Cụ thể, từ giữa tháng 7.2018 đến nay, đã có 23 bệnh nhân bị ong đốt chuyển vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân ở Đức Long (Đức Thọ), số còn lại ở Ân Phú, Đức Lĩnh (Vũ Quang) và Nam Kim (Nam Đàn).
Tất cả các bệnh nhân đã đi tới những vùng đồi núi hái sim, chăn bò, đụng phải tổ ong nên bị ong đốt. Các bệnh nhân vào viện đều trong tình trạng sưng ở các vị trí bị ong đốt, đau nhức nhiều, choáng, nôn...
Khi tiếp xúc với ong, cần có các biện pháp bảo vệ.
Một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết, ong đốt người thường là ong mật, ong bầu, ong vàng, ong vò vẽ.
Sau khi đốt, các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan, về lâu dài dẫn đến suy gan, suy thận và có thể tử vong.
Vì thế, để hạn chế bị ong đốt, tốt nhất là tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong, khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà, khi ong vào nhà làm tổ, cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình, nên phá ngay khi tổ mới xây.
Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, cần tránh mặc quần áo sặc sỡ, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt; không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
Nếu bị ong tấn công, có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi.
Để loại bỏ tổ ong, nên dùng khói, bình xịt côn trùng xua ong đi hết, sau đó dùng lưới mắt nhỏ hoặc màn bọc tổ ong gỡ đi; người thực hiện cần mặc quần áo dày, áo mưa (loại nhựa dày) đi găng và đầu đội mũ kín.
Nếu không may bị ong đốt, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.