Vào rạng sáng ngày 14/6/1846, một nhóm gồm khoảng 30 người Mỹ cầm súng tiến vào Sonoma, một thị trấn nhỏ thuộc lãnh thổ Alta California của Mexico. Chuẩn bị sẵn sàng để chiếm thị trấn bằng vũ lực, nhưng thay vào đó, họ lại ngồi uống rượu mạnh với Đại tá Mariano Vallejo của quân đội Mexico và chấp nhận cho ông đầu hàng. Trong 25 ngày tiếp theo, California trở thành một quốc gia độc lập, với cái tên Cộng hòa California.
Sự kiện nói trên được gọi là Cuộc Nổi dậy Cờ Gấu, lấy tên từ hình ảnh trên lá cờ của một nước Cộng hoà chỉ tồn tại ngắn ngủi. Mặc dù giao tranh diễn ra hạn chế và đất nước mà nó thành lập ra chỉ kéo dài chưa đầy một tháng, Cuộc Nổi dậy Cờ Gấu đã trực tiếp dẫn đến việc người Mỹ giành được vùng lãnh thổ ngày nay là tiểu bang đông dân nhất đất nước.
Cuộc nổi dậy bắt đầu ở Texas
Vào giữa thế kỷ 19, Mexico vẫn kiểm soát những vùng đất rộng lớn mà ngày nay là vùng Tây Nam nước Mỹ. Năm 1835, một cuộc nổi dậy bắt đầu ở tỉnh Texas của Mexico. Mặc dù chính phủ Mỹ chính thức trung lập, những người Mỹ như Stephen F. Austin và Sam Houston đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Mexico, và hàng trăm người khác, bao gồm cả binh sĩ Mỹ, cũng tham gia cuộc chiến. Kết quả là sự ra đời nước Cộng hòa Texas, một quốc gia độc lập do những người định cư Mỹ nắm quyền, sau đó sáp nhập vào Mỹ năm 1846 và dẫn đến cuộc Chiến tranh Mỹ-Mexico.
Theo Tiến sĩ Linda Heidenreich, tác giả cuốn sách "This Land Was Mexico Once" (Mảnh đất này từng là Mexico), việc sáp nhập Texas rõ ràng đã khiến cộng đồng người Californios – vốn là cư dân Mexico ở tỉnh Alta California — nhìn thấy rõ rằng chính phủ của họ quá nghèo, quá bất ổn và quá yếu để ngăn những người định cư Mỹ đổ tới tràn ngập California. Một số người Californios ủng hộ độc lập trong khi những người khác tính đến việc mời Mỹ tiếp quản.
Bản đồ Mexico trước cuộc chiến tranh với Mỹ - với lãnh thổ bao gồm cả bang California và Texas của Mỹ ngày nay.
Mỹ đã nhòm ngó California
Sau khi sáp nhập Texas, Tổng thống Mỹ mới đắc cử James K. Polk đã cử Charles Frémont, một đại uý trong Quân đoàn Kỹ sư Địa hình của Quân đội Mỹ, đi thám hiểm khu vực Great Basin và Great Salt Lake. Polk bí mật chỉ thị cho Frémont xâm lược California nếu chiến tranh với Mexico nổ ra. Tổng thống Polk không giấu giếm mong muốn thôn tính California và như tác giả Heidenreich chỉ ra, cái gọi là đoàn thám hiểm khảo sát của Frémont “đã đến California với một khẩu lựu pháo”.
Đoàn thám hiểm của Frémont tiến vào lãnh thổ Mexico vào tháng 12/1845 và lặng lẽ đề nghị hàng trăm người định cư Mỹ tại đây hỗ trợ cho một cuộc nổi dậy. Đoàn đã suýt đụng độ với chính quyền Mexico sau khi cắm cờ Mỹ trên Đỉnh Gavilán (nay là Đỉnh Frémont, gần Salinas, California), nhưng sau đó rút lui vào Lãnh thổ Oregon.
Nhà thám hiểm, sĩ quan quân đội và chính trị gia người Mỹ John Charles Fremont. Ảnh: Getty
Khi biết được rằng các cuộc giao tranh đã nổ ra dọc theo Rio Grande vào tháng 4/1846 và Mexico đang chuẩn bị lực lượng bảo vệ California, Frémont quyết định quay trở lại lãnh thổ Mexico vào giữa tháng 5/1846. Ngày 13/5, trong lúc Mexico còn đang phẫn nộ trước việc mất Texas, Mỹ đã tuyên chiến với quốc gia láng giềng phía Nam. Vẫn chưa rõ khi nào Frémont biết chiến tranh chính thức nổ ra, nhưng bản năng đã mách bảo và khiến ông thực hiện những hành động đầu tiên của cuộc Chiến tranh Mexico-Mỹ.
Frémont quay lại California vào cuối tháng 5/1846 và gặp một nhóm người định cư Mỹ ở Thung lũng Sonoma vào ngày 8/6. Do từ chối lệnh rời đi của giới chức Mexico, những người định cư Mỹ sẵn sàng phát động cuộc nổi dậy với sự kích động của Frémont. Vào ngày 10/6, người định cư và các thành viên trong đoàn thám hiểm của Frémont đã tấn công một trung úy người Mexico, cướp đàn ngựa của anh ta. Cuộc chiến chính thức bắt đầu.
Frémont treo cờ Gấu Xám của Cộng hòa California khi tuyên bố độc lập khỏi Mexico trong Cuộc nổi dậy Cờ Gấu ở Sonoma, California, ngày 10/6/1846. Ảnh: Getty Images
Lên ngựa vào thành phố lúc bình minh, nhóm nổi dậy đến Casa Grande, nơi Đại tá Mexico Vallejo mời họ vào để thảo luận đầu hàng. Lúc này, những người Californios lại chia rẽ ý kiến về việc sáp nhập vào Mỹ - nhiều người phản đối quyết liệt trong khi một số người thấy sự cai trị của Mỹ còn tốt hơn so với mối đe dọa xâm lược của đế quốc Nga.
Sau khi chấp nhận cho Đại tá Vallejo đầu hàng, nhóm người Mỹ đã bầu William B. Ide làm lãnh đạo của họ, tuyên bố thành lập nền cộng hòa mới và treo một lá cờ được lắp ráp vội vàng có hình một con gấu xám California lên trên doanh trại ở Sonoma. Mặc dù được đặt tên là Cộng hòa California, quốc gia mới này còn được biết đến với tên gọi Cộng hòa Cờ Gấu, và những người sáng lập được gọi bằng biệt danh là "Người cắm Cờ Gấu", hay "Gấu" hoặc "Osos" (cũng có nghĩa là “gấu” trong tiếng Tây Ban Nha).
25 ngày độc lập
Trong thời gian còn lại của tháng 6/1846, các thành viên “Gấu” và người của Frémont đã giao tranh với lực lượng Mexico, chiếm giữ các địa điểm chính xung quanh khu vực ngày nay là San Francisco và tập hợp nhiều người da trắng định cư.
Tranh vẽ trận Monterey, ở Monterey, California, vào ngày 7/7/1846, trong cuộc Chiến tranh Mỹ-Mexico. Ảnh: Getty Images
Vào đầu tháng 7/1846, Commodore John Sloat, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đến Vịnh Monterey. Giống như Frémont, ông ta được lệnh tấn công ngay khi chiến tranh được tuyên bố, nhưng Sloat lại hành động theo bản năng thay vì chờ nghe tuyên bố chính thức. Vì thế Hải quân Mỹ đã chiếm giữ Monterey ngay ngày 7/7, tuyên bố California là một phần của nước Mỹ. Hai ngày sau, Cuộc nổi dậy Cờ Gấu chính thức kết thúc khi California được sáp nhập vào liên bang Mỹ. Người Californios chính thức nhượng lại tỉnh Alta California vào năm 1847 với Hiệp ước Cahuenga. Và California trở thành tiểu bang thứ 31 của Hoa Kỳ vào ngày 9/9/1850.
Việc người Mỹ tiếp quản California đã thay thế hệ thống phân cấp chủng tộc phức tạp của Mexico bằng một hệ thống phân cấp mới do người Mỹ da trắng thống trị. Người Californios bỗng nhiên trở thành công dân hạng hai ngay trên đất nước của họ, trong khi chính phủ mới ngầm khuyến khích công dân da trắng thanh trừng khu vực của người bản địa.
Năm 1848, ngay trước khi California chính thức bị thôn tính, vàng được phát hiện ở Coloma, gần Sacramento. Cơn sốt vàng sau đó đã biến California từ một khu vực thưa thớt dân cư, chủ yếu là người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa, thành một trung tâm kinh tế nhộn nhịp do người Mỹ da trắng kiểm soát.
Một phiên bản sửa đổi của lá Cờ Gấu ban đầu đã trở thành cờ của tiểu bang California vào năm 1911, khoảng một thập kỷ trước khi loài gấu xám California tuyệt chủng. Mặc dù chỉ kéo dài tổng cộng 25 ngày, tên và biểu tượng của Cộng hòa California giờ đây vẫn tô điểm cho lá cờ tiểu bang đặc biệt nhất ở nước Mỹ.