3 dự án dài hơn 800km thuộc lĩnh vực chiến lược hàng chục tỷ USD nối Việt Nam-Trung Quốc đón tín hiệu vui

Thái Hà |

Lĩnh vực này có nhiều dự án được lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc nhiều lần ưu tiên thúc đẩy, cho thấy tầm quan trọng hàng đầu.

Nội dung chính

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc
  • Việt Nam và Trung Quốc ký kết 2 văn kiện về đường sắt

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao đổi về lĩnh vực đường sắt với các lãnh đạo Trung Quốc

Ngày 19/8, tại Đại lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh, ngay sau Lễ đón chính thức trọng thể, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Lãnh đạo Việt - Trung thống nhất cao trước loạt dự án  chiến lược trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: VOV

Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ dẫn kết quả hội đàm cho thấy, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi liên quan đến nhiều lĩnh vực, vấn đề then chốt. Trong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất.

Cụ thể, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “vành đai con đường”, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới, tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao, tương xứng với tin cậy chính trị, thể hiện được trình độ phát triển và khoa học công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.

Đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chất lượng vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có nhiều ưu thế như kinh tế xanh, kinh tế số.

Cũng trong ngày 19/8, tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.

Lãnh đạo Việt - Trung thống nhất cao trước loạt dự án  chiến lược trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: VOV

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng hoan nghênh Trung Quốc tham gia hợp tác trong dự án xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam Trung Quốc, cũng như hợp tác trong các tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Bày tỏ nhất trí và đánh giá cao các ý kiến quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Lý Cường cho rằng hai nước cần kiên trì bố cục hợp tác, phát triển cùng thắng; tăng cường kết nối vận tải đường sắt giữa Việt Nam với châu Âu thông qua Trung Quốc, thúc đẩy nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Trong cuộc hội kiến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ mong muốn xây dựng các tuyến đường sắt kết nối hai nước, thu hút đầu tư vào Việt Nam các dự án với quy mô lớn, chất lượng cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc.

Lãnh đạo Việt - Trung thống nhất cao trước loạt dự án  chiến lược trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 3.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Vương Hộ Ninh. Ảnh: VOV

Tán thành với mong muốn và đề xuất hợp tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh bày tỏ, Trung Quốc mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy giao lưu ở các kênh, các cấp giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực.

Việt Nam và Trung Quốc ký kết nhiều văn kiện về đường sắt

Ngày 19/8, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Đã có 14 văn kiện được ký kết tại buổi lễ, trong đó có 2 văn kiện về lĩnh vực đường sắt. Cụ thể là:

Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.

2 văn kiện về đường sắt mới được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc đề cập tới 3 tuyến đường sắt chiến lược trị giá hàng tỷ USD và dài hơn 800km mà hai nước liên tục xúc tiến hợp tác trong thời gian qua.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Lãnh đạo Việt - Trung thống nhất cao trước loạt dự án  chiến lược trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 4.

Việt Nam và Trung Quốc hợp tác xây dựng đường sắt tỷ đô. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn

Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Lạng Sơn, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).

Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.

Lãnh đạo Việt - Trung thống nhất cao trước loạt dự án  chiến lược trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 5.

Đường sắt chạy xuyên biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Dự án đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội

Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch và nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội từ Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ mở ra một tuyến mới nối cửa khẩu Móng Cái tới thủ đô Hà Nội, tạo động lực giao thương hàng hóa, xuất khẩu và phát triển du lịch.

Hiện nay chưa có thông tin cụ thể về dự án đường sắt từ Móng Cái - Hạ Long kết nối với Hà Nội, tuy nhiên, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt riêng lẻ.

Trong đó, tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030. (Tuyến đường sắt này đang được xây dựng dang dở).

Tuyến thứ hai là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Tuyến thứ ba là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Như vậy nếu tuyến đường sắt Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội được đầu tư sẽ có chiều dài gần 280km.

Hiện nay, phía Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cách cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chỉ vài km.

“Do vậy, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

Lãnh đạo Việt - Trung thống nhất cao trước loạt dự án  chiến lược trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 7.

Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại