1.
Nuôi dạy con nghiêm khắc quá mức
Một người phụ nữ đến nhà chị họ chơi và thấy cô cháu gái đang ngồi trên bàn vẽ tranh. Cháu của chị là đứa bé rất ngoan, từ nhỏ đã biết giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, còn tự làm hết bài tập. Sự ngoan ngoãn này là kết quả từ việc dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ bé.
Người chị họ theo đuổi sự hoàn hảo, đặc biệt không thích trẻ con luộm thuộm. Cô nghiêm khắc yêu cầu con không được trì hoãn việc làm bài tập, phải xong bài trong thời gian quy định, không được làm bẩn bàn ăn,...
Khi người phụ nữ trên đến nhà chơi, người chị họ bưng một đĩa trái cây ra mời. Trông thấy mẹ đến, cô con gái cực kỳ lo lắng, nét mặt bồn chồn. Nhân lúc mẹ không để ý, vội cầm lấy cục tẩy, tẩy sạch phần vẽ lem nhem trên bàn và giấy. Trông thấy cảnh đó, trái tim người phụ nữ trên như thắt lại.
Một chuyên gia tâm lý từng nói rằng: "Dưới sự giáo dục nghiêm khắc của mắng mỏ, đánh đòn, trẻ em dần học cách quan sát lời nói, hành động của người lớn và luôn tự nhận lỗi, cũng như cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn của người lớn để không bị trách phạt". Đứa trẻ nảy sinh lòng tự trọng thấp và nhạy cảm, điều này xuất phát từ những đòi hỏi quá mức của cha mẹ, cũng như việc trẻ không dám từ chối cha mẹ.
Mỗi đứa trẻ là duy nhất, và chỉ khi trưởng thành theo tốc độ của riêng mình, chúng mới có thể hạnh phúc và vui vẻ. Nếu cha mẹ giáo dục con nghiêm khắc quá mức thì thường mang lại sự phản tác dụng, khiến chính cuộc đời trẻ bị hủy hoại.
Ảnh minh họa.
2.
Ép con theo đuổi sự hoàn hảo
Người phụ nữ nọ thuộc tuýp người theo đuổi sự hoàn hảo. Sau khi có con, cô áp đặt nhiều yêu cầu lên đứa trẻ. Cho đến một ngày, cô giật mình nhận ra đứa con gái 7 tuổi có những dấu hiệu bất ổn như rất bướng bỉnh; dễ mất bình tình, hờn dỗi nếu như không làm tốt một việc nhỏ; bật khóc khi vẽ một bức tranh không ưng ý; không cho phép bất cứ ai chạm vào đồ đạc trong phòng nếu chưa hỏi qua ý kiến,...
Những hành vi theo đuổi sự hoàn hảo của con gái khiến vợ chồng người phụ nữ và giáo viên rất lo lắng.
Về vấn đề này, nhà triết học Rudolf Steiner đã từng giải thích: "Hành vi và cách thể hiện của cha mẹ trước mặt con cái quyết định xu hướng phát triển của chúng". Con cái là bản sao của cha mẹ, hành vi của cha mẹ ảnh hưởng phần lớn đến hành vi của con cái. Trong giáo dục gia đình, con cái càng cần sự hướng dẫn tích cực của cha mẹ.
Nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc - ông Bạch Nham Tùng cho rằng: "Cách tốt nhất để hủy diệt một người là để anh ta theo đuổi sự hoàn hảo, đạt được điều tối thượng".
Những người quá theo đuổi sự hoàn hảo luôn cực kỳ khắt khe với bản thân. Một khi không đạt được mục tiêu sẽ nảy sinh nhiều cảm xúc tiêu cực và tự trách mình. Nếu để tình trạng này kéo dài dễ nảy sinh suy nghĩ cực đoan.
Nếu không muốn làm hư đứa trẻ, xin đừng quá khắt khe với nó. Bởi đứa trẻ càng theo đuổi sự hoàn hảo, nó sẽ càng mang gánh nặng tâm lý trong lòng.
Ảnh minh họa.
3.
Yêu cầu con không khóc, phải ngoan ngoãn nghe lời
Khi thấy trẻ con khóc, phản ứng đầu tiên của nhiều cha mẹ là quát lên: "Khóc làm gì, lớn như vậy còn khóc?".
Nói về điều này, một cư dân mạng từng chia sẻ: "Khi tôi còn nhỏ, mẹ ghét nhất là tôi khóc, mỗi khi tôi khóc là mẹ lại lớn tiếng mắng mỏ, bắt tôi đừng khóc nữa. Tôi rất sợ mẹ, một cái lừ mắt của mẹ cũng khiến tôi hoảng loạn. Tôi không dám nói nhiều, không dám chê đồ ăn dở, ở nhà tôi rất nhút nhát.
Đúng như mong muốn của mẹ, tôi lớn lên trở thành một đứa trẻ rất ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ nhưng lại rụt rè, ngại thể hiện bản thân.
Hơn nữa, khi tiếp xúc với bạn bè, tôi thường có biểu hiện phục tùng, sợ những gì mình làm có thể khiến bạn bè không hài lòng. Sau khi yêu đương, tôi luôn cố kiềm chế cảm xúc thật của mình, cố hết sức để đối phương hài lòng. Chỉ cần đối phương có chút không vui, tôi sẽ cho rằng đó là vấn đề của mình".
Nhiều đứa trẻ bề ngoài luôn an tĩnh, nhu mì, nhưng thực tế là đang sợ hãi, che giấu cảm xúc thật trong lòng. Một chuyên gia giáo dục đã từng nói: "Khi cảm xúc bị kìm nén sẽ gây ra các vấn đề về tâm lý. Còn khi cảm xúc xấu tích tụ, đến tuổi thiếu niên sẽ dễ bùng phát và dẫn đến sự nổi loạn tột độ ở trẻ".
Cha mẹ thông minh sẽ biết cách chấp nhận cảm xúc của con cái. Đó mới là chìa khóa để trẻ phát triển khỏe mạnh. Chỉ khi cảm xúc được người lớn chấp nhận, trẻ mới có thể lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.