3 đồng bằng trên thế giới gặp nguy cơ biển nhấn chìm, 1 trong số đó là Miền Tây Nam Bộ

Hoa Hướng Dương |

Cùng với Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Nile và đồng bằng sông Ganges đối mặt nguy cơ bị nước biển nhấn chìm năm 2100.

Ngày 26 - 27/09/2017, hội nghị phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được tổ chức tại Cần Thơ. Đây được xem là "Hội nghị Diên Hồng" nhằm tìm ra đối sách trong cuộc chiến chống BĐKH.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBBSCL là một trong ba đồng bằng chịu tác động mạnh mẽ nhất thế giới từ biến đổi khí hậu.

1. Những châu thổ cũng chịu chung số phận vì BĐKH trên thế giới

Vùng đồng bằng sông Nile (Ai Cập)đồng bằng sông Ganges (Bangladesh) là hai đồng bằng chịu tác động không kém khi nước biển dâng cao.

Cũng như ĐB SCL, đây là những khu vực tập trung đông dân cư và là nguồn cung cấp lương thực quan trọng.

Theo báo cáo của Geological Society (Mỹ) thì tới năm 2025, đồng bằng sông Nile sẽ thiếu nước sạch do ngập mặn nghiêm trọng và tới năm 2100 sẽ trở thành một nơi không thể sống được, ngoài ra tình trạng sụt lún cũng diễn ra như ở ĐBSCL.

Chỉ cần nước biển dâng cao 1 m sẽ làm cho 1/3 diện tích đất trồng trọt bị mất đi khiến 2 triệu người bị ảnh hưởng (theo Bank Information Center).

3 đồng bằng trên thế giới gặp nguy cơ biển nhấn chìm, 1 trong số đó là Miền Tây Nam Bộ - Ảnh 1.

Đồng bằng sông Nile, khu vực nước biển ngập 1 mét (màu xanh đậm). Màu nâu và nâu đậm là khu vực dân cư sinh sống. Nguồn: Columbia University

Đồng bằng sông Ganges (Bangladesh) là một trong những nơi tập trung mật độ dân số cao nhất thế giới với khoảng 120 triệu người sẽ bị đe dọa khi nước biển dâng cao, nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứ Khí quyển (Colorado, Mỹ) cho thấy đây là khu vực rất nhạy cảm với BĐKH.

Tại đây, mực nước biển đang dâng cao với tốc độ 25 mm/năm và tới năm 2050 sự tác động của mực nước biển sẽ ảnh hưởng tới hơn 3 triệu người sống nơi đây khi làm mất đi 1/4 đất nông nghiệp cuối thế kỷ này.

Ngoài ra, vùng đồng bằng Niger giàu dầu mỏ vốn đóng vai trò quan trọng đối với Nigeria với sản lượng đạt 1,95 triệu thùng/ngày nhưng BĐKH mà cụ thể là lũ lụt năm 2012 đã làm thiệt hại 500.000 thùng/ngày (theo Công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Maplecroft).

Bên cạnh đó, mực nước biển tăng lên còn đe dọa tới các giếng dầu lớn (thậm chí nhấn chìm chúng), lượng mưa thất thường cũng đe dọa an ninh lương thực nơi đây.

2. Biến đổi khí hậu tác động tới ĐBSCL như thế nào?

Tác động mà biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét và mạnh mẽ, để có thể hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của hội nghị này, chúng ta cần hiểu được những gì đang diễn ra ở ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, là mảnh đất màu mỡ, trù phú và là trung tâm lớn sản xuất lúa gạo (chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu) cũng như nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản (chiếm gần 60%), phát triển du lịch...

Vùng chiếm 20% dân số Việt nam và đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc 70% sản lượng trái cây cả nước, trong đó, Cần Thơ đóng vai trò là trung tâm chính.

Thế nhưng, BĐKH đang gây ra những tác động đáng sợ đe dọa tới sự phát triển bền vững của vùng kinh tế trọng điểm này, gây ra những thách thức to lớn mà hội nghị 26 - 27/09 sẽ phải đi tìm kiếm giải pháp tháo gỡ và ứng phó hợp lý, lâu dài.

Cụ thể, những tác động của BĐKH ở nơi đây là:

Nước biển dâng, hạn hán và sụt lún

Thực trạng tốc độ nước biển dâng là khoảng 3 mm/năm nhưng trước tình trạng BĐKH thì kịch bản mới cập nhật năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay nước biển sẽ dâng khoảng 53 cm cho bờ Biển Đông và 55 cm ở bờ biển phía Tây.

Tới năm 2100 khu vực này sẽ ngập sâu hơn 1 m (khiến 39% diện tích bị ngập mặn). Hiện nay nước biển dâng đã gây xói lở 90% trên tổng số 600 km đường bờ biển của ĐBSCL, làm mất đi diện tích tương đương 1,5 sân bóng đá mỗi ngày!

Báo cáo của Bộ NN&PTNT thì mỗi năm có tới 500 ha đất ở bờ biển Tây bị sạt lở. Sự sụt lún do khai thác nước ngầm, khai thác cát cùng nền đất mềm thậm chí còn cấp bách hơn (tốc độ 1,1 đến 2,5 cm/năm, các đô thị hay công nghiệp còn lên tới 2,5 cm/năm gấp 10 lần nước biển dâng) và tốc độ này ngày càng tăng.

Nếu như những năm 1991-2000, ĐBSCL chỉ lún 0,4 cm/năm thì tới 2011-2016 đã lên tới 1,1 cm/năm. Đó là báo cáo nghiên cứu mới công bố của Đại học Utretch (Hà Lan) về sụt lún ĐBSCL, thực tế đang diễn ra sẽ khiến chúng ta phải giật mình (xem hình dưới):

3 đồng bằng trên thế giới gặp nguy cơ biển nhấn chìm, 1 trong số đó là Miền Tây Nam Bộ - Ảnh 2.

Các "điểm nóng" về sụt lún. Ảnh Tuoitre.vn.

Bên cạnh sự xâm nhập mặn gây thiếu nước ngọt, thì hạn hán còn khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ như năm 2015 khi mùa mưa đến muộn mà kết thúc sớm làm cho nước ở sông Mê Kông thiếu hụt (thấp kỷ lục nhất trong 90 năm qua).

Sông Mê Kông vốn là nguồn cung cấp nước ngọt quan trong của khu vực nhưng BĐKH đã gây cạn kiệt con sông này (Theo Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF) đánh giá).

Hậu quả là nước sinh hoạt cũng như nước nông nghiệp phục vụ tưới tiêu, cây ăn quả hay nuôi trồng thủy sản thiếu hút nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống và phát triển nông nghiệp (90.000 ha lúa bị ảnh hưởng năng suất, trong đó hơn 50.000 ha bị thiệt hại nặng vụ mùa năm 2015 -2016).

Chưa dừng lại ở đó, con số này có thể lên tới 340.000 ha trong thời gian tới.

Bài viết sử dụng các nguồn: Madamasr.com, Thisdaylive.com, Ncbi.nlm.nih.gov, Muftah.org, Nhipcaudautu.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại