Chúng ta thường nghe nói về sức mạnh của tính cách. Một số tính cách cho ích cho sự nghiệp của chúng ta còn một số khác lại gây hại. Ví dụ, chúng ta biết rằng sự tận tâm (làm việc chăm chỉ, có định hướng, đáng tin cậy và có trật tự) có liên quan đến hiệu suất công việc, và sự tử tế (dễ chịu hơn) lại không có lương cao.
Nhưng khi nào các đặc điểm tính cách đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp lại là một câu hỏi khó trả lời. Chúng quan trọng hơn ở giai đoạn đầu hay ở giai đoạn giữa? Và ai được hưởng lợi nhiều nhất từ chúng?
Trong một bài báo gần đây, tôi tìm đáp án cho những câu hỏi này bằng cách xem xét mối liên hệ giữa các đặc điểm tính cách và thu nhập cả đời của nam giới ở các độ tuổi khác nhau. Tôi thấy rằng thu nhập của nam giới không bị ảnh hưởng bởi tính cách của họ khi mới bắt đầu sự nghiệp, nhưng những người đàn ông tận tâm và hướng ngoại hơn, cũng như nghiêm khắc hơn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích trong độ tuổi từ 40 đến 60. Ngoài ra người ta còn thấy rằng, những người đàn ông có đặc điểm này sẽ hưởng lợi gấp đôi so với số còn lại: có bằng cấp sau đại học. Ảnh hưởng tổng thể của tính cách đối với thu nhập cả đời là rất lớn - hơn 1,2 triệu USD.
Tôi đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu của Terman, một trong những nghiên cứu lâu nhất về tâm lý học, kiểm tra sự phát triển của các cá nhân có tài năng thiên bẩm kể từ năm 1922. Nghiên cứu đã theo dõi hơn 1.000 nam giới và phụ nữ ở California, những người được chọn có chỉ số IQ ít nhất là 140 (top 0,5 % dân số).
Đây có lẽ là nghiên cứu duy nhất có dữ liệu về thu nhập cả đời của Hoa Kỳ, nó cho phép tôi biết mối liên hệ giữa tính cách ban đầu so với thu nhập hàng năm từ 18 đến 75 tuổi. Tôi chỉ tập trung vào kết quả cho nam giới (tổng số 595 người), vì trong nhóm này, những người phụ nữ làm việc ngoài xã hội rất ít.
Tôi đã xây dựng các thước đo thu nhập hàng năm từ các câu hỏi được cập nhật sau mỗi 5-10 năm. Thông tin tính cách đến từ cha mẹ và giáo viên của những người tham gia, những người này sẽ đánh giá tính hướng ngoại và cởi mở của trẻ em (thước đo sự tò mò và độc đáo) khi chúng khoảng 10 tuổi, cũng như từ chính những người tham gia, những người tự đánh giá về các tính cách như: sự tận tâm, dễ tính và ổn định cảm xúc ở tuổi 30. Ngoài ra còn có thông tin về lý lịch của những người tham gia từ cha mẹ của họ, cha mẹ sẽ mô tả trình độ học vấn, việc làm, tài chính, cũng như sức khỏe của trẻ khi lớn lên.
Lợi ích của việc liên kết thu nhập lúc trưởng thành với tính cách hồi trẻ là: nó khiến chúng ta tin tưởng hơn rằng ‘mối liên hệ giữa các đặc điểm tính cách và thu nhập không phải được phát sinh khi người đó may mắn có thu nhập cao và rồi trở nên hướng ngoại hơn’. Thay vào đó, tính cách thực sự ảnh hưởng đến thu nhập.
Cách tiếp cận này dựa trên thực tế là: Mặc dù tính cách có thể thay đổi theo thời gian, nhưng tính cách nơi làm việc khá ổn định (tức là người tận tâm nhất trong số các đồng nghiệp hiện tại vẫn sẽ là người tận tâm nhất theo thời gian).
Tính cách đóng vai trò quan trọng khi nào và ở đâu?
Để phân tích mức độ ảnh hưởng của thu nhập bởi đặc điểm tính cách, tôi đã so sánh thống kê những người đàn ông có chỉ số IQ, đặc điểm của cha mẹ và điều kiện thời thơ ấu (bao gồm tài chính và sức khỏe) ở mỗi độ tuổi.
Tôi thấy rằng trong những năm đầu, thu nhập giữa những người đàn ông chưa có gì khác nhau. Vào khoảng 30 tuổi, bắt đầu xuất hiện những khoảng cách, những người đàn ông tận tâm hơn, hướng ngoại và nghiêm khắc hơn kiếm được nhiều tiền hơn. Những lợi ích đạt được từ sự tận tâm và hướng ngoại (khoảng 10.000 - 20.000 USD hàng năm) hoàn toàn bộc lộ trong những năm quan trọng của sự nghiệp, độ tuổi từ 40 đến 60.
