Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng đa phần triệu phú hay tỷ phú không sống trong những căn hộ cả nghìn m2 và cũng chẳng lượn lờ cả ngày trên chiếc Bentley hay Roll Royce đắt tiền. Bạn sẽ thường gặp họ trên những chiếc Honda, Toyota tầm trung và sống trong những căn nhà chẳng có vẻ gì giàu có.
Lại nhắc tới Warren Buffett, có lẽ nhiều người đã phát chán khi nghe tên vị tỷ phú này. Thế nhưng, nhìn căn hộ ông sống xem, bạn có nghĩ rằng nó là một căn nhà của tỷ phú?
Chúng ta hẳn sẽ tưởng tượng nhà của tỷ phú trông như thế này!...
Thế nhưng, thực tế đây là căn nhà của một tỷ phú, cụ thể là Warren Buffett, nó giống như rất nhiều căn nhà khác tại Mỹ.
Đa dạng hơn một chút, giáo sư Đại học Stanford, ông David Cheriton, một trong những người mạnh dạn đầu tư cho Google và giờ tất nhiên là tỷ phú. Bạn biết sao không? Ông chê tiền cắt tóc ngoài salon quá đắt nên còn tự cắt tóc cho chính bản thân mình.
Đây là David Cheriton, tỷ phú này tự cắt tóc cho chính mình vì nghĩ rằng bên ngoài quá đắt.
Lại một lần nữa, những người đã trở thành triệu phú hay tỷ phú đều trải qua thời điểm bình thường, thậm chí là khó khăn hơn rất nhiều người. Họ đều có ý kiến chung rằng sự khởi nguồn của giàu sang đều là do tiết kiệm.
Ừ thì có người sẽ nói tiết kiệm đến bao giờ mới giàu, họ gặp may, thế này thế kia... Nhưng! Nếu không tiết kiệm, bạn sẽ lấy đâu ra tiền cho những dự định đầu tư sau này?
Tất nhiên, tiết kiệm không có nghĩa bạn phải có một cuộc sống tằn tiện ăn bánh mì ngủ vỉa hè để mơ ngày trở thành tỷ phú. Bạn vẫn có thể có được cuộc sống đầy đủ, no ấm miễn là bạn quản lý tốt chi tiêu của mình.
Nghĩ tới tiết kiệm, dè sẻn nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới sự khổ cực, khó khăn. Nhưng thực tế đâu phải vậy.
Vậy, trở lại trọng tâm chính của vấn đề, làm thế nào để tiêu ít tiền nhưng sống vẫn "sướng", vẫn đủ? Dưới đây là 3 ý được nhóm tác giả Kara Brandeisky, Elaine Pofeldt, Penelope Wang và Jackie Zimmermann đưa ra trong cuốn "Làm thế nào để có 1 triệu USD".
Hãy giữ lại một phần thu nhập hàng tháng của mình
Lưu ý, đây là điều kiện lý tưởng, một tỷ phú Thụy Điển mới đây cho rằng 10% thu nhập hàng tháng là đủ rồi. Tất nhiên, càng tiết kiệm được nhiều bạn càng có nhiều cơ hội trong tương lai. Tùy vào điều kiện cá nhân cũng như thói quen mà hãy thay đổi con số này cho phù hợp với mình.
Điều quan trọng nhất là phải tiết kiệm được tiền chứ không phải tháng nào cũng âm đến mức vay nợ hay cạn kiệt tiền chờ tới ngày có lương.
Bà Susan Mitcheltree, một chuyên gia tư vấn tài chính cho rằng hãy tạo một tài khoản tiết kiệm, gửi một phần tiền lương vào đó và rồi xoay sở với số còn lại.
Hãy làm một tài khoản mà bạn không thể rút khi chưa tới hạn hoặc không thể truy cập (ví dụ làm tài khoản rồi đưa cho vợ/chồng chẳng hạn) bạn sẽ dần quen với cách tiêu chỗ còn lại thôi.
Sống đủ nhưng đừng sống thừa
Ai chẳng thích ở trong những căn biệt thự 150 m2 với sân vườn riêng, tiểu cảnh hay khu vực garage để đỗ xe. Thế nhưng, liệu nó có đáng? Nếu bạn đã có một căn hộ riêng, hãy bỏ qua đề mục này.
Thế nhưng, nếu đang thuê nhà để sinh sống thì có một quy tắc ngầm của thế giới là căn nhà bạn đang ở chỉ nên chiếm khoản 28% thu nhập hàng tháng của bạn.
Bỏ tiền ra mua gì thì dùng cho hết khấu hao thì thôi
Nghe có vẻ buồn cười, tất nhiên bỏ tiền ra mua một sản phẩm thì ta phải dùng nó rồi. Thế nhưng, hãy nghĩ đơn giản thế này, bạn chi một khoản tiền lớn ra đổi xe, mua điện thoại hay máy tính... hãy nghĩ tới sự chênh lệch so với những chiếc xe, điện thoại hay máy tính rẻ hơn.
Bạn hiểu rồi chứ? Hãy tận dụng tối đa những gì đã mua để nó mang lại cho bạn trải nghiệm hoàn hảo nhất.
Nghe có vẻ phức tạp, thế nhưng ví dụ bạn mua một chiếc iPhone vì nó chụp ảnh đẹp hơn thì hãy chụp đến mức cháy ống kính đi, tưởng tượng nó là một mỏ than bạn đầu tư tiền để khai thác, hãy khai thác hết khả năng có thể
Một nghiên cứu mới của tạp chí Tâm lý tiêu dùng cho thấy con người thỏa mãn hơn khi họ chi tiền ra mua trải nghiệm.
Đó là lý do vì sao cùng là 1 số tiền nhất định thế nhưng đi du lịch cùng gia đình, người thân sẽ giúp bạn thỏa mãn hơn rất nhiều so với việc mua một chiếc túi mới hay khi chụp ảnh, tấm ảnh không phải là thứ khiến ta thỏa mãn mà là quá trình để có được tấm ảnh đó...
Một khi tối ưu hóa được 3 điểm trên, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang sống rất thoải mái nhưng vẫn để được khá nhiều tiền.
Hàng ngày chúng ta vẫn kêu ca rằng trời ơi vì sao tôi nghèo thế, thế nhưng thật sự bạn chẳng cần nhiều tới vậy, hãy coi tất cả những gì bạn bỏ tiền ra để sở hữu là một khoản đầu tư và hãy nỗ lực để trở thành một nhà đầu tư thông minh.