22 tuổi ung thư dạ dày di căn: Lời cảnh báo của bác sĩ bệnh viện Việt Đức

Tiểu Nhã |

Mới đây, bệnh viện Việt Đức đã phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày khi mổ u buồng trứng. Bệnh nhân nữ còn rất trẻ.

Khám sản ra ung thư dạ dày

Theo Tiến sĩ bác sĩ Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu ổ bụng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khoa vừa phẫu thuật cho bệnh nhân nữ 22 tuổi ung thư dạ dày di căn.

Trường hợp này là một nữ bệnh nhân 22 tuổi, chưa có gia đình. Bệnh nhân hay có dấu hiệu đau bụng nên đến Bệnh viện Phụ sản trung ương khám. Bác sĩ cho làm xét nghiệm và siêu âm phát hiện buồng trứng có u nên được phẫu thuật cắt u buồng trứng. Tuy nhiên, trong ca phẫu thuật cắt u, các bác sĩ phát hiện dạ dày của bệnh nhân có u và có hạch di căn xuống buồng trứng. 

Nghi ngờ ung thư dạ dày di căn buồng trứng, ngay lập tức bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nếu không chuyển sang bệnh viện chuyên khoa, chỉ cắt u hạch buồng trứng sẽ không an toàn cho người bệnh. 

Tại Khoa Phẫu thuật cấp cứu ổ bụng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, TS Hiền cho biết các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cắt toàn bộ dạ dày, 2 buồng trứng, nạo phúc mạc di căn cho nữ bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật sức khoẻ bệnh nhân ổn định tốt. Bác sĩ Hiền cho biết khoảng sau 3 – 4 tuần hồi phục sức khoẻ tốt các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị hoá chất cho người bệnh.

22 tuổi ung thư dạ dày di căn: Lời cảnh báo của bác sĩ bệnh viện Việt Đức - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân trẻ ung thư dạ dày di căn mới phát hiện được

TS Hiền cho biết đây không phải là trường hợp nữ trẻ bị ung thư dạ dày di căn buồng trứng, cách đây không lâu, các bác sĩ cũng đã cấp cứu trường hợp nữ sinh chỉ 16 tuổi, đau bụng kéo dài đi khám phát hiện ra ung thư dạ dày và di căn xuống buồng trứng. Bệnh nhân đã được phẫu thuật và chuyển sang điều trị hoá chất theo phác đồ ung thư dạ dày.

TS Hiền cảnh báo đa số các bệnh nhân bị ung thư dạ dày dấu hiệu nghèo nàn nên người bệnh chỉ đi khám khi thấy đau bụng và hay khám sản. Cả hai trường hợp bệnh nhân đều khối u buồng trứng nên khi bệnh nhân đi khám sản phụ khoa thường chỉ quan tâm đến khối u buồng trứng và quên đi ung thư dạ dày.

Trong khi đó, ung thư dạ dày ngày càng trẻ hoá và ở người trẻ thường chủ quan với ung thư dạ dày, các dấu hiệu của bệnh lại nghèo nàn đau tức thượng vị, đau bụng nên không được lưu tâm nhiều. 

Dấu hiệu nào cần đi khám?

Ung thư dạ dày là 1 trong 5 bệnh ung thư hàng đầu ở Việt Nam. Theo ước tính của tổ chức ung thư thế giới năm 2018, tại Việt Nam số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,6 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. 

Với ung thư dạ dày, Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ năm 1990 mỗi năm chỉ mổ 100 ca, đến năm 1995 có khoảng 200 ca, thời kỳ năm 2006 -2007 chỉ 500 ca thì đến năm 2015 - 2016 lên đến 900 -1000 ca mổ ung thư dạ dày mỗi năm. 

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng tại phòng khám của khoa có 20 trường hợp liên quan đến bệnh lý dạ dày, trong đó mỗi tuần có khoảng 5 trường hợp bệnh nhân phải phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Đa phần bệnh nhân đến khám với triệu chứng lâm sàng liên quan đến viêm dạ dày cấp tính.

Trong khi đó, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể khỏi được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần cắt bỏ lớp niêm mạc, chi phí của ca phẫu thuật này chỉ 1.000.000- 2.000.000đ/ca phẫu thuật. 

Mức chi phí này thấp hơn rất nhiều so với ở giai đoạn muộn, nếu phẫu thuật cắt bỏ thì chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng cộng với quá trình điều trị lâu dài, tốn kém mà hiệu quả không cao.

22 tuổi ung thư dạ dày di căn: Lời cảnh báo của bác sĩ bệnh viện Việt Đức - Ảnh 2.

Khi đau thượng vị, ợ chua cần khám dạ dày thực quản để loại trừ nguy cơ ung thư dạ dày.

Bệnh ung thư dạ dày có thể phòng chống được, chỉ 5% là di truyền, chủ yếu là môi trường và ăn uống.

TS Hiền khuyến cáo hút thuốc lá là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng. Đây được xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.

Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên... những thực phẩm được chế biến như hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.

Nam giới trên 40 tuổi, những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa có bệnh dạ dày, tiền sử đã từng bị phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn.

TS Hiền nhấn mạnh khi có các dấu hiệu như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau bụng, đau tức ngực, khó nuốt, ho kéo dài... chú ý đến những triệu chứng bất thường để có thể thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại