2500 cây xanh Hà Nội đổ gục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nhiều cây bật rễ có thể cứu được, đây là lý do!

Thùy Anh |

"Theo tôi, nên phát động phong trào quần chúng, giao việc bảo vệ cây cho tổ dân phố ở khu vực đó."

2500 cây xanh Hà Nội đổ gục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nhiều cây bật rễ có thể cứu được, có một việc quan trọng nhất cần làm - Ảnh 1.

Hậu quả gây ra bởi siêu bão Yagi (bão số 3) vẫn đang chưa dừng lại ở miền Bắc nước ta. Riêng tại Hà Nội, sau khi quét qua Thủ đô, bão số 3 đã khiến hàng nghìn cây xanh gãy đổ, một số người đã tử vong do bị cây đè. Ước tính, có khoảng 2.500 cây xanh bị bật gốc, gãy, đổ… và chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai.

Từ những hình ảnh cây xanh bật gốc, nhiều người trên mạng xã hội bắt đầu suy đoán, bình luận theo hướng chỉ trích công tác trồng cây là không đúng khoa học như: trồng quá nông, trồng hời hợt, bọc gốc thì rễ không thể đâm ra được…

Ngược lại, nhiều người khác cũng lên tiếng khẳng định việc bọc gốc cây và cách trồng như vậy không hề sai. Dư luận trên mạng xã hội lại một phen tranh luận trái chiều.

Trước việc này, Tiến sĩ Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp), trả lời báo Dân Việt cho rằng: Cây xanh trên phố Hà Nội gãy đổ nguyên nhân chính vẫn là do bão số 3 với sức gió giật rất mạnh.

2500 cây xanh Hà Nội đổ gục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nhiều cây bật rễ có thể cứu được, có một việc quan trọng nhất cần làm - Ảnh 2.

Dù vậy, ông cũng cho rằng việc nhiều cây xanh đã to (cỡ lớn) đã bị cắt hết những rễ ăn sâu xuống đất, chỉ còn một số rễ nhỏ xung quanh rồi được đánh bọc, đem trồng ở Hà Nội là chưa hợp lý, cách trồng này khiến rễ cây không đâm sâu xuống dưới đất được.

"Chúng tôi đã từng khuyến cáo rồi… Chỉ nên trồng cây xanh có đường kính từ 6-10cm, cao khoảng 4m. Cây trồng ở độ tuổi này, bộ rễ phát triển cực tốt, có thể đâm sâu xuống đất và khả năng gãy đổ cũng giảm đi", ông Hà nói với Dân Việt.

Cũng trả lời Dân Việt, GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm Nghiệp, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội đồng quan điểm không nên trồng các cây đã to sẵn, và thêm: "Cần phải tỉa tán thường xuyên, thậm chí tạo tán cho cây khi cắt tỉa. Như vậy, mới hạn chế được cây gãy đổ khi vào mùa mưa bão",

2500 cây xanh Hà Nội đổ gục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nhiều cây bật rễ có thể cứu được, có một việc quan trọng nhất cần làm - Ảnh 3.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh là người có nhiều năm nghiên cứu về trồng cây xanh nói riêng và thiên nhiên - môi trường nói chung. Khi được hỏi về vấn đề cây xanh Hà Nội bật gốc sau cơn bão số 3, ông cho biết: "Có thể thấy, cơn bão quá mạnh, cây bị gió quật kèm mưa lớn nên bị đổ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không nên đổ trách nhiệm cho ai."

Khi được hỏi về những bọc lưới vẫn ở những cây bị bật gốc, ông Huỳnh bày tỏ quan điểm: “Việc không bỏ bọc lưới cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến cây dễ đổ, nhưng khả năng này ít thôi. Đối với những cây lâu năm, những túi bọc xung quanh khi ươm cây theo thời gian sẽ mục, rách. Tôi thấy đây là yếu tố không thể đoán được. Lúc người ta trồng cây, mình có ở đó đâu mà kết luận được?

Theo quan điểm của tôi, không cần bàn tới chuyện đó nữa, cây đã đổ rồi, do thiên tai, điều cần nhất là mình phải tìm cách phục hồi chúng.”

Ông nhấn mạnh, việc bây giờ cần làm là đào sâu, làm hố rộng ra, đặt cây xuống rồi bảo vệ cây bằng hệ thống bệ xung quanh. Hệ thống này cần rất chắc chắn, không thể sơ sài như vừa rồi, nó sơ sài quá, gió mạnh thì nó đổ ngay. Một cây sống 70 - 80 năm không phải chuyện dễ dàng. Vì vậy, việc quan trọng nhất là phục hồi lại, còn những cây bị sâu bệnh, mục rỗng và không còn rễ nữa thì mới bỏ đi, trồng lại cây mới.

2500 cây xanh Hà Nội đổ gục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nhiều cây bật rễ có thể cứu được, có một việc quan trọng nhất cần làm - Ảnh 4.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, trách nhiệm bảo vệ cây xanh không của riêng ai: “Với những cây có thể phục hồi lại, theo tôi, nên phát động phong trào quần chúng, giao việc bảo vệ cho tổ dân phố ở khu vực đó. Ngoài Sở Xây dựng, công ty cây xanh ra thì cộng đồng ở đó cũng phải có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Làm như vậy, chúng ta mới cứu được cây, cũng như cứu một con người: sau khi được chữa bệnh, thì phải được phục hồi và chăm sóc rất kỹ lưỡng để cây có thể dần dần ăn sâu vào lòng đất.

Việc bảo vệ cây xanh rất tốn kém, cần đầu tư chất xám, sức lực và tài chính. Nhưng một cái cây có giá trị, chức năng rất quan trọng: giữ ẩm cho nước, bảo vệ cảnh quan, văn hóa, lịch sử... Thành phố không thể thiếu cây xanh được. Chính vì vậy, theo ý tôi, nên đầu tư để bảo vệ cây”.

Hơn nữa, ông bày tỏ sự lạc quan đối với số phận của những cây xanh ở Hà Nội: “Khả năng phục hồi cây là điều có thể. Vì cây bị bật gốc vẫn còn rất nhiều rễ. Bởi vì một cây đã sống hàng chục năm, đồng nghĩa với việc nó đã làm quen với điều kiện thổ nhưỡng ở nơi đó. Tôi nghĩ là có khả năng phục hồi lại cây xanh trong thành phố. Cách làm này đỡ tốn kém hơn so với việc di chuyển cây sang một nơi khác”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại