Tờ Sunday Guardian hôm 19/9 đăng tải bài phân tích của Satish Chandra, cựu Cao ủy Ấn Độ tại Pakistan kiêm cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, về các phương án mà Ấn Độ có thể lựa chọn để đối phó Trung Quốc về vấn đề căng thẳng biên giới.
Dưới đây là toàn bộ nội dung bài phân tích.
Cuộc đối đầu Trung - Ấn hiện nay ở Ladakh với sự tham gia của hàng nghìn quân của mỗi bên đã đẩy quan hệ hai bên tới một điểm vô cùng phức tạp.
Các cuộc đàm phán ở cấp độ quân sự, ngoại giao và chính trị nhằm xoa dịu tình hình đều thất bại. Ấn Độ muốn khôi phục nguyên trạng ở khu vực biên giới. Trung Quốc không đồng ý và muốn Ấn Độ nối lại quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh doanh. Ấn Độ cũng khước từ. Vì vậy, tình hình ngày càng bế tắc và tồi tệ.
Niềm hy vọng, thỏa thuận 5 điểm đạt được tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng 2 nước tại Nga hôm 10/9 sẽ giúp xoa dịu tình hình, khó có thể trở thành hiện thực. Thỏa thuận này sẽ không tốt hơn 2 thỏa thuận ngày 6/6 giữa các chỉ huy quân sự và ngày 6/7 giữa Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Vì sau thỏa thuận 6/6 là cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan và sau thỏa thuận 6/7 là cuộc đối đầu ở bờ nam hồ Pangong Tso.
Sự hoài nghi về khả năng thành công của thỏa thuận 5 điểm xuất phát từ thực tế, với nhiều tiền lệ xảy ra trước đó, bất cứ thỏa thuận nào với Trung Quốc đều có mức độ không đáng tin cậy nhất định. Câu thần chú để đối phó với Bắc Kinh, như Ngoại trưởng Mỹ thường nhắc đến, đó là "không quá tin tưởng và luôn phải xác minh".
Ngoài ra, thỏa thuận 5 điểm bao gồm các khẳng định quan trọng nhưng không chi tiết và thực tế. Nó gần giống với những gì được đưa ra trong cuộc gặp hôm 6/7 giữa ông Doval và ông Vương Nghị. Tóm lại, nó không đề cập đến việc giữ nguyên trạng khu vực biên giới tranh chấp và hoạt động thương mại giữa 2 nước là không thể nếu khu vực dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) chìm trong bất ổn, xung đột.
Thỏa thuận 5 điểm với Trung Quốc là phù hợp với "truyền thống" của Bắc Kinh, muốn "ru ngủ" New Delhi trong sự tự mãn, trong khi lên kế hoạch cho các bước tiếp theo. Với quan điểm của một người Ấn Độ, New Delhi nên tránh những thỏa thuận như vậy vì nó dấy lên những hy vọng sai lầm. Hai nước rõ ràng đang trên đà "va chạm" xuất phát từ chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và việc không thể chấp nhận sự đa cực trong khu vực.
Ấn Độ có thể đối phó thách thức từ Trung Quốc với 3 lựa chọn. Thứ nhất, giao dịch với Trung Quốc theo phương thức kinh doanh thông thường, như đã làm từ trước đến này, và chấp nhận sự thay đổi nguyên trạng ở biên giới với Trung Quốc.
Thứ hai, ngăn chặn mọi cuộc xâm nhập của Trung Quốc, áp đặt một số biện pháp trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh. Đồng thời, New Delhi dần dần tăng cường liên kết với các quốc gia khác để tạo thành liên minh chống Trung Quốc.
Cuối cùng, tổng "tấn công" Trung Quốc trên mọi phương diện. Điều này sẽ kéo theo các động thái quân sự, kinh tế và ngoại giao đòi hỏi New Delhi phải gạt bỏ những trở ngại tồn tại từ rất lâu khi nhắc tới các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Dù lựa chọn đầu tiên có thể ngăn được xung đột quy mô lớn với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, nhưng nó sẽ khuyến khích Bắc Kinh ngày càng ngang ngược hơn. Nó cũng đưa ra một thông điệp xấu xí với thế giới rằng Ấn Độ chỉ là một "con hổ giấy" và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Xung đột Trung - Ấn là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Ấn Độ. Vị thế quốc tế của Ấn Độ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách phản ứng của nước này với cuộc khủng hoảng biên giới Trung - Ấn. Nếu thành công, Ấn Độ chính thức có màn xuất hiện không thể tốt hơn trên trường quốc tế. Nhưng nếu thất bại, vai trò cũng như hình ảnh của New Delhi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dù có sự chênh lệch về tiềm lực rất lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, kết quả của các chính sách sai lầm từ các đời chính phủ liên tiếp của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ, lòng tự tôn dân tộc không cho phép người Ấn Độ khuất phục trước Trung Quốc, thay vào đó là thực hiện các bước cần thiết để bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ.
