Tại Đài Loan có một chính trị gia đồng thời là nhà văn nổi tiếng có tên Long Ứng Đài. Bà có người con trai hai mươi mốt tuổi cảm thấy áp lực vì có cả cha lẫn mẹ đều là những người nổi tiếng, thành đạt.
Cậu nói với mẹ: "Mẹ phải chấp nhận rằng con chỉ là một người bình thường, không có thành tựu gì nổi bật trong cuộc đời."
Long Ứng Đài trả lời: "Điều quan trọng nhất với mẹ, không phải là con có thành tựu hay không, mà là con có hạnh phúc hay không, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, loại công việc nào có thể ít nhiều đem lại cho con niềm hạnh phúc?
Thứ nhất, nó cho con ý nghĩa, Công việc đó không điều khiển con, không giam cầm con như tù binh.
Thứ hai, nó cho con thời gian, nó cho con trải nghiệm đầy đủ trong cuộc sống. Ví dụ làm quản lý ngân hàng ở Phố Wall, nhưng mỗi ngày vì tiền mà căng thẳng, có thể lại không bằng làm nghề nhân viên coi sóc vườn thú, hằng ngày tắm rửa cho voi hay đánh răng cho hà mã."
Nữ nhà văn kể lại câu chuyện lúc còn ở Đức, hai mẹ con họ gặp một họa sĩ tên là Timothy. Anh ta từ nhỏ đã yêu thích tranh, ở trong hệ thống giáo dục tự do, nên học hành không ổn định, lúc thì học ngoại ngữ để làm phiên dịch, lúc thì học làm thợ khóa, lúc học làm thợ mộc. Sau khi tốt nghiệp, anh không tìm được việc làm.
Đến năm 41 tuổi anh ấy vẫn thất nghiệp như thế và vẫn ở cùng mẹ mình. Lúc không có việc gì làm, anh ta ngồi ở cửa sổ sát đường, vẽ hươu cao cổ. Trong các bức vẽ của anh, cổ của con hươu thò ra từ đỉnh của xe buýt, xuyên qua sân bay, đi vào rạp chiếu phim. Nó mở to đôi mắt với lông mi dài, nhìn chằm chằm vào một đứa trẻ ngồi trên xe ba bánh.
Long Ứng Đài bảo, bà sợ con thành người về hươu cao cổ như Timothy, không phải vì anh ta không có tiền hay không có danh. Mà là vì anh ta không tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Cuối thư, bà viết: "Mẹ yêu cầu con chăm chỉ đọc sách, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác, mà là bởi vì, mẹ muốn con có nhiều hơn nữa quyền lựa chọn cho tương lai, lựa chọn có ý nghĩa, có thời gian làm việc, chứ không phải là bị ép mưu sinh."
Cái mà con người ta cần nhất trong đời là quyền lựa chọn một cuộc sống được làm những điều có ý nghĩa. Và sách là một công cụ giúp ta đạt được điều đó.
Thế nhưng một điều khá buồn là người trẻ Việt Nam chưa tận dụng hết sức mạnh của công cụ này. Vị doanh nhân Phạm Thanh Hưng tỏ ra tiếc nuối khi nói về người trẻ Việt Nam:
"Có những bạn trẻ tôi thấy rất đáng tiếc là các bạn giết thời gian rất nhiều cho những thứ vô ích. Đó là điều tôi khuyên các bạn hãy tận dụng quỹ thời gian vô cùng quý giá của tuổi trẻ.
Giống như quãng thời gian tôi 18-20 tuổi gần như 1 ngày hoặc 2 ngày tôi có thể đọc hết 1 cuốn sách, nhưng hiện giờ phải mất nhiều thời gian hơn và tốc độ ghi nhớ chậm hơn.
Bộ nhớ lúc đó bị đầy rồi, có quá nhiều mối quan tâm, bận tâm khác cản trở đến mình. 18-20 tuổi các bạn như một cái bộ nhớ USB mấy trăm Gb mà chưa ghi gì cả nên các bạn ghi đâu nhớ vào đấy, nó rất tốt, hấp thụ liên tục nhanh kinh khủng luôn.
Các bạn phải tận dụng thời gian đó chứ đừng để phí thời gian đó cho những thứ mà sau này chúng ta không làm lại được".
Ngay cả những người bận rộn như tỷ phú Phạm Nhật Vượng đến hiện tại vẫn duy trì thói quen này. Ông cho biết mình đọc rất nhiều và hôm nào về đến nhà không quá mệt thì đọc.
Rõ ràng là không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách. Nghiên cứu được tiến hành trên 1.200 người giàu có nhất thế giới cho thấy: Điểm chung giữa những người này là họ tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách.
Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett đều là những người đọc sách rất chuyên cần. Đọc sách không chắc sẽ giúp chúng ta thành đạt trên đường đời, nhưng không có nó hầu như ta không thể thành người.
Warren Buffett từng trả lời trong một bài phỏng vấn rằng ông dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách và tiếp thu kiến thức mới. Không chỉ riêng ông, nghiên cứu tiểu sử của những con người xuất chúng khác, ta sẽ thấy điểm chung của họ là vui vẻ và say mê đọc sách, ngay cả sau những giờ lao động mệt nhọc. Đối với họ, đọc sách là một cách tự học. Và sự học là sự nghiệp cả đời.