Sushi có thế nói là món ăn đặc trưng của Nhật Bản, một món ăn "quốc hồn quốc tuý" của xứ sở Mặt trời mọc. Đến Nhật Bản mà không được thử qua sushi thì quả thật, bạn đã bỏ phí một phần tâm hồn của mình ở nhà rồi.
Nghe đến sushi, đa phần chúng ta nghĩ đến loại cơm trộn giấm nắm lại, kèm hải sản tươi sống đặt lên trên. Kỳ thực, đó chỉ là một loại sushi thôi - Nigirizushi.
Ngoài ra, có thêm 5 loại sushi cơ bản nữa cho bạn lựa chọn cơ: Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, và Temaki.
Để được thưởng thức sushi ngày nay không khó, xét trên việc món ăn đã đại diện cho nền văn hóa của Nhật Bản, trở thành món ăn sức lan tỏa ra toàn thế giới. Tuy nhiên, bạn nghĩ chỉ với những kiến thức trên, bạn đã đủ hiểu hết về sushi?
Những sự thật dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra rằng chúng ta vẫn còn phải học nhiều lắm.
1. Món ăn này "cổ" hơn bạn tưởng
Là biểu tượng của ẩm thực Nhật, sushi không chỉ là một món ăn đơn thuần mà nó còn chứa đựng cả một phần văn hóa Nhật Bản trong đó.
Với vai trò biểu tượng, cũng không ngạc nhiên khi biết rằng sushi là một món ăn rất cổ. Nhưng "cổ" đến mức nào? Vài trăm năm đã được gọi là cổ chưa?
Sự thật là món sushi đầu tiên đã xuất hiện từ cách đây khoảng 1.300 năm, xuất phát từ một cách để bảo quản cá.
Theo như Ole Mouritsen - nhà sinh học vật lý tại ĐH Southern Denmark (Đan Mạch) với kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu sushi, đó là thời điểm tủ lạnh chưa ra đời.
Để bảo quản cá, các ngư dân tận dụng muối biển và acid có trong giấm để lên men cá,
Quá trình lên men được ủ trong những lớp cơm, và đó chính là thủy tổ của món sushi. Ngày nay, điều kiện đã khá hơn, người ta chọn ăn hải sản tươi sống và bỏ qua bước lên men này.
2. Bạn nghĩ mình đang được ăn wasabi? Chưa chắc đâu
Dù là loại sushi nào cũng đều có chung một cách ăn: dùng kèm nước tương, gừng đỏ muối, và wasabi - loại mù tạt có màu xanh bắt mắt của Nhật Bản.
Tuy nhiên, dù có ăn ở Nhật Bản, chưa chắc bạn đã được ăn wasabi "xịn" đâu, mà chỉ là hỗn hợp của chất kết dính, mù tạt và màu thực phẩm thôi.
Vì sao ư? Bởi vì wasabi "xịn" là một loài cây họ cải, có tên khoa học là Wasabia japonica, và nó khá là khó trồng và tương đối hiếm.
Họ hàng của nó wasabi tự nhiên (Wasbia tenuis) chỉ mọc ở các vùng núi, trong lòng các bờ suối, vì đó là môi trường nó mọc tốt nhất.
Một cây wasabi hoàn chỉnh
Tương tự như vậy với wasabia japonica, người ta chỉ có thể nuôi dưỡng chúng ở khu vực có nước chảy liên tục. Chính vì thế, nó có cái giá không rẻ so với các loại cải làm mù tạt khác, đặc biệt là tại các nước không phải Nhật.
Hơn nữa, wasabi "xịn" chỉ nên ăn sau 15 phút kể từ khi thu hoạch mới có thể cảm nhận được hết vị cay nồng của nó mà thôi.
3. Sự thật về màu cá khi ăn sushi
Các loại hải sản dùng để làm sushi gọi là Neta. Neta có thể là cá ngừ, cá hồi, cá trình, cá thu, tôm (nhất là loại tôm mà người Nhật gọi là sakura ebi), mực, bạch tuộc, các loại ốc biển, cua biển...
Tuy nhiên khi ăn sushi, chúng ta thường chọn loại có màu đỏ tươi (red fish), đơn giản vì tính hấp dẫn của nó, và quan niệm rằng cá đỏ thì bổ dưỡng, chứa nhiều protein hơn.
Thực sự thì, protein không có màu đâu. Các loại cá như cá ngừ, sở dĩ thịt có màu đỏ là vì một chất mang tên myoglobin có vai trò vận chuyển oxy đến các mô và cơ bắp.
Chúng là những loài cá bơi chậm, nhưng liên tục, do đó oxy cần được vận chuyển thường xuyên.
Còn các loại cá có màu trắng, chúng bơi nhanh, dựa nhiều vào sức, do đó cơ bắp không chứa myoglobin, mà thay vào đó là một loại glycogen không màu để lấy năng lượng. Khi không có myoglobin, thịt cá sẽ chỉ có màu trắng.
Và sự thật nữa là màu cá chẳng liên quan đến chuyện con cá có bổ dưỡng hay không.
Thứ bạn cần quan tâm là độ tươi của cá, vì chỉ 6h sau khi chết, quy trình phân hủy đã bắt đầu xuất hiện, tạo ra các chất độc hại không tốt cho cơ thể. Hơn nữa, cá để lâu thì không ngon, vậy thôi.
Nguồn: SCIENCE & FOOD