3 dự án BOT lớn chủ động xin giám sát doanh thu

BT |

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai hệ thống giám sát lưu lượng và doanh thu thu phí tại 3 dự án BOT do tỉnh quản lý.

UBND tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư 3 dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, gồm: Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến (đã hoàn thành, tổ chức thu phí từ ngày 15/10/2018), Dự án đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương (trong đó, tuyến Quốc lộ 18 đã thi công hoàn thành, tổ chức thu phí từ ngày 13/2/2018 và tuyến cao tốc hoàn thành tháng 1/2019, thu phí từ ngày 1/2/2019) và Dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (khởi công xây dựng ngày 3/4 vừa qua, dự kiến hoàn thành trong quý I/2021).

Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong quản lý, giám sát công tác thu phí, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa các trạm thu phí của các dự án nêu trên vào dự án hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ do Tổng cục đang triển khai và lắp đặt hệ thống quản lý, giám sát khai thác dữ liệu thu phí để bảo đảm đồng bộ theo lộ trình thực hiện với các trạm thu phí tại các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho Báo Giao thông biết, hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sắp được đưa vào hoạt động, sẽ giám sát và chống gian lận hiệu quả tại các trạm thu phí BOT.

Dự án bước đầu sẽ giám sát 66 trạm. Giai đoạn 2 sẽ nhân rộng lên 88 trạm và tiến tới tất cả các trạm do Bộ GTVT quản lý sẽ được giám sát bằng hệ thống này.

Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thí điểm tại 3 trạm là Hà Nội-Bắc Giang, Bến Thủy và Toàn Mỹ 14. Trước mắt, Tổng cục sẽ triển khai hoàn thành hệ thống ở 66 trạm vào tháng 7 tới, sau đó sẽ nhân rộng ra các trạm khác.

Dữ liệu thu phí sẽ được truyền độc lập về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Số liệu thu phí từ phần mềm giám sát sẽ là cơ sở để đối soát doanh thu với nhà đầu tư BOT xem họ có báo cáo trung thực và chênh lệch hay không.

Từ số liệu đối sánh này, Tổng cục sẽ có số liệu hoàn vốn chính xác của dự án trên cơ sở lưu lượng đã kiểm soát được cũng như yêu cầu nhà đầu tư BOT giải trình khi có bất thường về doanh thu, số lượng xe qua trạm.

Cũng theo ông Huyện, ngoài các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý, các địa phương nếu có nhu cầu giám sát lưu lượng và doanh thu các trạm thu phí có thể đề xuất kết nối vào hệ thống của Tổng cục. Các địa phương tự đầu tư thiết bị tại trạm và trả phí đường truyền cho nhà cung cấp dịch vụ.

Nhiều tuyến cao tốc lập kỷ lục mới về lưu lượng giao thông

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả 4 tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đã đạt tới 843.000 lượt phương tiện, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 12% với nhiều kỷ lục mới được thiết lập.

Cụ thể, tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã phá mốc kỷ lục với 74.200 lượt phương tiện/ngày vào ngày 27/4. Kỷ lục được thiết lập năm 2018 là 70.200 lượt phương tiện/ngày.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai đạt kỷ lục mới với 42.700 lượt phương tiện trong ngày 28/4, cùng kỳ năm trước là 39.200 lượt phương tiện.

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi cũng đạt kỷ lục mới 7.000 lượt phương tiện vào ngày 28/4, bỏ xa mức cùng kỳ năm trước.

Cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây cũng lập kỷ lục mới với 61.400 lượt phương tiện lưu thông vào ngày 27/4, vượt 6% mốc kỷ lục đạt được cùng kỳ năm trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại