01. “Nữ tử vô tài tiện thị đức” - Phụ nữ không tài mới là đức
Đây là vế sau của hai câu nói: "Đàn ông có đức mới là tài, đàn bà không tài mới là đức."
Nhiều người hiểu nhầm rằng “vô tài” chính là không có tài, là ngu dốt, kém về học thức và tài năng.
Do đó, rất nhiều phụ nữ đã bị áp đặt trong khuôn khổ này, không được đi học, không được làm chủ, cả đời chỉ được quanh quẩn trong một góc nhà để lo cho gia đình mà thôi.
Thế nhưng, thực chất phải hiểu câu này là “có tài nhưng trong thâm tâm không được khoe khoang là có tài”, mang hàm ý về một thái độ khiêm tốn.
Phụ nữ cũng có thể đọc sách, có thể giỏi giang thành đạt, có thể trở thành một nhân vật bản lĩnh trong xã hội, nhưng khi về nhà vẫn giữ được sự khiêm tốn để hóa thân làm "người xây tổ ấm", vun vén và chăm lo cho hạnh phúc gia đình mình.
Tuy có tài hoa hơn người nhưng không tự kiêu, không tự mãn, biết đối xử ôn hòa và dành sự tôn trọng cho bố mẹ, cho chồng con. Đó chính là đức hạnh cao thượng của một người phụ nữ.
Nói cách khác, một người phụ nữ có thể tài giỏi nhưng đồng thời cũng phải biết hạ mình, không khoe khoang, phô trương là phẩm hạnh đẹp nhất của nữ giới.
Ý nghĩa của vế trước cũng tương tự như vậy: Đàn ông phải lấy đức hạnh làm đầu, lấy tài năng làm phụ trợ, chứ không có nghĩa là yêu cầu đàn ông không xem trọng tài năng của mình.
Nội dung của cả hai vế khi được ghép lại với nhau là để nhắc nhở chúng ta, dù là đàn ông hay phụ nữ, đều phải chú ý đến phẩm đức của bản thân.
Đây mới là trí tuệ khôn ngoan được đúc kết từ lời dạy cổ nhân, chứ không phải hàm ý khinh thường, hạ bệ nữ giới.
Nên nhớ rằng, “cây lúa, hạt càng nhiều càng mẩy thì cúi càng thấp”, người càng giàu có, càng có tài thì càng khiêm tốn và cúi mình.
Năng lực nên được dùng cho hành động, chứ không đặt nơi đầu lưỡi. Bởi vì kết quả cuối cùng sẽ là thứ nói lên tất cả, có sức mạnh vượt xa mọi lý lẽ tầm thường.
02. “Lượng tiểu phi quân tử, vô độc bất trượng phu” – Hẹp hòi không phải quân tử, không ác không phải trượng phu
Nguồn gốc của câu này bắt nguồn từ "Vọng Giang Đình" của Quan Hán Khanh. Bản gốc chính xác phải là: “Lượng tiểu phi quân tử, vô độ bất trượng phu”.
Vốn là một câu nói nổi tiếng mang hàm ý tích cực, đề cao những phẩm chất khoan dung, độ lượng, là bài học đối nhân xử thế quan trọng trong đời.
Vậy nhưng qua thời gian và miệng lưỡi người đời, nó lại bị biến tấu thay đổi hoàn toàn về ý nghĩa, trở thành lời ngụy biện cho lối hành xử độc ác và lòng dạ hẹp hòi.
Độ trong khoan dung, độ lượng chứ không phải "độc" trong độc ác, tàn nhẫn. Nói cách khác, người bản lĩnh phải là người biết đối xử độ lượng với mọi người, khoan dung với cái sai của người khác, cho họ cơ hội thay đổi và sửa chữa.
Như Victor Hugo đã từng nói: "Trên thế gian, thứ rộng lớn nhất là đại dương, thứ rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, thứ rộng lớn hơn cả bầu trời là tâm hồn con người"...
Một người muốn đạt được thành công thì phải có cái tâm và cái tầm rộng lớn. Bản thân họ như biển cả thì dù gặp sóng gió cũng không nao núng, đủ bình tĩnh để hành xử ở đời.
Giữ một trái tim không cưỡng cầu, nỗ lực tiến tới thì luôn có được những cơ hội để đạt thành tựu to lớn.
Một thành tựu rõ ràng mà chỉ những ai rộng lượng, khoan dung mới đạt được chính là những mối quan hệ bền vững, dài lâu.
Nhân cách và phẩm chất của họ là giá trị thuyết phục tất cả mọi người. Qua thời gian, mối quan hệ ngày càng khăng khít, ở cương vị tốt cho đối phương, họ còn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn với suy nghĩ và hành động của người khác.
Đó chính là niềm tin và uy tín mà một người có tâm tạo dựng cho mình. Cũng nhờ thế, họ nhận được sự nể trọng thật lòng từ mọi người xung quanh.
03. “Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt” - Người không vì mình, trời chu đất diệt
"Vị" ở đây không hiểu thành "vì mình", là phải hiểu là "tự rèn luyện tu vi của chính mình". Làm người thì phải tu luyện bản thân, nếu không trời chu đất diệt, chứ không phải “Làm người phải sống vì bản thân” như mọi người đang hiểu sai bấy lâu nay.
Chỉ khác nhau một chữ duy nhất nhưng ý nghĩa diễn đạt lại khác rất xa, đánh mất hoàn toàn đạo lý nằm trong đó mà cổ nhân muốn gửi gắm cho hậu thế sau này.
Nhiều kẻ hành xử ích kỷ, mưu lợi cá nhân cũng dùng câu nói này để biện hộ cho tư duy sai lầm của bản thân mà không tự biết hối lỗi và thay đổi.
Cuộc sống của con người vốn là một quá trình tu luyện, không ngừng nâng cao tu vi bản thân, tức là nâng cao phẩm hạnh đạo đức và năng lực cá nhân.
Một người thực sự hiểu thấu thế giới này phải biết cách từ bỏ ham muốn của bản thân, liên tục học hỏi và gia tăng sự hiểu biết về môi trường bên ngoài, giữ vững tư duy sáng suốt, luôn suy nghĩ cẩn thận, theo đuổi những mục tiêu tốt đẹp và ra sức hành động để đạt được giá trị to lớn hơn.
Chúng ta phải coi bản thân như một doanh nghiệp. Ở đó, bạn vừa là CEO, vừa là nhân viên duy nhất.
Ở cương vị người lãnh đạo, bạn phải đưa ra những ý tưởng mới để tạo nên giá trị. Ở cương vị nhân viên, bạn phải thực hiện các kế hoạch để củng cố và phát triển giá trị đó.
Có như vậy, doanh nghiệp mới đứng vững trên thị trường và bạn cũng đứng vững trong cuộc sống, sự nghiệp của bản thân. Để làm được điều này, quá trình tự rèn luyện là không thể bỏ qua.
Quá trình rèn luyện, tự thử thách bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ giúp bạn khám phá nhiều khía cạnh và gia trị mới.
Khi gặp khó khăn, thay vì né tránh, hãy đương đầu. Khi gặp thất bại, thay vì bỏ cuộc, hãy vượt qua.
Bạn của ngày hôm nay phải tốt hơn bạn của ngày hôm qua. Bạn của tương lai phải tốt hơn bạn của hiện tại. Đó mới là cách thức sống đúng, sống đẹp.
Không ngừng nâng cao cảnh giới làm người thì cuộc sống mới ngày càng nâng tầm chất lượng.