Các nhà nghiên cứu chưa thấy một sự ngoại lệ nào, bởi vì hầu hết ở các độ tuổi khác nhau cũng cho một kết quả tương tự như vậy. Nhưng nếu chúng ta xem xét dữ liệu của những người lao động còn rất trẻ, có thể kết luận sẽ bị sai, rằng đặc điểm tính cách không quan trọng đối với thu nhập. Thay vào đó, kết quả cho thấy những lợi thế này sẽ có lợi nhiều hơn cho những lao động trình độ cao.
Tại sao? Ví dụ: Tính cách của người quản lý sẽ có tác động mạnh mẽ hơn đến năng suất của nhóm hơn là với nhân viên cấp cao. Cường độ và thời gian làm việc của một người – phần nào có xu hướng bị ảnh hưởng bởi tính cách,cũng ảnh hưởng đến thu nhập.
Sự khác biệt này trong thu nhập hàng năm cộng lại sẽ như thế nào trong suốt cuộc đời? Hãy xem xét hai người đàn ông trong nghiên cứu của Terman, những người này bình đẳng về tất cả các đặc điểm nền tảng, ngoại trừ tính hướng ngoại. Người đàn ông có tính hướng ngoại trung bình sẽ kiếm được nhiều hơn 600.000 USD trong suốt cuộc đời so với những đồng nghiệp hướng nội.
Con số này tương ứng với khoảng 15% thu nhập cả đời. Mức độ của tác động này cũng tương tự đối với sự tận tâm, điều này không có gì đáng ngạc nhiên: những người đàn ông tận tâm nhận được mức lương cao hơn vì làm việc hiệu quả hơn. Họ cũng đạt được trình độ học vấn cao hơn, từ đó tăng thu nhập. Hơn nữa, những cá nhân tận tâm hơn có xu hướng làm việc lâu dài hơn và khỏe mạnh hơn, và do đó tích lũy thu nhập suốt đời cao hơn.
Tôi cũng nhận thấy rằng những người đàn ông dễ chịu hơn, có xu hướng thân thiện và giúp đỡ người khác, có thu nhập thấp hơn đáng kể so với những người đàn ông nghiêm khắc hơn. Người đàn ông dễ tính sẽ kiếm được ít hơn khoảng 270.000 USD trong suốt cuộc đời so với người đàn ông bình thường.
IQ cũng có liên quan đáng kể tới thu nhập suốt đời, mặc dù người ta chỉ có thể so sánh những cá nhân có IQ rất cao với những cá nhân có IQ thậm chí cao hơn. Chỉ số IQ cao 10 điểm đồng nghĩa thu nhập suốt đời cao hơn khoảng 200.000 USD. Điều thú vị là sự ổn định về cảm xúc và cởi mở lại không liên quan đáng kể đến thu nhập suốt đời trong mẫu này.
Ai được lợi nhất?
Tiếp theo, tôi so sánh những người đàn ông có cùng hoàn cảnh và tính cách ở cùng trình độ học vấn để xem liệu ảnh hưởng của các tính cách có phụ thuộc vào trình độ học vấn hay không. Nó cho thấy những người đàn ông có học vấn cao hơn được hưởng lợi nhiều hơn gấp đôi từ ba đặc điểm tính cách này (tận tâm, hướng ngoại và nghiêm khắc) hơn những người đàn ông ít học.
Ví dụ: Khi so sánh hai người đàn ông có bằng cử nhân, người hướng nội sẽ kiếm được ít hơn khoảng 290.000 USD so với đồng nghiệp có hướng ngoại trung bình. Mức chênh lệch thu nhập này tăng lên khoảng 760,000 USD khi so sánh một người hướng nội với một người hướng ngoại trung bình khi cả hai đều có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ.
Một người rất hướng ngoại hoặc tận tâm sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn từ giáo dục đại học so với người không có những kỹ năng này.
Tất nhiên, những người có chỉ số IQ cao trong mẫu Terman rất hiếm. Vậy những nghiên cứu này áp dụng được bao nhiêu cho chúng ta ngày nay? Điều này phụ thuộc vào việc: Liệu bây giờ nghề nghiệp có phát triển theo cách tương tự như hồi đó hay không. Trên thực tế, những đặc điểm tính cách ảnh hưởng tới thu nhập cả đời ở Terman chính xác là những tính cách được cho là ảnh hưởng nhất đến tiền lương của những người lao động ngày nay.
Nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt về các đặc điểm tính cách có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp. Sự tận tâm và hướng ngoại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất trong công việc mà còn gián tiếp tăng thu nhập suốt đời, bằng cách ảnh hưởng đến hành vi cũng như thời gian và cường độ làm việc của chúng ta. Các phân tích theo độ tuổi trong cuộc đời cho thấy rằng ngay cả khi chênh lệch thu nhập giữa những người lao động trẻ chưa nhiều, nhưng chúng sẽ tăng trưởng đáng kể khi bạn thăng tiến trong sự nghiệp.