Tối thứ 7.
Một núi bát đĩa đang chất đống xung quanh tôi, ngày càng cao dần như những cái cây tranh giành ánh sáng trong khu rừng.
Bồn rửa bát cao đến khuỷu tay tôi đang ngập trong đống nước thải; thức ăn thừa trôi nổi bên trong, trên cùng là một lớp váng mỡ dày đặc.
Tôi nhìn thấy nhân viên bên ngoài đang cố gắng giữ thăng bằng đằng sau chồng bát đĩa cao ngất ngưởng.
Sau lưng tôi, một đầu bếp hét lên đòi chảo, còn một người khác yêu cầu tôi dừng công việc đang làm để lau dọn chỗ nước chảy lênh láng.
Toàn bộ nhà bếp là một mớ hỗn độn.
Beep. Beep. Beep.
Tiếng máy rửa bát kết thúc chu trình làm việc. Nó đã làm điều này hàng trăm lần trong ngày hôm nay. Tôi cất chổi lau nhà, rồi đi lấy đống bát đũa sạch ra, cho đống bát đũa bẩn vào và tiếp tục một chu trình mới.
Tôi dừng một giây để thở. Tôi cảm thấy mồ hôi đang chảy nhỏ giọt trên trán. Hay đó là nước rửa bát bắn lên?
Tôi không muốn nghĩ, và cũng chẳng có thời gian để nghĩ. Tôi nhìn lên đồng hồ - lúc này đang là 7h30.
Ca trực còn chưa trôi qua được một nửa.
Đêm nay chỉ là một phần của hiện thực nghiệt ngã mà tôi trải qua trong công việc đầu tiên mà tôi làm cùng người khác.
Đây không chỉ là một công việc khó khăn mà còn vô cùng khổ sở, với mức tiền lương ít đến thảm thương, chỉ khoảng 3,5 bảng Anh/giờ.
Tuy nhiên nếu nghĩ kỹ, đây là một công việc hoàn hảo đối với tôi lúc ấy - một thanh niên trẻ và thiếu kinh nghiệm sống. Những bài học phũ phàng mà nó đem lại vẫn giúp tôi cho tới tận ngày hôm nay.
Không phải ai cũng yêu mến bạn
Vào cuối một buổi làm, tôi đi ra khỏi nhà hàng nhanh nhất có thể. Lúc nhận ra mình đã bỏ quên đồng phục, tôi đã ở rất xa nên không muốn mất công quay lại.
Vì thế, tôi tiếp tục mặc chiếc áo chưa giặt vào buổi tiếp theo.
Đến nơi làm việc, tôi đi thẳng vào phòng của nhân viên, nhưng không thấy đồng phục đâu cả. Tôi ngó vào bếp để hỏi các đầu bếp, nhưng lại gặp người vốn ghét cay ghét đắng tôi, dù tôi chẳng gây ra lỗi lầm gì.
Nét cười trên gương mặt anh ta rõ tới mức tôi biết có chuyện chẳng lành rồi.
“Sao cậu không thử kiểm tra phòng lạnh ấy?”, anh ta hỏi.
Khi tôi mở cửa vào phòng lạnh, ngay trên sàn là mũ, tạp dề và quần của tôi - tất cả đều nằm trong khối nước đã biến thành tảng băng to.
Một trận cười nổ ra trong bếp cho tôi biết họ vui sướng trước trò đùa này như thế nào. Lúc ấy, tôi cố gắng không khóc, chỉ biết làm đến hết giờ trong bộ quần áo “đẹp đẽ” này.
Kinh nghiệm đầu đời đã dạy tôi rằng bạn không nên kỳ vọng ai cũng yêu mến mình. Có những người không thích bạn, muốn ghét bạn, chỉ đơn giản vì họ thấy thế.
Tất cả những gì bạn có thể làm là cố gắng hòa đồng, không ngáng đường họ - bởi nếu không, bạn sẽ dính vào rắc rối.
Không ai quan tâm trừ khi bạn làm việc chăm chỉ
Trong vài tháng đầu tiên đi làm, tôi phải thừa nhận rằng mình không quá hứng thú với công việc. Đầu óc của một đứa trẻ 16 tuổi lúc đó chỉ nghĩ về chuyện trượt ván, con gái, và trường học.
Vậy nên, đến cuối buổi, tôi toàn phải nhờ cậy các đầu bếp để dọn dẹp cho kịp và điều này khiến họ không ngừng bực mình.
