất cao, tăng áp lực thẩm thấu máu. Bệnh nhân này trước đó đã dùng thuốc kiểm soát đường huyết ổn định nhưng sau đó lại tự ý bỏ thuốc điều trị để uống thuốc nam. Khi bệnh nhân nhập viện lần nữa, các bác sĩ đã tiến hành bù dịch tích cực và truyền insulin tĩnh mạch liên tục qua bơm tiêm điện để điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hạnh cho biết không chỉ có trường hợp của bệnh nhân Nam, hiện nay vẫn còn rất nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường "sợ" dùng thuốc tây và tự chuyển sang uống thuốc nam.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, có một số bệnh nhân điều trị có quan niệm sai lầm rằng uống thuốc tây điều trị đái tháo đường sẽ làm hỏng thận, gan… Do vâỵ, bệnh nhân đã chuyển sang uống các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc lá để đỡ gây hại cho gan, thận.
Thực tế khi thuốc được đưa vào cơ thể, chúng đều được chuyển hoá và đào thải qua gan và thận.
"Do vậy, uống thuốc tây hay thuốc nam, thuốc bắc thì thuốc đều phải đào thải qua gan, thận. Nguy hiểm hơn là một số loại thuốc nam hoạt tán không rõ nguồn gốc, thậm chí còn bị trộn thêm các loại thuốc tây với liều lượng không rõ ràng, khi bệnh nhân uống có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết. Điều này có thể khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu", bác sĩ Mỹ Hạnh nói.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường
Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao mắc thêm một số vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu tăng cao nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng khác như tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh....
Theo bác sĩ Hạnh, một trong các biến chứng gây tử vong nhiều nhất ở bệnh nhân đái tháo đường là biến chứng tim mạch, chẳng hạn như bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim), bệnh mạch máu não (đột quỵ)…. Ngoài ra, huyết áp cao, mỡ máu tăng cao, kiểm soát đường huyết kém và nhiều yếu tố nguy cơ khác cộng gộp làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Biến chứng thận: Đái tháo đường có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở cầu thận dẫn đến suy thận. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị, theo dõi đúng cách có thể gặp biến chứng suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo.
Biến chứng thần kinh: Bệnh nhân đái tháo đường lâu năm có thể gặp các biến chứng thần kinh tự động, biến chứng thần kinh ngoại vi…. thường biểu hiện dưới dạng các bất thường về tiêu hóa, sinh dục (rối loạn cương dương…), dị cảm và mất cảm giác ở đầu ngón chân, tay. Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân, dẫn đến không nhận biết được các vết thương ở giai đoạn sớm, khiến vết thương lan rộng, gây nhiễm trùng, hoại tử ngọn chi và phải tháo khớp, cắt cụt chi.
Biến chứng mắt: Mức đường huyết tăng cao liên tục không được kiểm soát hiệu quả là nguyên nhân chính gây ra biến chứng võng mạc.
Các biến chứng trong thời kỳ mang thai: Phụ nữ mắc đái tháo đường khi mang thai hoặc đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có nguy cơ mắc một số biến chứng như: tiền sản giật, sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ tử vong của trẻ sau khi được sinh ra…
Bác sĩ Mỹ Hạnh khuyến cáo, người dân khi mắc đái tháo đường cần phải đi khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và tăng cường tập thể dục thể thao.