"Từ đầu năm đến nay thị trường mì gói tăng 8% về giá trị và 3% về khối lượng ở khu vực thành thị, tăng cao hơn so với năm 2016. Tuy nhiên, lại đang sụt giảm ở khu vực nông thôn cả về giá trị lẫn khối lượng". Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố báo cáo cho biết.
Hiện nay thị trường Việt Nam với sự góp mặt của hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì gói, nhìn chung thị phần mì gói vẫn tập trung chủ yếu vào tốp ba nhà sản xuất là Acecook, Asia và Masan. Tại khu vực thành thị, doanh nghiệp ngoại đang chiếm áp đảo với trên 60% thị phần.
Đáng chú ý, chỉ một mình Acecook ở khu vực thành thị đã chiếm gần 50% thị phần. Ngược lại ở khu vực nông thôn, doanh nghiệp nội vẫn chiếm ưu thế hơn với gần 60% thị phần.
Cơ hội nào cho DN nội và thị trường Việt Nam còn thu hút thêm các nhà đầu tư ngoại? Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel, nhìn nhận xu hướng phát triển thêm cho thị trường mì gói là DN phải đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, cung cấp thêm nhiều lợi ích tăng thêm cho người tiêu dùng.
Bắt kịp xu hướng tiêu dùng như các chủng loại tốt cho sức khỏe, đổi mới bao bì, tăng tiện ích tiết kiệm thời gian sử dụng, phát triển phân khúc cao cấp cho tầng lớp trung lưu mới nổi lên.
Theo ông Hoàng, trong dài hạn ngành hàng mì gói ở Việt Nam vẫn còn khả năng tăng trưởng nên vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào nhằm đa dạng thị trường thành thị, đồng thời tiếp cận, mở rộng thêm thị trường nông thôn.
Vì mì gói là một trong những thực phẩm thiết yếu có mặt hầu hết trong các hộ gia đình Việt với mức thâm nhập gần 100%. Chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
“Mì gói nằm trong tốp ngành hàng FMCG được mua sắm thường xuyên nhất, trung bình khoảng 18 lần/năm. Điều này cho thấy hầu như tháng nào người tiêu dùng cũng mua nhiều hơn một lần. Do đó có thể được xem là ngành hàng khó bị thay thế” - ông Hoàng nhấn mạnh.