Theo một cuộc khảo sát gần đây của Cardify thì 45% người tiêu dùng sẽ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau để thanh toán cho việc mua sắm trong các dịp lễ. Mua trước trả sau là một loại hình tài trợ ngắn hạn cho phép người tiêu dùng mua hàng và thanh toán theo từng đợt với số tiền được chia nhỏ. Mua trước trả sau thường được cấu trúc giống như một quy trình cho vay tiền theo gói trả góp liên quan đến người tiêu dùng, nhà tài chính và người bán.
Thông thường, bạn phải trả trước khoảng 25% giá mua, sau đó thực hiện một số khoản thanh toán bổ sung, không tính lãi cho mặt hàng sau đó. Chỉ mất vài giây để nhà bán hàng biết liệu bạn có được chấp thuận cho khoản vay hay không và bạn không cần điểm tín dụng cao để được chấp thuận.
Dưới đây là ba điều bạn nên biết trước khi mua một món đồ đắt tiền trong các dịp lễ bằng hình thức mua trước trả sau.
1. Hiểu lãi suất bạn phải chịu
Chìa khóa để sử dụng hình thức mua trước trả sau hiệu quả là hiểu các điều khoản của thỏa thuận, bắt đầu bằng lãi suất. Nếu bạn thanh toán đúng hạn, thông thường bạn sẽ không bị tính lãi. Nhưng nếu bạn trì hoãn thanh toán quá thỏa thuận ban đầu, bạn có thể bị tính lãi suất hàng năm.
Hình thức mua sắm này khiến mọi người gặp rắc rối vì các điều khoản có thể thuận lợi lúc đầu, nhưng nếu không thanh toán đủ theo mức đặt ra ban đầu, bạn sẽ không nhận được mức lãi suất tốt nhất.
2. Kiểm tra phí trả chậm
Phí trả chậm là một trong những loại phí thường thấy đối với các khách hàng khi mua trước trả sau bằng thẻ tín dụng. Phí trả chậm được tính khi thanh toán khoản nợ trễ hạn. Lúc ấy, sẽ có một mức phí trả chậm phù hợp được áp dụng với khoản vay của bạn.
Ngay cả khi không có phí trả chậm, các khoản thanh toán trễ vẫn có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn. Cách tốt nhất để bảo vệ mình là xem xét cẩn thận các điều khoản thỏa thuận trước khi đăng ký.
3. Hiểu rõ liệu bạn có thể thanh toán đủ số tiền trên thực tế hay không
Điều bạn thực sự cần biết về mua trước trả sau khi muốn thêm một sản phẩm vào giỏ hàng của mình là liệu các khoản thanh toán trong tương lai có phù hợp với ngân sách của bạn hay không. Ví dụ: Nếu bạn đang thực hiện giao dịch mua trị giá 2 triệu đồng sẽ được chia thành bốn khoản thanh toán trị giá 500 nghìn đồng. Hãy xem ngân sách của bạn để xem liệu có thực sự đủ khả năng thanh toán thêm 500 nghìn đồng hàng tháng hay không. Nếu bạn không đủ khả năng chi trả thì đừng mua nó.