Trong lịch sử, có nhiều quốc gia thành công trong việc chống lại các đối thủ mạnh hơn, thông qua liên kết với các quốc gia khác và sử dụng các biện pháp khác nhau. Trên tất cả, Ấn Độ có lợi thế lớn khi sở hữu quân đội chuyên nghiệp, thiện chiến bậc nhất. Theo đánh giá, binh sĩ Ấn Độ có thể hơn hẳn so với binh sĩ Trung Quốc khi đối đầu trực tiếp. Ấn Độ cũng là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và không dễ bị dồn ép.
Chính phủ Ấn Độ dường như đã bỏ qua lựa chọn thứ nhất và đang hướng đến lựa chọn thứ hai, thể hiện rõ ràng qua việc quân đội chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của binh sĩ Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kinh tế với Trung Quốc như cấm 238 ứng dụng điện thoại Trung Quốc, áp thuế nhập khẩu với một số sản phẩm Trung Quốc, hủy bỏ một số hợp đồng... Ngoài ra, New Delhi còn tham gia vào liên minh chống Trung Quốc Quad, gồm 4 nước: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, và ký kết một hiệp định hậu cần quân sự với Nhật Bản.
Dẫu vậy, các nỗ lực này là không đủ để khiến Trung Quốc thay đổi chính sách hiếu chiến. Ví dụ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ chỉ bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này và sự sụt giảm quá nhỏ này không tạo ra tác động lớn với Bắc Kinh. Hay như việc tuần tra, kiểm soát quân sự dọc theo LAC có thể khiến Trung Quốc mất thế chủ động chiến thuật, nhưng cũng tiêu tốn chi phí đáng kể khi quân đội Ấn Độ phải hoạt động thường xuyên ở biên giới dài hơn 4.000 km với Trung Quốc và phải chiến đấu ở địa hình cũng như thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới.
Một cách tiếp cận được ưu tiên là lựa chọn thứ ba. Dĩ nhiên, với lựa chọn này, xung đột diện rộng với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi và khi đó, rất có thể Ấn Độ sẽ phải đối phó với cả Pakistan (nước bất đồng với Ấn Độ nhưng lại thân với Trung Quốc).
Một cuộc chiến tranh căng thẳng với Trung Quốc chỉ là khả năng trên lý thuyết vì Bắc Kinh không muốn bị thụt lùi hàng thập kỷ so với Washington. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc muốn gây chiến với Ấn Độ, New Delhi cũng đã sẵn sàng và sẽ khiến Bắc Kinh phải vỡ mộng.
Về mặt quân sự, lựa chọn thứ ba đòi hỏi quân đội Ấn Độ đánh đuổi binh sĩ Trung Quốc khỏi các khu vực do họ chiếm đóng ở phần LAC thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ hoặc Ấn Độ sẽ chiếm giữ các khu vực LAC mà Trung Quốc kiểm soát.
Để đáp trả những động thái của Trung Quốc trong các cuộc xung đột ở biên giới, Ấn Độ nên mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế đã áp dụng để đối phó với Bắc Kinh và khuyến khích người dân nước này tẩy chay hàng Trung Quốc. Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc thực hiện sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng do các Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cùng thống nhất gần đây.
Các cuộc họp giao ban chuyên sâu cần được cung cấp với cộng đồng quốc tế để thế giới thấy được sự gây hấn của Trung Quốc dọc LAC. Đây là điều cần thiết. Nếu Ấn Độ không làm vậy, Trung Quốc sẽ làm và đưa ra câu chuyện của riêng họ.
Để cải thiện khả năng truyền thông chiến lược, Ấn Độ phải có một đội ngũ truyền thông đa lĩnh vực trình độ cao và được trang bị đầy đủ, có thể thể hiện sự việc chính xác kịp thời ở cả Ấn Độ và nước ngoài.
Dù hầu hết các nước sẽ đồng cảm với Ấn Độ trong cuộc xung đột với Trung Quốc (nếu xảy ra) nhưng New Delhi không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của bất cứ nước nào tại khu vực biên giới. Nói như vậy không có nghĩa là Ấn Độ không cần sự hỗ trợ của nước ngoài. New Delhi vẫn rất cần sự hỗ trợ về vũ khí của Mỹ, Israel, Pháp và Nga. Ngoài ra, thông tin tình báo từ Mỹ cũng rất hữu ích với Ấn Độ.
Thêm vào đó, Ấn Độ cần khẩn trương tạo ra một liên minh các nước chống Trung Quốc và xây dựng một chương trình hành động để đối phó với thách thức từ Bắc Kinh. Ngoài ra, Ấn Độ có thể khai thác các vấn đề về Hong Kong, Tây Tạng và Đài Loan để khiến Trung Quốc phân tâm.
Cuối cùng, trước mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc, Ấn Độ phải nhanh chóng tập hợp khả năng quân sự và kinh tế để thu hẹp khoảng cách về tiềm lực giữa hai bên.