Vào lúc 15h00 chiều nay (27/1), trận chung kết lịch sử giữa đội tuyển U23 Việt Nam với U23 Uzbekistan sẽ diễn ra tại SVĐ Changzhou Olympic Sports Center - Thường Châu (Trung Quốc).
Tất nhiên rào cản lớn nhất của chúng ta trên con đường tới đỉnh vinh quang chính là đối thủ được đánh giá mạnh nhất giải - U23 Uzbekistan. Tuy nhiên, còn có một trở ngại cũng rất lớn, đó là thời tiết lạnh giá tại Thường Châu.
Trở ngại đó có thể có khả năng tác động thế nào đến đội tuyển của chúng ta và chất lượng chuyên môn của trận đấu? Hãy cùng tìm hiểu!
Thời tiết khắc nghiệt tại Thường Châu sẽ gây khó khăn không nhỏ cho U23 Việt Nam.
Nhiệt độ từ -2 đến -4 độ C có thể sẽ gây hiện tượng tuyết rơi khi trận đấu diễn ra, chính người trong cuộc là Phan Văn Đức, cầu thủ U23 Việt Nam cũng nói rằng so với đội bạn, chúng ta chưa từng có kinh nghiệm thi đấu trong điều kiện vừa lạnh, vừa có tuyết dày như thế. Đây lại là điều mà ở Uzbekistan rất phổ biến!
Ở châu Âu, ngay cả các nền bóng đá lớn cũng áp dụng chế độ nghỉ đông vì nghiên cứu cho thấy chất lượng chuyên môn, sức khỏe cầu thủ cũng đều bị ảnh hưởng rất lớn.
1. Tác động của thời tiết lạnh giá tới sân cỏ, quỹ đạo bóng
Đầu tiên là những tác động vật lý tới sân cỏ, khi nhiệt độ dưới 0 độ C, mặt sân (cho dù có đạt tiêu chuẩn quốc tế) cũng sẽ không còn "phẳng lì" vì đất bên dưới cỏ khô cứng, thậm chí đóng băng.
Nghiên cứu tác động của nhiệt độ tới trái bóng. Ảnh Prezi
Không chỉ đường chuyền sệt mặt đất sẽ bị ảnh hưởng về độ chính xác mà điều này còn làm tăng nguy cơ chấn thương cao hơn cho cầu thủ khi nền sân ướt, trơn trượt nếu có hiện tượng tuyết tan.
Một khảo sát ở Đức cho thấy khả năng chấn thương cầu thủ sẽ tăng 10% khi đá thời tiết lạnh dưới 10 độ, và tăng thêm 5 đến 10% nữa nếu có băng tuyết trên sân.
Một nghiên cứu khác chỉ ra: Chất lượng trận đấu sẽ giảm tới 20% khi đá trong thời tiết lạnh dưới 5 độ.
Huấn luận viên Pep Guardiola khi sang dẫn dắt Man City thậm chí còn than phiền lịch thi đấu không nghỉ Đông của Premier League là mối nguy hiểm lớn tới cầu thủ.
Không chỉ ảnh hưởng tới mặt sân, nhiệt độ thấp còn ảnh hưởng tới áp suất không khí và khiến cho quỹ đạo bóng trên không thay đổi rất nhiều (ảnh hưởng tới độ chính xác khi chuyền bổng hay khả năng phán đoán của thủ môn khi bắt bóng).
Nhiệt độ thấp làm trái bóng khó nảy lên hơn. Ảnh: Gameonsoccer
Nhiệt độ thấp còn ảnh hưởng lực nảy của bóng làm cho việc phán đoán, xử lý của cầu thủ sẽ bị tác động, bên trong quả bóng cũng là một lớp khí, mà theo quy định về "Trái bóng" của FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) thì:
Trái bóng chuẩn phải tròn và được bơm căng trong ngưỡng áp suất 8,5 tới 15,6 psi (số pound trên 1 inch vuông), khi nhiệt độ lớp khí này bị giảm làm cho áp suất bên trong giảm đi bóng sẽ không nảy tốt và khó đá đi xa.
Nhiệt độ lạnh sẽ khiến bóng khó di chuyển. Ảnh Prezi
Chú thích: Các nhà khoa học đã sử dụng phương trình áp suấp: p = rRT (p là áp suất, r là mật độ chất khí, R là hằng số xác định của khí gas và T là nhiệt độ) để lý giải điều này, ở đây chúng ta thấy nhiệt độ T và áp suất p là hai đại lượng tỉ lệ thuận.
2. Tác động của thời tiết lạnh giá dưới 0 độ C tới con người (cầu thủ, trọng tài)
Đối với người Việt Nam chúng ta vốn quen với khí hậu nhiệt đới, việc đối mặt với thời tiết lạnh cực đoan chẳng khác nào cơn ác mộng, ảnh hưởng trực tiếp cơ thể cầu thủ và sau đó là chất lượng chuyên môn của đội.