Đến một tối nọ, khi các đầu bếp khác đã làm xong thì tôi vẫn đang chật vật với đống bát đĩa chồng chất. Thay vì giúp đỡ, họ đứng xung quanh tôi mà mắng thẳng vào mặt, buộc tôi phải rửa nhanh nhất có thể.
Họ khiến tôi cảm thấy hổ thẹn và hoàn toàn gục ngã.
Đến tối hôm sau, tôi bước vào bếp với tinh thần tập trung cao độ. Tới cuối buổi, tôi đã theo kịp mọi người và hoàn thành công việc đúng giờ.
Khi chúng tôi sắp sửa về nhà, một trong những đầu bếp chính tiến đến chỗ tôi trong phòng thay đồ. Tôi cảm thấy cổ họng mình như nghẹn lại.
Giờ thì gì nữa đây? Liệu tôi có bị đánh với chiếc khăn lau bát? Liệu đồng phục của tôi có bị giấu đi không?
“Này, Stephen. Tối nay cậu làm tốt lắm. Đó là điều chúng tôi cần ở cậu. Cậu đã cho chúng tôi thấy hiệu suất làm việc của mình. Cậu xứng đáng nhận được sự tôn trọng của chúng tôi.”
Ông ấy bắt tay tôi rồi bỏ đi.
Đó chỉ là một khoảnh khắc chớp nhoáng, nhưng vô cùng có ý nghĩa với tôi. Một khi đã bước chân vào môi trường làm việc và muốn được đồng nghiệp tôn trọng, bạn phải nỗ lực 100% và nhớ rằng: trong tập thể không tồn tại cái tôi.
Đôi khi, bạn sẽ tự biến mình thành trò đùa
Sau khi đi làm được vài tháng, tôi đang dở tay thì nghe thấy một đầu bếp hét to: “Đến đây, Gately! Đến đây một lúc”.
Tôi chẳng nghĩ gì nhiều mà chỉ tiếp tục cọ sạch bát đĩa cho tới khi nhận ra là ông ấy đang nói với mình. Tôi chẳng hiểu nổi trò đùa này của ông ấy.
Về tới nhà, tôi đem chuyện này hỏi bố.
“Bố à, hôm nay có người đặt biệt danh cho con, nhưng con không hiểu. Họ gọi con là Gately.”
Sau một giây sững lại, bố tôi bắt đầu bò lăn ra cười, đến mức chảy cả nước mắt.
“Stephen Gately là anh chàng gay trong nhóm nhạc Boyzone”, ông ấy giải thích.
Đến lúc đó, tôi mới biết đấy là trò đùa.
Khi mới bắt đầu làm việc ở nhà hàng, tôi là nhân viên trẻ nhất. Là người thấp cổ bé họng nhất ở đó nên tôi không thể tránh khỏi cảnh “ma mới bắt nạt ma cũ” và ít nhiều bị gây khó dễ. Tuy nhiên, tôi cảm ơn vì điều đó.
Trải nghiệm này đã dạy tôi phải bình tĩnh trước mọi khó khăn, biết chấp nhận trò đùa của mọi người vì thật ra họ không có tư thù cá nhân gì với mình. Đó chẳng qua chỉ là cách để họ thể hiện quyền lực và địa vị của mình.
***
Sau này, bạn sẽ vượt lên và sánh vai cùng những người đã từng coi thường bạn. Khi ấy, bạn không còn phải ở dưới đáy của xã hội, mà đứng trước một lựa chọn vô cùng đơn giản: hành động giống họ hoặc trở thành một con người khác.
Tôi đã học được tất cả những bài học này từ công việc đầu đời và sử dụng chúng để trở thành một người tốt đẹp hơn.
Sau này, khi làm bồi bàn rồi trở thành người giám sát cho một chuỗi khách sạn nổi tiếng, tôi vẫn dành thời gian cho những người làm nghề rửa bát trong bếp.
Tôi thường xuyên ở lại sau ca trực để giúp họ, bởi tôi hiểu những gian khổ mà họ đang trải qua. Tôi đảm bảo tất cả đều được đối xử công bằng vì họ xứng đáng được như vậy.
Rõ ràng, công việc đầu đời đã để lại trong tôi những cảm xúc và vết sẹo không thể xóa nhòa. Thế nhưng, nó cũng giúp tôi hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp của mình, đồng thời dạy tôi rằng chăm chỉ là cách duy nhất để khiến cho đồng nghiệp tôn trọng mình.
Bài chia sẻ của Stephen Moore - blogger tại www.sjmblog.com.