Nga, Trung Quốc và Iran sẽ tham gia vào cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 27/12 trên Ấn Độ Dương với nội dung chống khủng bố và cướp biển.
Người phát ngôn quân đội Iran, Thiếu Tướng Abolfazl Shekarchi cho biết, cuộc tập trận chung có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hơn nữa an ninh hàng hải cho các tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới và khu vực.
Giới quan sát tin rằng cuộc tập trận chung quân sự đầu tiên giữa Nga, Trung Quốc và Iran là cách để họ thể hiện quyền lực với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
"Cuộc tập trận chung sẽ gửi đi một thông điệp tới thế giới. Sự hợp tác của Iran với Nga và Trung Quốc sẽ đảm bảo "an ninh tập thể trên biển", Thiếu tướng Hossein Khanzadi, chỉ huy lực lượng hải quân Iran cho hay.
Theo ông này, thông điệp mà cuộc tập trận phát đi là bất cứ loại hình an ninh trên biển nào cũng phải bao gồm lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan.
"Chúng tôi không chấp nhận loại an ninh chỉ phục vụ cho lợi ích của một quốc gia cụ thể tại một thời điểm cụ thể và coi thường an ninh của người khác", vị tướng Iran nhấn mạnh.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các đồng minh Ả rập chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Iran đang đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga và Trung Quốc để đối phó với sức ép từ mọi phía của Mỹ.
Trước cái bắt tay của 3 đối thủ, Mỹ nói rằng họ đang theo sát động thái mới này và sẽ hợp tác cùng các đồng minh để đảm bảo tự do hàng hải.
"Chúng tôi đang theo dõi cuộc tập trận và sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác và đồng minh của mình để đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường thủy quốc tế", người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Robertson cho biết hôm 26/12.
Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov hồi tháng 10 cho biết cuộc tập trận 3 bên sẽ cải thiện sự phối hợp hoạt động trong cuộc chiến chống khủng bố và cướp biển. Người đồng cấp Iran của ông Javad Zarif nhấn mạnh cuộc tập trận không nhằm vào các bên thứ 3.
Vài ngày trước đó, tân Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali nhấn mạnh Iran và Nga nên hợp tác để đẩy lùi nỗ lực "khủng bố kinh tế" của Mỹ trong bối cảnh Washington đang tấn công cả hai nước bằng các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, theo SCMP, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ gửi đi một vài tàu chiến từ đơn vị chống cướp biển đồn trú ngoài khơi Somalia trong vài năm qua, động thái cho thấy Bắc Kinh không muốn bị kéo vào căng thẳng giữa Washington và Iran.
Cây viết Syed Fazl-E-Haider của Daily Beast nhận định cuộc tập trận chung không đảm bảo Bắc Kinh và Matxcơva sẽ đứng về phía Iran nếu nước này bị Mỹ hoặc Israel tấn công, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy họ có chiều hướng sẽ làm vậy. Iran thông qua đây cũng muốn chứng tỏ rằng họ bị cô lập về kinh tế chứ không phải về chính trị hay quân sự.
Cả Nga và Trung Quốc đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ tiếp tục hợp tác với Iran, bỏ ngoài tai cảnh báo trừng phạt từ chính quyền Trump.
Bất chấp lệnh trừng phạt đơn phương của Washington đánh vào dầu mỏ Iran từ tháng 5, Bắc Kinh vẫn nhập khẩu hơn 900.000 tấn dầu thô từ Tehran, tăng hơn 8% so với tháng trước đó.
Trung Quốc cũng coi Iran là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến Vành đai, Con đường kết nối với châu Âu. 2 quốc gia này thống nhất tăng cường hợp tác quốc phòng song phương từ năm 2016. Lộ trình quan hệ đối tác giữa Tehran và Bắc Kinh cũng trở thành vấn đề thảo luận chính trong chuyến thăm tới Trung Quốc của Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif hồi tháng 8.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Mặc dù Ả-rập Xê-út đang cung cấp cho quốc gia tỷ dân 1 triệu thùng/ngày, Bắc Kinh vẫn muốn đa dạng hóa nguồn cung bằng nguồn dầu từ Iran.
Syed kết luận, với việc Tổng thống Trump khơi mào cuộc khủng hoảng ở vịnh Ba Tư sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cùng chính sách bóp nghẹt kinh tế Tehran, Trung Quốc, Nga và Iran đang xích lại gần nhau với tư cách là đối tác chiến lược.