Trước đó, chúng ta đã chịu thiệt thòi rất lớn về vấn đề thể lực khi bị vắt kiệt sức trong 5 trận đấu căng thẳng, trong đó có 2 trận đấu loại trực tiếp đều phải đá 120 phút và phân định thắng thua bằng thi đấu luân lưu 11m cân não.
Trong trận bán kết với U23 Qatar, đội trưởng U23 Việt Nam Xuân Trường đã xin phép trọng tài được ra khỏi sân thu thập áo ấm mang vào sân cho đồng đội khoác để giữ sức khỏe. Ảnh: Báo Lao Động
Theo AccuWeather, khi thi đấu dưới điều kiện lạnh giá sẽ khiến cơ thể cầu thủ chịu nhiều áp lực thể chất (bên cạnh áp lực tinh thần). Giám đốc Viện Khoa học Thể thao Gatorade là James Carter cho biết khi trời lạnh giá, con người bước vào "cuộc chiến cung cấp máu".
"Một mặt, các cơ bắp hoạt động mạnh khiến chúng cần được cung cấp đủ máu, một mặt máu lại phải dồn tới các cơ quan cốt lõi để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định", ông cho biết. Điều này sẽ khiến tim phải hoạt động nhiều hơn bình thường rất nhiều.
Như đã đề cập ở trên, thi đấu dưới nhiệt độ thấp sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương do sân tập cứng và không bằng phẳng thì một lý do khác là triệu chứng lạnh cơ khiến các nhóm cơ, hệ vận động (nhất là cơ chằng) không còn linh hoạt cũng làm tăng khả năng chấn thương.
Phó giáo sư Brendon McDermott tại Chương trình Rèn Graduate Athletic Training của Đại học Arkansas, Mỹ cũng cho biết: "Dù nhiệt độ lạnh hay nóng, cơ thể bạn cũng phải cố gắng duy trì nội cân bằng".
Tiến sĩ Jonathan Finnoff, giám đốc y học của Mayo Clinic Sports Medicine cho hay: Khi nhiệt độ thấp, nếu cơ thể bị mất nước do hoạt động mạnh sẽ khiến quá trình duy trì cân bằng nội môi giảm hiệu quả, từ đó hiệu quả hoạt động giảm, kém nhanh nhẹn hay phản ứng chậm, hay quá trình giải phóng axit lactic sẽ gây mỏi cơ.
Đặc biệt, đối với một trận đấu quan trọng như trận chung kết sắp tới, yếu tố chính xác, độ nhạy và phản ứng xử lý tình huống của cầu thủ sẽ bị giảm đi rất nhiều khi dây thần kinh gửi tín hiệu từ não đến các bộ phận chậm hơn
Quá trình chuyển hóa năng lượng cho cơ thể như hydrat hóa (hydration) cũng bị gián đoạn khiến cho thể lực của các cầu thủ U23 (vốn đang phải gồng mình sau một chuỗi các trận đấu dài) càng giảm sút!
"Cơ bắp của bạn sẽ trở nên cứng lại vì vậy chúng không còn linh hoạt và di chuyển đủ nhanh nhẹn mà nếu bạn không cung cấp đủ máu hay chất dinh dưỡng tới các khu vực này nhanh chóng, các cơ sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động".
Đây cũng là những gì xảy ra trong chương trình Khoa học Thể thao của kênh ESPN khi tiến hành thử nghiệm tác động của nhiệt độ thấp tới cơ thể vận động viên, xem video:
Nhiệt độ thấp sẽ tác động rất lớn tới vận động viên. Nguồn: Science Sport
3. Một nghiên cứu cũng cho biết: Nhiệt độ lạnh giá còn có thể "giết chết" bàn thắng (Cold kills goals)!
Một nhóm các chuyên gia khí tượng học đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ tới số lượng bàn thắng của một trận đấu và công bố kết quả trên trang British Weather Services với tựa đề: "Cold kills goals - The Stats" (Cái lạnh giết chết bàn thắng)!
Nhiệt độ thấp sẽ làm giảm số lượng bàn thắng được ghi trong một trận đấu. Ảnh: Soccermetrics.
Tuy vậy, với dòng màu nóng đầy nhiệt huyết chảy bên trong các cầu thủ U23 Việt Nam lúc này cùng sự ủng hộ của hàng chục triệu trái tim cổ động viên, chúng ta tin tưởng rằng "nhân định thắng thiên" là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chúc U23 Việt Nam chiến thắng!
* Tham khảo các nguồn: Soccermetrics, Coolantarctica, Mlssoccer, Redorbit