3 cú sốc lớn của "độc cô cầu bại" Việt Nam

Lê Sơn |

"Em chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức, chẳng thể nói được một lời nào. Em đã tập luyện hết mình để mong có HCV SEA Games nhưng cuối cùng đổ sông đổ biển”.

Ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội có một người mà từ trẻ nhỏ đến người già không ai không biết, đó là đô vật Nguyễn Thị Lụa cô gái vàng của Thể thao Việt Nam.

Yên Nội vốn là đất vật lừng danh nhất cả nước, nơi mà vật đã “ngấm vào máu” từ người già đến trẻ, chẳng kể nam nữ. Và Nguyễn Thị Lụa, cô gái sinh năm 1991 cũng trót mê bộ môn này chẳng biết tự bao giờ…

Giọt nước mắt của “cô gái Vàng” Việt Nam

Tới thăm gia đình và lắng nghe lụa trò truyện, chúng tôi mới hiểu được hóa ra, để theo sự nghiệp đỉnh cao với môn vật là cả sự cơ cực mà chẳng mấy người thấu hiểu.

Sinh ra trong gia đình có bố cứ thấy vật là mê mệt, từng không có đối thủ ở trong quân ngũ, chú ruột là VĐV vật chuyên nghiệp, từng giành nhiều HCV toàn quốc những năm 90, nên Lụa cũng trót mê vật từ hồi bé như “cái kẹo”.

Thuở lên 7,8 tuổi, cứ mỗi khi khu vực Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, hễ nơi nào có vật là Lụa lại nằng nặc đòi bố chở đi xem.

Sẵn có thể trạng tốt nên Lụa sớm bộc lộ tố chất thể thao khi đoạt giải nhất điền kinh toàn tỉnh Hà Tây ở nội dung toàn năng (với 4 môn chạy 100m, 200m, ném tạ, nhảy xa).

Đến năm 12 tuổi (2003), trưởng bộ môn vật tỉnh Hà Tây cũ, ông Nguyễn Đình Khinh về xã để mở một lớp mục tiêu. Thấy thế, dù chẳng hiểu thể thao là cái gì, Lụa vẫn giấu bố mẹ để ứng thí và lập tức được tuyển chọn.

Đô vật Nguyễn Thị Lụa.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa.

Ban đầu, dù chưa được đào tạo gì, Lụa chỉ bé loắt choắt (chừng 31,32kg) nhưng đã vật thắng tuyệt đối trước hai “đàn chị” từng theo vật được khoảng 1 năm rưỡi và nặng gần 50kg.

Nhưng Lụa suýt nữa đã không được lọt vào đội tuyển trẻ bởi ông trưởng bộ môn thấy Lụa quá bé lại non nớt liền nghĩ “tuyển nhóc này vào nuôi biết bao giờ cho lớn, để đi thi đấu được”.

May mắn thay, HLV Nguyễn Đình Khinh khi đó do đã phát hiện ra tố chất đặc biệt của Lụa nên đã thuyết phục và tranh đấu để đưa Lụa vào đội tuyển trẻ.

Được ăn cơm trên tuyển, Lụa chẳng khác nào cá gặp nước. Trình độ cứ thăng tiến vượt bậc, sớm vượt qua nhiều đàn chị để trở thành nữ đô vật số 1 Việt Nam, từng chinh phục rất nhiều huy chương tại các giải VĐQG, khu vực và châu lục.

Tuy nhiên sự nghiệp của Lụa không hề thuận buồm xuôi gió đến vậy bởi cô đã từng nhiều lần phải đánh đổi bằng nước mắt.

Lụa bồi hồi kể lại, vào năm 2007, khi vừa sang tuổi 16 trăng tròn cũng là lúc cô trở thành nạn nhân của sự đố kỵ, ích kỷ ganh đua.

Đây là năm là Lụa vượt qua tất cả các đàn chị để giành danh hiệu VĐQG, đáng kể nhất chính là việc quật ngã một đàn chị quê ở Thái Nguyên (xin được giấu tên). Theo thông lệ, Lụa nghiễm nhiên giành suất tham dự kỳ SEA Games năm đó.

Tuy nhiên, vào thời điểm tỉnh Hà Tây chuẩn bị được sáp nhập vào Hà Nội, đội vật của tỉnh Hà Tây đã mất đi “tiếng nói” của mình và Lụa bất ngờ bị loại khỏi danh sách tham dự SEA Games.

Thật trớ trêu, người được tham dự thay lại chính là nữ đô vật người Thái Nguyên, người từng bị Lụa vật cho “te tua” ở giải VĐQG.

Bị cắt suất một cách đầy oan uổng, Lụa chỉ biết cắn răng chịu đựng. Cô gái trẻ càng điên cuồng tập luyện.

Suốt hai năm sau đó, Lụa liên tiếp thắng VĐV người Thái Nguyên ở giải VĐQG, đến nỗi người đàn chị này nhìn thấy Lụa là phải sợ, về sau không dám thi đấu cùng hạng cân.

Năm 2009, một lần nữa Lụa giành VĐQG theo cách không có đối thủ. Đến lúc này, chẳng còn ai có thể cướp suất SEA Games của cô được nữa. Nhưng thật bất hạnh, đấu trường ĐNÁ vẫn cứ quay lưng với cô, theo cách còn bất ngờ hơn.

Tại SEA Games 2009 đất Lào, Lụa đăng ký tham dự hạng 48kg. Ở hạng cân này lúc đăng ký ban đầu vào buổi sáng vẫn còn 4 nước (gồm cả VN).

Tuy nhiên đến buổi chiều, sau khi khám sức khỏe và cân xong thì Lụa cùng ban huấn luyện khi nhìn lên danh sách bỗng như “mất hồn” bởi các VĐV của 3 nước còn lại vì thấy Lụa quá mạnh nên đã bỏ không thi đấu.

