1. "Dốt nát như thế thì thi làm sao đạt được điểm tốt?"
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con học không tốt, phản ứng đầu tiên là cho rằng con không thông minh, IQ thấp. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn gọi con là "ngốc nghếch", "dốt nát". Vì thế, trước kỳ thi của con, họ có thái độ không tin tưởng, nghĩ rằng con sẽ không làm nên chuyện. Nhiều phụ huynh còn nói những câu nặng nề như: "Dốt nát như thế thì thi làm sao được điểm tốt", "Con dốt thế bố mẹ cũng chẳng dám kỳ vọng cao",...
Trên thực tế, việc buộc tội con kém cỏi bằng những câu nói nặng nề chỉ làm tăng gánh nặng tâm lý, khiến trẻ tự ti khi đối mặt với kỳ thi. Trong khi đó, việc cha mẹ cần làm phải là tiếp thêm cho con sức mạnh, để con có trạng thái tâm lý tốt nhất cho kỳ thi. Nếu bố mẹ cứ lặp đi lặp lại những lời nói tổn thương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ và tính cách của con.
2. "Giờ con mới học thì còn có ích gì"
Một số trẻ có học lực kém thường cố gắng học càng nhiều vào thời gian sắp đến ngày thi, với mong muốn "nhồi" được thêm được kiến thức vào đầu. Điều này khiến một số bậc phụ huynh không hài lòng, thậm chí tức giận mắng con: "Giờ mới học thì được ích gì?".
Câu nói này chỉ khiến trẻ chán nản, dễ bỏ cuộc, không có lợi khi trẻ sắp bước vào phòng thi. Hơn thế, câu nói thể hiện bố mẹ không tin tưởng vào khả năng của con, khiến trẻ càng thêm buồn lòng.
Thay vì tạo áp lực cho con, bố mẹ nên đồng hành cùng con ôn bài. (Ảnh minh hoạ)
3. "Nếu con không làm tốt trong bài kiểm tra này thì…"
Một số phụ huynh cho rằng cần tạo áp lực để con chăm chỉ học tập. Vì thế, họ thường xuyên doạ con như: "Nếu con không làm tốt trong bài kiểm tra này thì từ giờ đừng có xin xỏ gì bố mẹ nữa", "Con mà bị điểm kém thì cứ liệu hồn",...
Trên thực tế, những lời đe doạ chỉ khiến con chán học hơn, không có động lực trước kỳ thi. Việc con liên tục nghĩ đến những lời đe doạ của bố mẹ sẽ khiến tinh thần không thoải mái, mất tập trung, dẫn đến đạt điểm không như mong đợi.
Vẫn biết rằng bố mẹ luôn muốn con cái học hành tiến bộ. Tuy nhiên, việc khuyến khích con phải đúng cách, nếu không sẽ gây phản tác dụng, có hại cho sự phát triển của trẻ.
Trước kỳ thi, bố mẹ không nên nói những câu đe doạ trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Dưới đây là những điều bố mẹ cần làm trước khi con bước vào kỳ thi:
- Giúp con sắp xếp lại kiến thức: Mặc dù số lượng câu hỏi trong các đề thi thử không nhiều nhưng phạm vi kiến thức không hề nhỏ. Để việc ôn luyện đạt hiệu quả hơn, bố mẹ cần giúp con phân loại kiến thức, khoanh vùng vấn đề trọng tâm.
- Nhắc nhở con ôn luyện khoa học kết hợp với nghỉ ngơi: Áp lực học tập của trẻ là điều không hề nhỏ. Càng tới gần ngày thi, trẻ càng áp lực về điểm số, khối lượng kiến thức. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên nhắc nhở con chú ý kết hợp giữa học tập và nghỉ ngơi một cách khoa học. Hãy dặn con ăn uống đầy đủ, tuyệt đối không thức quá khuya để học bài. Khi có một cơ thể khoẻ mạnh thì con mới có thể đương đầu được với kỳ thi cam go.