Giao tiếp là kỹ năng không hề dễ dàng. Chúng ta nói chuyện hàng ngày, nhưng chưa chắc biết cách nói sao cho đúng, cho hay. Chúng ta thường nói chuyện tinh tế, nhẹ nhàng với người ngoài, nhưng với những người thân thiết trong gia đình, đặc biệt là con trẻ, ta lại vô tình nói ra những điều làm tổn thương chúng.
Ảnh minh họa.
Trẻ em thật sự nhạy cảm và “nhớ dai” hơn cha mẹ tưởng. Vì vậy, những lời nói không hay, những từ ngữ nặng nề của cha mẹ, người thân có thể in sâu trong tâm trí chúng đến suốt đời. Những câu nói tưởng chừng vô tình này đôi lúc có thể làm con tổn thương, sợ hãi, tự ti về bản thân mình, hoặc thậm chí trở thành “vết sẹo” trong tâm hồn.
Dưới đây là 3 câu nói “cửa miệng” mà cha mẹ vô tình sử dụng hằng ngày có thể làm con tổn thương sâu sắc:
1. “Chỉ là một thành tích nhỏ thôi mà/ Điều này có là gì so với…”
Dạy con biết khiêm tốn là một đức tính cần thiết, nhưng cha mẹ không khiêm tốn đúng cách sẽ vô tình trở thành “đòn giáng” mạnh vào tâm lý trẻ.
Ví dụ, khi con làm bài kiểm tra được điểm cao, cha mẹ vì sợ con tự kiêu nên vô tình buông những lời tiêu cực: “Do con may mắn thôi, điều này có là gì so với các bạn khác…” hoặc “Chỉ là một bài kiểm tra nhỏ, có đáng gì!”.
Khi trẻ đang vui mừng và phấn khởi vì đạt điểm cao, những lời nói tiêu cực, thậm chí có ý “xem thường” này của cha mẹ cũng giống như một “gáo nước lạnh” dội lên người chúng.
Ảnh minh họa.
Trẻ sẽ cảm thấy như thế nào khi cha mẹ buông những lời tổn thương ấy?
Trong Tâm lý học, có một hiệu ứng gọi là “Pygmalion” dùng để nhấn mạnh ảnh hưởng của sự kỳ vọng và tin tưởng đối với một người. Mức độ tin tưởng càng cao, hiệu ứng này càng rõ rệt. Như vậy, hiệu ứng Pygmalion giữa cha mẹ và con cái được xác định rõ ràng, bởi cha mẹ là những người mà con cái tin tưởng và thân thiết nhất.
Tiến sĩ, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ Susan Forward, tác giả cuốn “Toxic Father” (Cha mẹ độc hại) - một trong những cuốn sách bán chạy nhất hành tinh được New York Times bình chọn, đã chỉ ra rằng: “Con cái luôn tin những gì cha mẹ nói về mình và sẽ biến những lời nói đó thành nhận thức của chúng”. Nếu cha mẹ nói những điều tiêu cực với con trong thời gian dài, đứa trẻ cũng trở nên nghi ngờ và phủ nhận bản thân. Chúng tự cho rằng bản thân rất tệ, tự ti, yếu đuối và trong đầu luôn suy nghĩ "tôi không thể".
2. “Nếu con không làm như thế này, con sẽ bị…”
Cha mẹ luôn cảm thấy đau đầu bởi con nghịch ngợm, hiếu động. Để con vâng lời, họ thường dùng những hành động, lời nói mang tính “đe dọa”.
Ví dụ, cha mẹ sẽ thường xuyên nói những lời này khi con không vâng lời: “nếu không ngồi im, con sẽ bị bắt cóc”, hoặc “nếu không dọn đồ chơi gọn gàng, ba mẹ sẽ vứt đồ chơi đi”, “nếu không chăm chỉ học tập, mai mốt lớn lên con sẽ đi nhặt rác”,...
Ảnh minh họa.
Cha mẹ thích nói những lời mang tính “đe dọa” với những điều mà con cái quan tâm. Lý do họ nói những lời này, là vì nó có thể khiến con ngừng lại hành động “chướng mắt” đó ngay lập tức. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ít khi biết rằng, sự vâng lời này xuất phát từ nỗi sợ hãi bên trong tâm hồn đứa trẻ.
Ở “bên ngoài”, con cái sẽ làm theo những gì cha mẹ muốn, nhưng ngược lại cũng tồn tại nguy cơ tiềm ẩn “bên trong” đứa trẻ. Khi trẻ lớn lên, chúng đã bắt đầu hiểu chuyện và cha mẹ không thể dùng mãi cách đe dọa này để khiến con ngoan ngoãn, do đó, những lời đe dọa càng trở nên vô hiệu, thậm chí dẫn đến sự “đối đầu” gay gắt giữa cha mẹ và con cái. Quan trọng hơn, những lời nói kiểu này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác an toàn của trẻ, lâu dần khiến con không còn niềm tin vào cha mẹ mình nữa.
3. “Con phải như thế này, thế kia…”
Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học nổi tiếng người Thụy Sĩ, đã đề ra 3 phương pháp giáo dục “vô dụng” nhất của cha mẹ, trong đó, giảng đạo, nói đạo lý là phương pháp quen thuộc được nhiều cha mẹ sử dụng.
Con cái phạm sai lầm, cha mẹ không đánh đập, la mắng là đúng, nhưng tại sao ông không khuyến khích cha mẹ giảng đạo lý?
Cha mẹ hay “giảng đạo” sẽ vô tình khiến con trở nên tiêu cực. Ảnh minh họa
Khi bạn đang trong trạng thái tức giận, mất bình tĩnh, bạn có muốn nghe người khác “nói nhiều” hay “giảng đạo” không? Câu trả lời là không.
Các bậc cha mẹ lâu nay đã quen với việc đóng vai trò là những “nhà giáo dục” gắn mác "vì lợi ích của con mình", và ép buộc nhận thức, suy nghĩ của họ lên những đứa con.
Nhưng, cha mẹ không biết trẻ đang cảm thấy ra sao và nghĩ gì vào lúc mất bình tĩnh. Những lời thuyết giảng, nghe có vẻ cực kỳ đúng, nhưng những đứa trẻ không thực sự cần thiết vào lúc đó. Điều chúng cần chính là sự lắng nghe.
Là cha mẹ, hãy gác lại sự bảo thủ, ích kỷ của mình để kết nối, lắng nghe suy nghĩ, đồng cảm với cảm xúc của con, để thấu hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng của con mình.
Một gia đình có hạnh phúc, ấm áp hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử và lời nói của cha mẹ. Hãy để con được phát triển cảm xúc một cách tự nhiên.