Người có tư duy tốt có thể từng bước tích lũy và trở nên giàu có. Ngược lại, người có những tư duy không tốt sẽ tự đánh mất đi may mắn, năng lực và càng lúc càng trở nên nghèo nàn hơn.
Vậy thì những tư duy nào sẽ khiến chúng ta càng lúc càng chìm trong "thất bại"?
Inamori Kazuo, "vị thần doanh nhân" của Nhật Bản sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn.
01. Sợ chịu thiệt thòi, sợ chịu khổ
Bất kể là làm kĩ thuật viên, xây dựng công ty Kyocera hùng mạnh từ con số không, mở rộng ngành nghề sang viễn thông, Inamori Kazuo luôn chấp hành triết lí kinh doanh "vị tha" và suy nghĩ đến lợi ích của người khác.
Có lẽ sẽ có người nói rằng vì ông đã thành công nên muốn nói gì cũng được. Người xưa có câu: "Người không vì mình thì trời tru đất diệt", chỉ làm phục vụ cho người khác thì sao có thể mang lại thành công cho bản thân?
Thực ra, nếu phân tích kĩ hơn thì bạn sẽ phát hiện: Bản chất của "Vị tha" cũng chính là "vì chính mình". Bạn giúp người khác giải quyết vấn đề, mọi việc phát triển theo hướng tốt đẹp thì cả bạn và người khác cũng cùng được hưởng lợi ích.
Lấy ví dụ về việc kiếm tiền. Trong mắt người giàu, tiền là một hạt giống, cố gắng nhịn đói để đến mùa xuân trồng hạt xuống, mùa thu bắt đầu thu hoạch sẽ kiếm được nhiều tiền. Nhưng trong mắt người nghèo thì sao? Hạt giống trồng xuống cũng chẳng biết năm nào sẽ thu hoạch nên cứ lấy ăn hết đi, ăn no rồi tính tiếp.
Cũng giống như Inamori, trước đó, công ty phải đối mặt với sự sụp đổ, đến cả tiền lương nhân viên cũng không phát được. Trong khi những người bạn đồng nghiệp khác đều chạy đi hết, Inamori còn chuyển đến tá túc hẳn trong công ty, nghiên cứu bất kể sáng đêm, tự bỏ tiền túi ra để đầu tư vật liệu. Cuối cùng, ông đã thành công và tạo nên danh tiếng so với những đối thủ khác.
Nếu như sợ chịu khổ, sợ "nếu tôi bỏ ra quá nhiều mà mất trắng thì sao?" thì làm gì có Inamori của ngày hôm nay.
Vậy nên, sợ chịu khổ, từ chối cho đi thì cả đời cũng không thể khấm khá lên được.
02. Ý tưởng chỉ vừa mới lóe lên là đã động tay làm liền
"Nhìn thấy được sự thành công phía trước thì bạn mới có thể thành công", Inamori nói.
Trước mỗi sự quyết định to lớn trong sự nghiệp, Inamori luôn vạch ra trong đầu mình những quá trình mà nó có thể diễn ra, từ đó tìm ra sơ hở để lập kế hoạch dự trù nguy hiểm và thất bại.
Năm 1984, Inamori quyết định nhảy sang công ty viễn thông DDI. Quyết định này đã gặp không ít sự phản đối của ban điều hành. Nhưng ông vẫn làm theo chí hướng của mình, vì từ lâu, ông đã nhìn thấy được tiềm năng vô hạn của ngành công nghiệp điện thoại, thậm chí ông còn vẽ ra sẵn kế hoạch phát triển cho nó và những bước mấu chốt thiết yếu phát sinh.
Vậy nên, khi bạn nghĩ đến một ý tưởng gì đó, trước lúc bắt đầu hành động, hãy nghĩ ra trong đầu rằng: Cái này sẽ phát triển thế nào? Một tuần sau nó sẽ có tình hình ra sao? Một tháng sau sẽ thế nào…
03. Làm lơ với thất bại
"Thành công và thất bại đều là một loại khó khăn", theo Inamori.
Mặc dù nói "thất bại là mẹ thành công", nhưng nếu bạn không thể đúc kết kinh nghiệm trong thất bại để cải thiện bản thân thì thất bại vẫn hoàn thất bại mà thôi.
Vậy nên, đừng bao giờ xem thường thất bại và cho rằng thất bại không có ý nghĩa gì cả. Thất bại chưa bao giờ là mẹ của thành công, mà chính là những sự kiểm điểm và sửa chữa.
Trong suốt mấy chục năm kinh doanh, Inamori luôn không ngừng thay đổi bản thân.
Ông không bao giờ để khách hàng phải nhận những sản phẩm chưa được hoàn thiện. Ông luôn liên tục suy nghĩ và nghiên cứu mình đã sai ở điểm nào, làm thế nào để đạt được tối ưu sản phẩm,… cho đến khi hoàn thành được sản phẩm khiến khách hàng hài lòng mới thôi. Thậm chí, có lúc khi khách hàng đã gật đầu hài lòng, Inamori vẫn tiếp tục cải tiến để tạo nên sản phẩm "ưu việt" hơn.
Mỗi con người trên chặng đường theo đuổi ước mơ đều sẽ gặp muôn trùng khó khăn và thất bại.
Không sợ thất bại quả là một đức tính tốt, nhưng phải biết không ngừng tìm tòi học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ thất bại. Khi đó, bạn mới có thể tiếp cận được với sự thành công hơn.