Đến lúc ban huấn luyện đi hỏi ban tổ chức thì nhận được kết quả là hạng cân 48kg chính thức bị hủy bởi không đủ 3 nước tham dự.

“Đến lúc này, em chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức, chẳng thể nói được một lời nào. Em đã tập luyện hết mình để mong có HCV SEA Games nhưng cuối cùng đổ sông đổ biển” - Lụa nghẹn ngào kể lại.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Kịch bản tương tự tiếp tục lặp lại ở kỳ SEA Games 2011 tại Indonesia. Đó là năm mà vào phút chót, nước chủ nhà loại bỏ hết các hạng cân nhỏ, chỉ đấu từ hạng 55kg trở lên.

Một lần nữa, những giọt mồ hôi, nước mắt và những kỳ vọng lớn lao về tấm HCV SEA Games của Lụa lại tuột khỏi tầm tay.

“Lúc bình tĩnh lại, em chỉ nghĩ có lẽ mình không có duyên với SEA Games, chứ em biết trách ai” - Lụa kể với vẻ đăm chiêu.

Cô gái vàng của TTVN bên cạnh bộ sưu tập huy chương của mình.
Cô gái vàng của TTVN bên cạnh bộ sưu tập huy chương của mình.

Nhưng rồi, quá tam ba bận, đến kỳ SEA Games tiếp theo (2013-Myanmar). Bao những nghị lực phi thường của cô gái vùng quê nghèo cuối cùng cũng được đền đáp.

“Lúc này em được đôn lên hạng 51kg và em chỉ mong các đối thủ sẽ tham dự cùng hạng cân với mình để được thi đấu.

Cuối cùng lúc nhìn vào danh sách chốt thấy có 5 nước, em đã sướng không tả được. Cuối cùng thì em cũng được đấu SEA Games”- Lụa kể với vẻ mặt rạng rỡ.

Kết quả năm đó, không nằm ngoài dự đoán, Lụa thắng chóng vánh 8-0 trước 1 đối thủ của Indonesia sau 32 giây. Sau đó cô tiếp tục thắng tuyệt đối 2 đô vật của Campuchia và Myanmar để giành HCV không thể thuyết phục hơn.

Cắn răng chịu đau, quyết không phẫu thuật để đấu Olympic

Nguyễn Thị Lụa là một trường hợp “dị” của thể thao Việt Nam bởi cô chính là người từng đấu tranh với đơn vị chủ quản, quyết không chịu phẫu thuật để có thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu.

Lụa chia sẻ, cô chính là người từng trải qua nhiều chấn thương nhất trên đội. Từ vai, tay, cổ, cổ chân, răng… chỗ nào cũng bị chấn thương.

Lụa kể: “Em bị đứt dây chằng ở hai gối, còn cả 2 vai thì đều bị cả rách bao ổ khớp lẫn đứt dây chằng. Tập thì em vẫn tập được những mỗi khi trái nắng trở giời lại đau lắm.

Người em chẳng khác nào con búp bê. Vai bị trật khớp em lại tự rút vào và tập tiếp. Chắc bị trật nhiều quá nên giờ nó nhờn rồi, lúc đầu thì cần bác sĩ chứ giờ em tự xử lý lấy”.

Lụa nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013.
Lụa nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013.

Cũng theo lời kể của Lụa, cách đây tận hơn 4 năm, các bác sĩ ở Trung tâm HLTTQG đã khám và chỉ định cho Lụa phẫu thuật ở cả vai bà đầu gối.

Nhưng nếu đã phẫu thuật thì các khớp và dây chằng sẽ cứng lại không thể vận động được như trước nữa. Trước đó, một số VĐV cũng mổ rồi phải giải nghệ nên Lụa quyết tâm lắc đầu, với hy vọng tiếp tục được thi đấu đỉnh cao.

Thế nên, dù được chỉ định phẫu thuật sau kỳ ASIAD 2010 nhưng vì sợ “mổ là chấm hết” nên Lụa vẫn kiêm quyết từ chối.

Nguyễn Thị Lụa được coi là “Cô gái vàng” của TTVN với rất nhiều HCV ở giải VĐQG; HCV SEA Games 2013;HCB giải trẻ châu Á các năm 2009-2010-2011; HCB giải VĐ châu Á 2011, 2014, 2016; HBC ASIAD 2010…

Nguyễn Thị Lụa đã chính thức giành vé đầu tiên cho Vật Việt Nam tham dự Olympic 2016 sau chuỗi phong độ ấn tượng ở vòng loại khu vực châu Á diễn ra tại Kazakhstan.

Về sau, phía Trung tâm HLTTQG đã bắt Lụa và HLV Trần Văn Sơn phải viết một bản cam kết rằng phía Trung tâm hoàn toàn sẵn sàng tạo điều kiện cho Lụa phẫu thuật nhưng Lụa từ chối. Do vậy nếu sau này có xảy ra vấn đề gì về sức khỏe thì Lụa phải tự chịu trách nhiệm.

Khi được hỏi, lý do và động lực gì để Lụa kiên quyết đến vậy, Lụa nói: “Chấn thương của em trước sau gì cũng phải mổ thôi. Nhưng hiện tại đằng sau em cũng chưa có lớp kế cận và em cũng muốn thi đấu đỉnh cao thêm một thời gian nữa nên bây giờ em chưa thể mổ được”.

“Bây giờ nhiều lúc em cũng đau lắm nhưng có lẽ khi nào xác định giã từ sự nghiệp thì em mới tiến hành phẫu thuật, còn bây giờ thì vẫn tạm thời phải cắn răng chịu đựng thôi…” - Lụa cười gượng.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại