Nằm tại phường Bửu Long (Biên Hoà, Đồng Nai), Văn miếu Trấn Biên là Văn miếu đầu tiên được xây dựng ở Đàng Trong, gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam dưới thời chúa Nguyễn.
Đi lần lượt từ ngoài vào là Văn Miếu Môn, nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, Đại Thành Môn, tượng Khổng Tử, sân hành lễ, Nhà thờ chính.
Điểm nổi bật nhất trong lối kiến trúc của Văn miếu Trấn Biên là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc làm bằng gốm tráng men.
Không chỉ chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, Văn miếu Trấn Biên còn là một công trình đặc sắc về nghệ thuật, kiến trúc với phong cảnh thoáng mát, vừa cổ kính vừa trang nhã nên thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Trong dịp đầu xuân Nhâm Dần, đây là địa điểm du xuân ở Đồng Nai vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa có thể dạo chơi, vãn cảnh.
Thất phủ cổ miếu (Chùa Ông Cù Lao Phố) nằm ở xã Hiệp Hòa (Biên Hoà, Đồng Nai) là công trình kiến trúc được xây dựng cách đây hơn 300 năm, là điểm đến cầu may đầu năm mới của nhiều người.
Thất Phủ cổ miếu còn có tên gọi chùa Ông vì vị thần được thờ chính ở đây là Quan Công – vị thần tượng trưng cho trung, hiếu, tiết, nghĩa... Không chỉ vào dịp Tết mà các ngày lễ lớn, nơi đây cũng thu hút khách thập phương đến để cầu an, cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn.. trong cuộc sống và công việc.
Câu chuyện lịch sử về quá trình hình thành ngôi chùa cũng được đặc tả chi tiết qua bức tranh chạm khắc được gìn giữ trong suốt 300 năm ngay trước cửa chính điện. Đây là câu chuyện về Đức Ông Trần Thượng Xuyên đưa người Hoa vào vùng đất này lập nghiệp dưới sự phê chuẩn của chúa Nguyễn Phúc Tần. Nếu bạn muốn du xuân ở Đồng Nai thì đừng bỏ qua Thất phủ cổ miếu nhé.
Cũng nằm tại xã Hiệp Hòa (Đồng Nai), chúng ta có thể dễ dàng ghé thăm đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc bên chân cầu Ghềnh. Đây là nơi được người dân thôn Bình Hoành xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII để thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Ông là một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam nói chung và xứ Ðồng Nai nói riêng. Bên trong khuôn viên đền thờ là bức tượng của vị công thần Nguyễn Hữu Cảnh và bức bình phong khắc hình ảnh Thanh Long và Bạch Hổ - nét kiến trúc được lưu giữ tại một số đình ở Đồng Nai.
Tồn tại hơn 3 thế kỷ thế nên kiến trúc ban đầu của công trình này khó có thể lưu giữ được toàn vẹn.
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang đầu tư để mở rộng, trùng tu và tôn tạo khu lăng mộ và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.