"Vì tôi là chồng, là vợ của cô ấy/anh ấy nên tôi có quyền làm điều này", hoặc "Chúng ta yêu nhau, tôi đòi hỏi điều đó có gì sai?" là lập luận mà không ít người thường dùng để hợp lý hóa những hành động của bản thân trong mối quan hệ tình cảm.
Phải chăng nhân danh tình yêu hoặc tình nghĩa vợ chồng là người ta có quyền truy cầu ở nhau bất kỳ điều gì?
Câu trả lời có lẽ là không. Suy cho cùng, dù mối quan hệ đang ở mức độ hẹn hò hay đã về một nhà đi nữa, bạn và đối phương vẫn là 2 cá thể hoàn toàn riêng biệt và khác biệt. Để hòa hợp, chung sống hòa thuận và duy trì hạnh phúc bền vững, đây là 3 hành động mà các cặp đôi nên hạn chế.
1. Đòi hỏi sự chú ý từ đối phương trong mọi hoàn cảnh
Mong muốn được quan tâm, chú ý là hoàn toàn chính đáng, nhất là khi hai người mới bắt đầu mối quan hệ hoặc đang trong thời kỳ vợ chồng son mặn nồng. Tuy nhiên, nếu mong muốn ấy biến tướng, trở thành những yêu cầu vô lý như người ta đi đâu, làm gì cũng phải "báo cáo" với bạn, thì mong muốn này không còn chính đáng nữa.
Ảnh minh họa
Không ít người phụ nữ thường rỉ tai nhau cách đong đếm tình cảm của đối phương bằng tốc độ xem và trả lời tin nhắn. Những hờn ghen, trách móc đôi khi bùng lên, tạo thành vết nứt trong mối quan hệ chỉ bởi tin nhắn đã gửi đi cả tiếng mà chẳng có hồi âm.
Đôi khi, phụ nữ vì khát khao được quan tâm, được chú ý mà vô tình quên mất rằng ai cũng có công việc và lịch trình sinh hoạt riêng. Và việc đối phương yêu bạn không đồng nghĩa với việc anh ấy làm gì cũng phải báo cáo hoặc xin phép.
2. Giải quyết mọi bất đồng qua tin nhắn
Có rất nhiều người đàn ông sợ phải nhìn thấy nước mắt của phụ nữ, cũng có rất nhiều người phụ nữ không muốn thấy cảnh người yêu mình to tiếng, nổi nóng. Vì thế, họ chọn cách trao đổi qua tin nhắn để bày tỏ những khúc mắc trong lòng, để tranh cãi, đấu tố lẫn nhau sau xem ai đúng, ai sai mỗi lần bất hòa.
Thế nhưng, chính vì sự ái ngại đó mà bất đồng ngày một chồng chéo hơn. Bởi khi không trực tiếp lắng nghe giọng nói và nhìn thấy biểu cảm của đối phương, chúng ta rất dễ nghiêm trọng hóa và thổi phồng vấn đề.
Đoán biết cảm nhận của nhau qua ngôn từ và những icon cảm xúc chưa bao giờ là một lựa chọn thông minh và đúng đắn.
3. Luôn dán mắt vào màn hình điện thoại
Không khó để bắt gặp hình ảnh những cặp đôi ngồi bên nhau trong quán ăn, quán cà phê mà mỗi người đều cầm trên tay một chiếc điện thoại và... dán mắt vào đó.
Ảnh minh họa
Đôi khi, hành động này là không thể tránh do những ràng buộc về mặt công việc. Đôi khi, nó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, rằng người ta chẳng biết nói gì với nhau hoặc chẳng còn gì để nói với nhau nữa.
Việc quá tập trung vào các thiết bị công nghệ sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của quãng thời gian bên nhau. Về lâu về dài, thói quen này có thể tạo ra những khoảng cách vô hình trong tâm hồn. Còn gì tệ hơn việc hai người đang trong mối quan hệ tình cảm mà lại chẳng biết phải nói chuyện gì khi ở bên nhau?
Có thể bạn không tin nhưng sự thật là chẳng bao giờ có chuyện tình cảm bỗng dưng nguội lạnh vào một ngày đẹp trời. Sự nguội lạnh ấy có thể bắt đầu từ những suy nghĩ, những hành động rất nhỏ trong tương tác thường ngày mà nhiều người không để ý, cũng chẳng nhận ra để rồi lại thở dài "tình yêu biến mất chẳng vì lý do gì cụ thể".