Theo Hindustan Times, nữ bác sĩ Fan, 54 tuổi và nhóm của mình đã điều trị cho hơn 200 bệnh nhân bị nhiễm virus corona nặng và nguy kịch trong suốt 21 ngày chiến đấu không ngừng nghỉ với dịch bệnh này.
Cuối cùng, sau khi kết thúc 21 ngày đêm chiến đấu, bà rời khỏi phòng khám sốt tại Bệnh viện Đại học Y Liên minh Vũ Hán (WUMC) trong trạng thái kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần. Mỗi ngày trong 21 ngày đó, nữ bác sĩ đã phải làm việc 10-12 giờ tại phòng khám sốt. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà tiếp tục được cách ly theo quy định trước khi được trở về đoàn tụ với gia đình ở Vũ Hán.
Nữ bác sĩ chia sẻ, trong suốt 21 ngày liên tục chiến đấu chống virus corona, bà bận rộn và căng thẳng đến mức không nhớ rõ mình đang làm gì khi được thông báo rằng người mẹ mắc bệnh tiểu đường của bà phải nhập viện cấp cứu ở TP. Hoàng Cương, cách Vũ Hán khoảng 70 km vào tháng 1.
"Có lẽ tôi đang ở trong phòng khám, hoặc cũng có thể tôi đang ở trong khu vực cách ly", nữ bác sĩ chia sẻ và nói thêm rằng, sự căng thẳng và áp lực cao đôi lần khiến bà bật khóc nức nở.
Bà thừa nhận, bệnh nhân đến khám đông đến mức nhiều người không còn giường để nằm.
Là người chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc điều hành phòng khám sốt mới thành lập trong bệnh viện khi dịch corona bùng phát, bác sĩ Fan cho biết, việc này thực sự không dễ dàng.
"Một mặt, chúng tôi thiếu nhân viên y tế, mặt khác, chúng tôi thiếu phòng bệnh", bà chia sẻ.
Nữ bác sĩ kể về một người đàn ông bị nhiễm bệnh ở độ tuổi 40 đã chết; Bố và vợ của bệnh nhân này cũng bị nhiễm bệnh. Đây là một trong những trường hợp cả gia đình nhiễm bệnh đầu tiên mà đội của bác sĩ Fan đã điều trị.
"Khi chúng tôi thăm khám cho bệnh nhân này, anh ta đã bệnh nặng. Chúng tôi phải cho bệnh nhân dùng máy thở. Đáng buồn thay, bệnh nhân này đã qua đời. Tôi đã rất buồn", nữ bác sĩ cho biết.
Fan và đội ngũ 19 bác sĩ, 30 y tá của bà may mắn hơn nhiều y bác sĩ khác khi không có ai nhiễm virus corona và họ không bị thiếu quần áo bảo hộ vì tham gia chiến đấu ở tuyến đầu.