Vào năm 24 tuổi, cô Chelsea Norstedt đã kiếm được 100.000 USD/năm, tương đương 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền này vẫn chưa phải là hạn cuối.
Hiện ở tuổi 32, cô Norstedt đã kiếm được đến 150.000 USD/năm và mọi thứ bắt đầu từ câu chuyện tấm bằng đại học.
Khát khao kiếm tiền
Khi còn bé, bất cứ ai hỏi Norstedt về một công việc ước mơ, cô bé này đều cho biết chẳng quan tâm làm gì miễn là kiếm được nhiều tiền.
"Mục tiêu lớn nhất cuộc đời tôi là kiếm đủ tiền để mua một chiếc xe hơi hoặc trang trải được các hóa đơn hàng tháng, tiền điện luôn đóng đủ và đồ ăn có trong tủ lạnh. Khi bạn lớn lên trong một gia đình có thu nhập thấp thì bạn chẳng biết phải ước mơ gì ngoài những điều đó", cô Norstedt nhớ lại giấc mơ thời bé.
Sinh ra tại Erie- Pennsylvania, một thành phố ven biển thu nhập thấp với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 12.000 USD nên Norstedt rất muốn kiếm tiền và làm giàu.
Theo tính toán của MIT, những người dân ở Erie như Norstedt phải kiếm được ít nhất 40.000 USD để có thể sống thoải mái. Thế nhưng với Norstedt, câu chuyện sự nghiệp của cô chẳng hề dễ dàng khi mẹ mắc bệnh và phải bỏ dở đại học.
Tuy nhiên một cánh cửa đóng lại sẽ mở ra một cánh cửa khác, chính quyết định bỏ dở đại học này của Norstedt đã dẫn lối cho cô tìm đến một con đường sự nghiệp khác.
Sau khi rời Đại học Penn State vào năm 2014 dù chỉ còn 2 học kỳ nữa là tốt nghiệp, cô Đại học Penn State vào năm 2014 dù vô cùng lo lắng cho sự nghiệp của mình nhưng vẫn kiên định trở về quê chăm sóc mẹ đang ốm.
"Người mẹ đã cho tôi sự tự tin và động lực để làm việc chăm chỉ, tìm thấy con đường sáng của mình", cô Norstedt nói về mẹ khi bà qua đời vào năm 2016.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, cô Norstedt đã phải làm nhân viên pha chế, phục vụ bàn ở nhiều nhà hàng khác nhau trong thị trấn, chấp nhận bất cứ công việc tuyển dụng nào để có tiền chăm sóc người mẹ bệnh tật.
Đồng thời, cô Norstedt theo dõi danh sách việc làm trên các trang web việc làm như LinkedIn và Indeed để tìm bất kỳ vị trí văn phòng nào có mức lương cao hơn mà không yêu cầu rõ ràng bằng đại học.
Cô dự định quay lại Penn State vào năm học tiếp theo và muốn tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt để quay lại.
Thế rồi một người bạn giới thiệu cô nộp đơn xin việc tại Verizon vì tổ chức này đã bắt đầu loại bỏ các yêu cầu như bằng đại học đối với một số vị trí dịch vụ khách hàng.
Nỗ lực của Norstedt đã đem về cho cô công việc tử tế đầu tiên kể từ khi bỏ dở đại học, với vị trí là chuyên gia trải nghiệm tại một cửa hàng Verizon ở Altoona, Pennsylvania và mức lương 45.000 USD/năm.
Từ bỏ đại học
Như đã nói ở trên, ban đầu cô Norstedt dự định sẽ quay trở lại hoàn thành nốt đại học, nhưng công việc mới lại đào tạo và giúp cô thăng tiến trong sự nghiệp theo hướng hạ thấp vai trò của tấm bằng.
Tại Verizon, cô Norstedt nhanh chóng thăng tiến 3 lần trong vòng 4 năm để rồi kiếm được 100.000 USD khi mới 24 tuổi.
"Tôi sẽ phải vay nợ để đóng học phí và có thể phải đi làm trả nợ sau khi tốt nghiệp, trong khi tôi đã có một công việc yêu thích được trả lương cao nên thấy chẳng cần thiết quay lại trường nữa", cô Norstedt thừa nhận.
Theo Norstedt, việc công ty hỗ trợ các chương trình đào tạo miễn phí, các khóa học về hùng biện, xử lý vấn đề...đã giúp cô ngày càng tiến bộ hơn.
"Bất cứ khi nào tôi muốn học một kỹ năng mới hoặc gặp khó khăn trong dự án thì nhà quản lý sẽ kết nối tôi với một chuyên gia trong đội ngũ để hướng dẫn và huấn luyện", cô Norstedt cho biết.
Khi rời Verizon vào năm 2019, những kỹ năng mà cô học được đã mở ra rất nhiều cánh cửa mới trong sự nghiệp cho Norstedt.
Năm 2020, cô được tuyển dụng vào làm việc cho một công ty phát triển phần mềm nhỏ có trụ sở tại Miami và sau đó là một công ty an ninh mạng mang tên Huntress.
Hiện Norstedt là quản lý tài khoản cấp cao tại Huntress, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ sử dụng phần mềm và sản phẩm an ninh mạng với mức lương 150.000 USD/năm.
"Tốt nghiệp đại học là một điều tuyệt vời nhưng hồ sơ năng lực và kinh nghiệm cũng có thể khiến bạn nổi bật. Hiện tôi chẳng còn sợ thiếu cơ hội việc làm chỉ vì không có bằng đại học nữa", cô Norstedt cho hay.
Theo CNBC, khoảng cách thu nhập giữa những lao động có bằng đại học và chưa tốt nghiệp đang bị thu hẹp lại đáng kể ở Mỹ.
Số liệu của Cục dự trữ liên bang (FED) chi nhánh San Francisco cho thấy khoảng cách này đã giảm 4 điểm phần trăm từ mức đỉnh năm 2010 đến năm 2022.
*Nguồn: CNBC