285 nghìn tỷ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh: Không phân biệt thành phần kinh tế

Luân Dũng |

“Việc xem xét đối tượng cụ thể để áp dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp là điều quan trọng nhất. Phải thể hiện sự công bằng, ai đóng góp các khoản thu ngân sách thì phải được xem xét, hỗ trợ cho đồng bộ, không phân biệt công tư, doanh nghiệp lớn, hay doanh nghiệp nhỏ”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong về gói hỗ trợ 285 nghìn tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành.

Hỗ trợ đúng đối tượng, tránh khai man trục lợi

Nhằm ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Gói tín dụng khoảng 255.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ thuế 30.000 tỷ đồng được Chính phủ tung ra để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này. Ông có lưu ý gì khi triển khai gói hỗ trợ này?

Có thể nói, đến thời điểm này, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế đã và đang bộc lộ rõ. Việc cần làm ngay lúc này là thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trong Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ.

Về lĩnh vực, ngành nghề, đương nhiên phải xem xét, áp dụng gói hỗ trợ vào những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất bởi dịch Covid-19. Điển hình trong đó là hệ thống du lịch, nhà hàng, khách sạn, rồi các doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước có dịch Covid-19.

Việc xem xét đối tượng cụ thể để áp dụng gói hỗ trợ này là điều quan trọng nhất. Đối với những doanh nghiệp bị tác động do thiếu nguyên liệu, hoặc không có lao động, hay lao động về nước không quay trở lại, lao động thiếu việc làm, hoặc tỷ lệ thất nghiệp bao nhiêu trở lên phải được xem xét áp dụng?

Phải khoanh vùng lại, và theo tôi, ít nhất con số này cũng phải từ 30% trở lên mới được hưởng gói hỗ trợ.

Đây là những chính sách rất tốt, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng không có nghĩa là không phát triển được kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế, trong đó vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là hết sức quan trọng.

Theo ông, các bộ ngành, địa phương phải thực hiện như thế nào để gói hỗ trợ này mang lại hiệu quả cao nhất?

Để triển khai thực hiện hiệu quả, trước tiên các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xem xét, hỗ trợ cho đúng đối tượng. Tránh tình trạng lạm dụng điều này để khai man, trục lợi.

Muốn vậy, cần phải kêu gọi tinh thần tự giác, phát huy tính trung thực, thẳng thắn trong kê khai từ chính các doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh lây lan như hiện nay, cơ quan chức năng không thể xuống từng đơn vị thanh tra, kiểm tra được.

Cùng với gói hỗ trợ này, theo ông cần thực hiện thêm những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển kinh tế?

Đúng vậy. Gói “giải cứu” này khác với những gói cứu trợ khác, nên phải làm bài bản hơn. Nhưng không phải chỉ gói hỗ trợ 285 nghìn tỷ đồng này, mà phải thực hiện đồng bộ thêm các giải pháp.

Ví dụ, nếu người lao động không may bị thất nghiệp, thiếu việc làm thì chúng ta giải quyết theo cơ chế thất nghiệp, hoặc đào tạo chuyển đổi nghề.

Rồi phải giãn, hoãn các khoản đóng góp ngân sách, như thuế thu nhập, bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế, xã hội…phải làm sao tính toán để giãn cách để cho doanh nghiệp có thời gian khắc phục.

Bên cạnh đó cũng phải có giải pháp khi doanh nghiệp không có việc làm, gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid -19. Trong bối cảnh đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể giãn cho họ 1%, rồi công đoàn hỗ trợ cho doanh nghiệp để sản phẩm của họ đỡ phải đội giá thành lên.

Với gói tín dụng thì có thể cho vay theo nhiều dạng. Nếu doanh nghiệp khó khăn quá thì có thể cho vay không lãi suất, hoặc với lãi suất thấp hơn so với mặt bằng chung.

"Ðể triển khai thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ, trước tiên các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xem xét, hỗ trợ cho đúng đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng để khai man, trục lợi.

Muốn vậy, phải kêu gọi tinh thần tự giác, phát huy tính trung thực, thẳng thắn trong kê khai từ chính các doanh nghiệp".

Ông Bùi Sỹ Lợi

Công bằng với mọi đối tượng

Một quyết định mới nhất vừa được chính quyền các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đưa ra là tạm thời đóng cửa hệ thống quán bar, karaoke… Có lẽ, đây cũng chính là những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng và cần được hỗ trợ từ Nhà nước?

Đúng vậy. Họ cũng chính là những đối tượng tham gia đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội.

Tất cả các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, thậm chí kể cả hộ gia đình tham gia đóng thuế, đóng bảo hiểm đều thuộc phạm vi, đối tượng cần được xem xét hỗ trợ.

Không chỉ hệ thống nhà hàng, khu vui chơi giải trí mà ngay cả với hệ thống giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn. Với đơn vị công lập thì không sao, nhưng đối với hệ thống trường tư thục, tư nhân thì phải có biện pháp để giảm thiểu khó khăn cho họ.

Nhìn chung, phải thể hiện sự công bằng, ai đóng góp các khoản thu ngân sách thì phải được xem xét, hỗ trợ cho đồng bộ, không phân biệt công tư, doanh nghiệp lớn, nhỏ, thậm chí đơn vị nhỏ lẻ, hộ gia đình còn bị tác động rất lớn.

Cảm ơn ông.

285 nghìn tỷ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh: Không phân biệt thành phần kinh tế - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại