Mải mê làm việc, suy thận lúc nào không hay
Anh D phát hiện suy thận giai đoạn cuối khi mới 22 tuổi. Chẳng ai nghĩ chàng trai khỏe mạnh đó lại mắc căn bệnh teo hỏng thận.
Anh D cho biết khi ấy anh làm thợ nhôm kính. Một ngày đang làm việc thì anh thấy mắt bị mờ đi.
"Tôi nghĩ do công việc cắt nhôm bụi bay vào mắt nên mắt mờ. Tôi có mua thuốc nhỏ mắt nhưng không đỡ. Khoảng vài ngày sau tôi sốt cao và bị ngất nên người nhà đưa đi cấp cứu", anh D nói.
Theo anh D, khi vào viện huyết áp của anh rất cao, kèm sốt 40 độ C. Sau khi anh D tỉnh lại, bác sĩ có thông báo anh bị suy thận giai đoạn cuối và động viên anh lọc máu chu kỳ.
Anh D tâm sự: "Thời điểm đó tôi đang tuổi thanh niên khoẻ lắm nên chẳng bao giờ đi khám sức khoẻ. Đang khoẻ mạnh bảo đi viện khám cũng ngại, nên cứ mải mê đi làm. Thời điểm đó công việc đang thuận lợi nên tôi cứ mải mê làm việc".
Khi được bác sĩ thông báo suy thận giai đoạn cuối anh D cũng thấy hụt hẫng, hối hận. Tuy nhiên, anh cũng lấy lại tinh thần rất nhanh.
"Bệnh thì cũng đã mắc rồi, buồn bã cũng không giải quyết được gì nên tôi cứ vui vẻ điều trị, tin tưởng vào các bác sĩ", anh D tâm sự.
Anh D điều trị suy thận mạn (Ảnh: Ngọc Minh)
Nhờ có tinh thần vui vẻ nên dù đang phải chạy thận nhưng anh D vẫn có thể đi làm. 2 năm sau khi biết mắc suy thận mạn, anh D cũng đã lập gia đình và có 2 con.
"Các con là động lực để tôi phải khoẻ mạnh để có thể chăm lo cho gia đình", anh D nói.
Hiện tại, anh D vẫn làm kinh doanh tự do. Sau 11 năm chạy thận, sức khoẻ của anh D khá ổn định. Qua trường hợp suy thận của mình anh D cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ nên để ý tới sức khoẻ, đi khám sức khoẻ định kỳ. "Đi khám phát hiện bệnh sớm, đừng để phát hiện muộn lại hối hận", anh D nói.
Đừng bỏ qua dấu hiệu của suy thận
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp, cho biết trường hợp của bệnh nhân D khi vào cấp cứu có huyết áp tăng cao, thiếu máu thì khả năng thận của bệnh nhân đã tổn thương trước đó rất lâu.
Với trường hợp của D sức khoẻ có vấn đề nhưng bệnh nhân chủ quan, mải mê làm việc nên không để ý tới. Có thể bệnh nhân cũng có những dấu hiệu thoáng qua như đau đầu vào buổi chiều, mệt nhẹ nhưng không để ý để đi khám sớm.
Bác sĩ Hải cho biết hiện nay, việc gia tăng các bệnh lý mạn tính cũng kéo theo sự gia tăng tình trạng suy thận mạn. Ví như bệnh nhân đái tháo đường nếu không được kiểm soát có thể sau 5-7 năm sẽ bị suy thận. Hoặc những trường hợp bạn trẻ tuổi mắc gút không kiểm soát cũng gây ra suy thận.
Tăng huyết áp ở người trẻ thường ít được chú ý. Tăng huyết áp ở người trẻ sẽ tăng từ từ theo mức suy thận. Khi suy thận càng nặng, huyết áp càng cao. Suy thận càng nặng, thiếu máu sẽ càng nặng.
Đối với người suy thận, huyết áp sẽ tăng lên từ từ để cơ thể thích ứng được. Khi thận suy tới giai đoạn cuối, cơ thể không tự điều chỉnh được nữa sẽ khiến huyết áp sẽ tăng vọt, bệnh nhân có những triệu chứng choáng, ngất phải vào viện cấp cứu thì đã muộn.
Bác sĩ Hải cho hay: "Suy thận gây tăng huyết áp và ngược lại. Do thận có các cầu thận, khi huyết áp tăng khiến cho áp lực trong máu tăng, áp lực lọc tác động lên màng tăng lên, tác động tới thành mạch máu tăng lên. Khi chịu những áp lực trên, theo sinh lý cơ thể sẽ sinh chất xơ để giữ thành mạch, từ đó khiến cho thành mạch nhỏ lại, màng lọc cầu thận dày khiến cho khả năng lọc của thận giảm. Máu tới thận ít, màng lọc xử lý kém, dần dần thận sẽ mất chức năng".
Bác sĩ Hải khuyến cáo, suy thận có triệu chứng rất âm thầm, tiến triển theo từng năm. Do vậy, để phát hiện bệnh sớm thì cần đi khám sức khoẻ định kỳ, có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và vận động thể thao vừa sức.