25 năm từ khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga "lột xác" như thế nào?

Ly Vy |

Nga đang đầu tư hàng tỷ USD để thay thế các tàu chiến cũ và chế tạo nhiều lớp tàu, vũ khí mới. Tuy nhiên, quá trình "thay máu" này ẩn chứa nhiều thách thức.

Từ khi tham gia chiến dịch quân sự tại Syria cùng lực lượng Không quân vào tháng 10/2015, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhanh chóng trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Hải quân Nga.

Hiện nay, Moscow đang đầu tư nguồn ngân sách lớn chưa từng thấy để đóng tàu mới, xây dựng căn cứ và cơ sở hạ tầng cho lực lượng này.

Song, Syria không phải là lý do duy nhất khiến Nga "vung tiền" như vậy. Moscow đã nhiều lần nhận thức mức độ cần thiết của việc hiện đại hóa hạm đội già cỗi, đã lâm vào tình trạng trì trệ trong 2 thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã.

Nước này đã đầu tư khoảng 5 nghìn tỷ Rúp (tương đương 78 tỷ USD) trong giai đoạn 2011 - 2012 để đóng tàu nổi và tàu ngầm mới cho hải quân.

25 năm từ khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga lột xác như thế nào? - Ảnh 1.

Khinh hạm đề án 11356 của Hải quân Nga.

Hiện Nga đang chế tạo 6 khinh hạm lớp Admiral Grigorovich (đề án 11356) cho Hải quân. Chiếc tàu thứ 3 của loạt này sẽ sớm được bàn giao.

Ngoài ra, Moscow còn có kế hoạch trang bị 6 tàu ngầm diesel - điện thuộc đề án 636.3 (lớp Kilo cải tiến) cho Hạm đội Biển Đen. Các tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 1.500 hải lý.

25 năm từ khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga lột xác như thế nào? - Ảnh 2.

Tàu ngầm Rostov-on-Don đề án 636.3 của Hải quân Nga.

"Các tàu ngầm mới lần đầu tiên phô diễn khả năng vào cuối năm ngoái. Tàu ngầm Rostov-on-Don đã sử dụng tên lửa Kalibr tiêu diệt nhiều mục tiêu khủng bố ở Syria" - ông Igor Kasatonov, nguyên Phó Tổng Tư lệnh Hải quân Nga và cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen nói.

Ông Kasatonov cho biết thêm rằng, các công ty quốc phòng Nga sẽ đóng thêm 6 tàu ngầm tương tự cho Hạm đội Thái Bình Dương và đồng thời đóng một loạt tàu ngầm mang tên lửa chiến lược thuộc đề án 955 lớp Borei,

Hải quân Nga đã nhận được 3 tàu Borei và sẽ nhận thêm 5 tàu nữa từ nay đến năm 2020.

Hiện đại hóa căn cứ hải quân

Các nguồn lực chính của Bộ Quốc phòng Nga đang được đầu tư để hiện đại hóa căn cứ tàu ngầm ở vùng Viễn Đông, tại thành phố Vilyuchinsk, vùng Kamchatka và ở Novorossiysk, Biển Đen.

4 tàu ngầm thuộc đề án 955 dự kiến sẽ đóng tại căn cứ Kamchatka và 4 tàu khác sẽ được đưa đến vùng biển Bắc.

3 tàu ngầm diesel - điện đề án 636.3 với các tên lửa Kalibr hiện đã sẵn sàng chiến đấu ở Novorossiysk và trong vòng 3 năm sau khi hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, căn cứ này sẽ tiếp nhận thêm 3 tàu nữa.

Theo các chuyên gia Nga, chương trình mới được tạo lập nhằm tránh những sai lầm mà Liên Xô gặp phải trong giai đoạn cuối thập niên 70 của thế kỷ trước,

Đầu những năm 1980, khi các tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay thuộc đề án 1143 được đưa vào biên chế, hạm đội của Nga không có cơ sở hạ tầng thích hợp để phục vụ chúng.

Những con tàu này buộc phải neo đậu ở các bến tàu, tự sản xuất điện bằng động cơ diesel của mình và hệ quả là chúng đã sớm bị loại biên.

Hiện tại, Nga đang thiết lập một loạt các căn cứ ven biển cho từng tàu nổi và tàu ngầm.

Hải quân Nga cần những loại tàu nào?

"Hải quân (Nga) cần tàu chở trực thăng cỡ lớn để vận chuyển hàng hóa quân sự và lực lượng không quân hải quân đến các vùng chiến sự, như Syria" ông Dmitry Safonov - chuyên gia quân sự của tờ Izvestia nhận định.

Theo ông Safonov, tàu chở trực thăng có thể thay thế cho cả một căn cứ như ở Hmeymim, Syria.

25 năm từ khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga lột xác như thế nào? - Ảnh 3.

Mô hình tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Priboi của Nga.

"Nga đang tiến hành dự án đóng tàu chở trực thăng cỡ lớn lớp Priboy, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Cùng với đó là dự án tuần dương hạm nguyên tử lớp Leader và tàu sân bay lớp Shtorm, những mẫu tàu này đã được giới thiệu chi tiết vào giữa năm 2015" ông Safonov cho biết thêm.

Nga hiện chỉ có một căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ, đó là ở Syria.

"Nga không có ý định cạnh tranh với Mỹ về số lượng tàu chiến, căn cứ và mức độ hiện diện ở các đại dương" ông Safonov nói.

Tuy nhiên, ông tin rằng các tàu sân bay và tàu chở trực thăng mới sẽ giúp Moscow triển khai lực lượng ở khắp nơi trên thế giới, tương tự như Mỹ.

Những vấn đề tồn tại

Hiện nay, một trong những vấn đề chính mà hạm đội Nga phải đối mặt là thiếu hụt động cơ và phụ tùng để thay thế cho các thiết bị do Ukraine cung cấp trước đây.

Nga đã bị thiệt hại nặng sau thỏa thuận với công ty Zorya-Mashproekt (tọa lạc tại thành phố Nikolayev, Ukraine). Theo hợp đồng, Kiev sẽ cung cấp 6 động cơ turbine cho các tàu đề án 11356 của Nga.

"Trước khi khủng hoảng quan hệ với Ukraine, Nga mới chỉ nhận được 3 trong tổng số 6 động cơ. Hậu quả là 3 tàu đề án 11356 sẽ không thể hoạt động trước năm 2018, cho tới khi Nga bắt đầu sản xuất động cơ nội địa" ông Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí quân sự "Arsenal Otechestva" nói.

25 năm từ khi Liên Xô tan rã, Hải quân Nga lột xác như thế nào? - Ảnh 4.

Tàu tuần dương Admiral Nakhimov đề án 1144 đang được sửa chữa, hiện đại hóa.

Ông Murakhovsky cho biết, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là sửa chữa và hiện đại hóa các tàu chiến thời Liên Xô".

"Chúng tôi còn tồn một số lượng lớn tàu tuần dương và khu trục mang tên lửa chế tạo từ thời Liên Xô" - ông nói. Trong đó, một số tàu không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn chưa bị loại biên.

Để sửa chữa chúng, Nga cần xây dựng nhà máy mới và mở rộng những cơ sở cũ. Các dự án này đòi hỏi thời gian và nguồn tài chính đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại