Nhậm chức năm 2014, ông Joko Widodo trở thành Tổng thống thứ bảy của Indonesia.
Ông Widodo xuất thân từ tầng lớp bình dân, nổi tiếng với câu nói khi đắc cử: "Giờ thì ta cũng khá giống Mỹ rồi nhỉ? Đã có giấc mơ Mỹ và giờ ta có cả giấc mơ Indonesia".
Tổng thống Indonesia Joko Widodo không tham dự hai kỳ APEC 2015 và 2016. Trong kỳ APEC 2014 tại Trung Quốc, ông Widodo đã dành bài phát biểu của mình để mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư. Ông nói: "Chúng tôi đang đợi các bạn đến với Indonesia. Chúng tôi đang đợi các bạn đầu tư vào Indonesia".
Tiếp xúc với Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức ngày 8/7/2017, tổng thống Joko Widodo cảm ơn lời mời dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, khẳng định sẽ tham dự Hội nghị quan trọng này và cam kết ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Tại Tuần lễ Cấp cao, ông Widodo sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, và thảo luận về tình trạng phát triển chênh lệch giữa các nền kinh tế trong thời đại số hóa, cũng như nghiên cứu các chiến lược cho tương lai – bao gồm đào tạo nhân lực phù hợp với thời đại công nghệ và tái định hình nhu cầu nguồn lao động.
Ông Justin Trudeau giữ chức Thủ tướng Canada từ năm 2015. Ông là vị thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử Canada và sinh trưởng trong gia đình có truyền thông chính trị. Cha ông là cố thủ tướng Pierre Trudeau.
Nổi tiếng với vẻ đẹp trai lãng tử, ông được đánh giá là một trong những chính trị gia quyến rũ nhất thế giới.
Cựu tổng thống Mỹ Obama ca ngợi ông Trudeau là "nguồn năng lượng mới" của nền chính trị Canada.
Ông Trudeau đã tham dự các kỳ APEC: 2015, 2016, 2017. Tại APEC 2016 ở Peru, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tiến hành một loạt các cuộc gặp song phương với nhiều lãnh đạo quốc gia trong nỗ lực cứu vãn Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đến APEC 2017 tại Đà Nẵng, ông Trudeau sẽ giới thiệu hình ảnh Canada như một đối tác đầu tư và thương mại lý tưởng trong khu vực, cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế với các nền kinh tế trong APEC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Đà Nẵng vào ngày 10/11 tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, sau đó ra Hà Nội vào ngày 11/11 để thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tại Tuần lễ cấp cao, Tổng thống Trump tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, trong đó ông sẽ chia sẻ tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và nhấn mạnh vai trò của khu vực trong thúc đẩy nền kinh tế Mỹ thịnh vượng.
Tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam. Chuyến thăm của ông Trump được tiến hành trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ phát triển tốt đẹp.
Hồi tháng 5/2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chuyến công du Mỹ và hội đàm với Tổng thống Trump. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng quan hệ Việt-Mỹ đang có rất nhiều cơ hội phía trước. Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực phát triển quan hệ hai nước ổn định, lâu dài, xây dựng và cùng có lợi, không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Ông Moon Jae-in được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5/2017 và sẽ là gương mặt mới của APEC. APEC 2017 tại Việt Nam là kỳ APEC đầu tiên ông góp mặt.
Tham dự hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng và các hội nghị cấp cao ASEAN Plus tại Philippines trong tháng 11, ông Moon kỳ vọng sẽ mở rộng các mối quan hệ giữa ASEAN với Hàn Quốc.
Ông Moon có quan điểm mềm mỏng với CHDCND Triều Tiên và muốn thống nhất hai miền bằng phương án hòa bình.
Khi còn đi học, ông Moon đã rất xuất sắc. Tốt nghiệp khoa Luật, đại học Kyunghee, ông đã thi đậu kỳ thi năng lực tư pháp và được nhận vào Viện Đào tạo và Nghiên cứu Luật. Ông tốt nghiệp ở thứ hạng cao nhưng không thể trở thành thẩm phán hay công tố viên vì đã từng tham gia biểu tình khi còn học đại học. Người bạn chung trường đại học cũng là người bạn đời của ông.
Sở thích của ông Moon Jae-in là đọc sách và đi du lịch.
Rodrigo Duterte là Tổng thống thứ 16 của Philippines. Nhậm chức từ năm 2016, ông được mệnh danh là “Donald Trump của Philippines” vì những chính sách cứng rắn, không khoan nhượng với tội phạm ma túy ở quốc gia này.
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Philippines liên tục tăng trưởng. Năm 2013 đạt khoảng 2,6 tỷ USD; năm 2014 đạt 2,975 tỷ USD; năm 2015 đạt trên 3 tỷ USD; năm 2016 đạt 3,3 tỷ USD.
Tới Đà Nẵng trong Tuần lễ Cấp cao, ông Duterte có bài phát biểu trước APEC CEO Summit với đề tài “Hội nhập kinh tế khu vực: Những bài học từ ASEAN”. Tổng thống Philippines cũng nỗ lực thúc đẩy các mối liên hệ với các nền kinh tế đối tác thông qua các cuộc gặp gỡ song phương bên lề APEC, để thảo luận về thương mại và các vấn đề khu vực.
Nhậm chức ngày 26/10 vừa qua, bà Ardern đã trở thành thủ tướng thứ 40 của New Zealand và cũng là nữ thủ tướng trẻ nhất trong các nước phát triển.
Được ví như “Ngôi sao đang lên” trên chính trường New Zealand, bà hứa hẹn sẽ thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế đất nước bằng những chính sách thiết thực và cởi mở.
Dịp APEC được tổ chức năm nay sẽ là một trong những sự kiện lớn đầu tiên bà Ardern tham dự từ sau khi nhậm chức. Theo dự định, bà có cuộc gặp và trao đổi với những nguyên thủ thế giới khác như Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại Đà Nẵng, thủ tướng Ardern gọi vấn đề biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với thế hệ hiện nay cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện New Zealand đang hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt thương mại, giáo dục và quốc phòng. New Zealand cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC 2017.
Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Trung Quốc, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc. Ông gây dấu ấn với chiến dịch chống tham nhũng trong nước và mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”, trong đó bao gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tại APEC 2016 Peru, ông Tập thúc đẩy hai giải pháp khác thay thế cho TPP, một là Vùng Thương mại Tự do (FTAAP) với 21 thành viên, hai là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 16 thành viên.
Tại Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng, ông Tập được kỳ vọng sẽ thúc đẩy “tiếng nói Trung Quốc” và “giải pháp Trung Quốc” đến cộng đồng APEC, nhằm thể hiện tầm quan trọng và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, quản trị toàn cầu và hợp tác kinh tế trong APEC.
Ông Tập Cận Bình đã dự hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong các năm từ 2013 đến 2016.
Ông Hassanal Bolkiah là Quốc vương, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính của Brunei. Ông lên ngôi năm 1967.
Nhà vua Brunei là một trong những quốc vương giàu có nhất trên thế giới, sống trong cung điện dát vàng rộng lớn nhất thế giới.
Quốc vương Hassanal Bolkiah là một trong những người thành lập và tham dự tất cả các kỳ APEC từ 1989.
Tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Quốc vương Brunei mong muốn tổ chức gặp mặt song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp sẵn có, và tăng cường hơn nữa quan hệ này trong khuôn khổ ASEAN.
Sở thích của nhà vua Brunei là chơi cầu lông, du lịch, vũ khí, sưu tầm xe sang.
Cùng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng với Thủ tướng Chan-o-cha là Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn.
Các mục tiêu của Thái Lan tại Tuần lễ Cấp cao năm nay là chia sẻ tầm nhìn của Thái Lan cùng những đóng góp của nước này trong APEC, đặc biệt là trong lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, kết nối, Tăng trưởng xanh/Kinh tế xanh, phát triển nguồn nhân lực, và tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Tiếp nối các năm trước, Thái Lan sẽ nêu vai trò của mình trong thúc đẩy phát triển bền vững, đổi mới và toàn diện.
Bà Michelle Bachelet, sinh năm 1951, giữ hai nhiệm kỳ tổng thống không liên tiếp 2006 - 2010 và từ 2014 đến nay. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trở thành Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống của đất nước Nam Mỹ này.
Bà Bachelet đã tham dự các kỳ APEC: 2006, 2007, 2008, 2009,2014, 2015, 2016. Lãnh đạo Chile mong muốn Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ gửi thông điệp rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, cũng như tiếng nói ủng hộ thương mại đa phương. Đối với Chile, APEC là một diễn đàn có ý nghĩa trọng yếu, khi tỉ trọng thương mại với các thành viên APEC chiếm tới 64% tổng quy mô thương mại của Chile trong năm 2016, tương đương 76.29 tỉ USD.
Nhân dịp này, bà Bachelet cũng tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là lộ trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.
Tổng thống Chile có sở thích hát, khiêu vũ và nấu ăn, đi bộ dọc bãi biển vào lúc hoàng hôn. “Nói chuyện, làm việc để cải thiện cuộc sống cho mọi người, phấn đấu làm việc dù đối mặt với khó khăn là niềm hạnh phúc,” Bachelet nói.
Tổng thống Putin luôn nằm trong danh sách những nguyên thủ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Ông đã tham dự nhiều kì APEC các năm, và từng được Tổng thống Indonesia hát chúc mừng sinh nhật tại phiên khai mạc APEC 2013.
Trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của Nga. Sau chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vào tháng 11/2014 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nhất trí tăng khối lượng thương mại song phương từ mức 3,7 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov nhấn mạnh rằng hiện cộng đồng doanh nghiệp Nga đang có sự "bùng nổ quan tâm đến thị trường Việt Nam".
Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng là diễn đàn quan trọng để Moskva xây dựng và củng cố các liên hệ về thương mại và đầu tư với các thành viên của cộng đồng kinh tế lớn nhất khu vực này.
Bà Carrie Lam Cheng Yuet-ngor (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), sinh năm 1957, trở thành Trưởng đặc khu Hồng Kông sau khi đắc cử vào tháng 6/2017. Xuất thân trong gia đình nghèo, là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, nay bà Lam được mệnh danh là “bà đầm thép” ở Hồng Kông.
Hội nghị tại Đà Nẵng là lần đầu tiên bà tham dự Tuần lễ cấp cao APEC. Tại đây, bà Carrie Lam gặp gỡ hàng loạt đối tác của Hồng Kông để thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, đồng thời thúc đẩy hiện thực hóa 4 ưu tiên của Năm APEC 2017.
Sở thích của Trưởng đặc khu Hồng Kông là mặc xường xám và đeo ngọc trai, bởi ngọc trai toát lên vẻ sang trọng, thanh lịch, không quá phô trương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, tổ chức Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại đến năm 2020 và là ưu tiên chiến lược của nước ta trong triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương.
Tại APEC 2017, Việt Nam có 4 kỳ vọng lớn.
Trước hết, Việt Nam hy vọng có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn.
Thứ hai, kết quả hoạt động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Thứ ba, thông qua Năm APEC 2017, Việt Nam muốn tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới.
Thứ tư, đây là cơ hội để quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Ông Turnbull từng là luật sư và doanh nhân thành đạt, nổi tiếng với vụ bào chữa thành công cho cựu gián điệp Anh Peter Wright trong vụ "Spycatcher" hồi những năm 1980. Ông là người ủng hộ hôn nhân đồng giới và chủ trương tăng cường quyền lực cho phụ nữ ở các vị trí quản lý.
Trong chuyến công du Australia từ 14-17/10/2017, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Australia và mong muốn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Ông Turnbull tham dự các kỳ APEC: 2015, 2016 và 2017. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru, thủ tướng Turnbull đã kêu gọi cải cách kinh tế và thương mại một cách công bằng và hướng tới mục tiêu lâu dài.
Tại Đà Nẵng, ông Turnbull được kỳ vọng nhấn mạnh duy trì sự năng động của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một nhiệm vụ sống còn. Ông cũng nói rằng sẽ thúc giục 20 thành viên còn lại của APEC nắm bắt thương mại tự do và tránh nghiêng theo chủ nghĩa bảo hộ. Ông Turnbull khẳng định thương mại tự do sẽ đem lại thêm công ăn việc làm và thịnh vượng cho Australia.
Ông Najib Razak là Thủ tướng Malaysia từ năm 2009. Thủ tướng Razak bày tỏ sự ủng hộ đối với quan hệ hợp tác Malaysia-Việt Nam trên tất cả các phương diện Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân hai nước. Ông cho biết "rất vui mừng" khi tham dự hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Ông Razak đam mê golf và là "bạn golf" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong văn phòng của ông vẫn còn bức ảnh chụp 2 lãnh đạo với lời đề tựa của ông Trump: "Dành tặng Thủ tướng ưa thích của tôi".
Phát biểu tại cuộc gặp với các lãnh đạo APEC ở Kuala Lumpur 2015, ông Razak nhấn mạnh sự cấp thiết của hợp tác khoa học. Ông nói: "Ngoại giao về mặt khoa học chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Rất nhiều thách thức của thế kỷ 21 - đáng chú ý nhất là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước, an toàn năng lượng, xóa đói giảm nghèo và sức khỏe - có mức độ phức tạp về mặt khoa học ngày càng gia tăng".
Malaysia cũng là một thành viên ký kết Hiệp định TPP, và Thủ tướng Najib Razak kỳ vọng các bên vượt qua khác biệt để đi đến nhận thức chung tại hội nghị bộ trưởng và hội nghị cấp cao tại Đà Nẵng.
Từng là thủ tướng Peru nhiệm kì 2005-2006, 10 năm sau, ông Kuczynski đắc cử tổng thống Peru. Năm 2016, ông đã chủ trì Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại thủ đô Lima. Tại đây, ông phát biểu: “Điều căn bản là thương mại thế giới cần phát triển trở lại và cần đánh bại chủ nghĩa bảo hộ.”
Tổng thống Kuczynski đã có cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong APEC 2016 và đi tới nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó có viễn thông và dầu khí.
Tới APEC 2017, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và các thách thức toàn cầu gia tăng, Peru đề xuất các thành viên APEC phổ biến rộng rãi hơn lợi ích của tự do hóa thương mại đôi với các mục tiêu phát triển, đồng thời kết nối các nghị trình về thương mại của APEC với các vấn đề thảo luận liên quan đến kinh tế vĩ mô, chú trọng tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tổng thống Kuczynski sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác APEC để đạt được Các mục tiêu Bogor năm 2020, bao gồm tự do hóa đầu tư và thương mại, mậu dịch tiện lợi và tăng cường hợp tác kinh tế-công nghệ.
Ông Enrique Peña Nieto đắc cử Tổng thống Mexico năm 2012. Ông nói tiếng Anh trôi chảy nhưng chỉ dùng tiếng Tây Ban Nha trong các cuộc gặp chính thức.
Mexico ủng hộ Việt Nam tổ chức hội nghị cấp cao APEC nhằm đẩy mạnh hội nhập khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập; tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và ủng hộ hợp tác về kinh tế, kỹ thuật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sự hiện diện của Tổng thống Nieto tại Đà Nẵng vào tháng 11 là sự tái khẳng định quan hệ hợp tác tích cực tự nhiên giữa Việt Nam và Mexcio. Tại hội nghị cấp cao APEC 2017, ông Nieto mong muốn tiếp tục đóng góp cho Các mục tiêu Bogors, duy trì hợp tác trong các lĩnh vực như dịch vụ, đầu tư… xây dựng nghị trình cho APEC giai đoạn sau năm 2020.
Tổng thống Mexico nhấn mạnh APEC là một trong những sáng kiến ưu tiên đối với nước này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông đã bốn lần được bầu vào vị trí lãnh đạo Nhật Bản, mới đây nhất là thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 10/2017.
Thủ tướng Nhật nổi tiếng với chính sách kinh tế “ba mũi tên” Abenomics nhằm mục đích đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng lạm phát.
Năm nay, Nhật Bản có một số hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, cụ thể như tỉnh Nagasaki trưng bày mô hình Châu Ấn thuyền và nữ họa sĩ Nhật Bản Toba Mika triển lãm các bức tranh của bà làm theo kỹ thuật nhuộm tranh Katazome về phong cảnh Việt Nam tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm từ ngày 20/10 đến 12/11.
Thủ tướng Abe được kỳ vọng sẽ góp tiếng nói quan trọng tại các đối thoại cũng như hội nghị cấp cao để thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Abe thích ăn đồ nướng kiểu Hàn, mì ramen, kem và dưa hấu. Ông cũng thích hát karaoke với sở trường là dân ca Nhật Bản.
Từng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội, chuyến đi tới Đà Nẵng là lần thứ hai Thủ tướng Lý Hiển Long dự sự kiện cấp cao của APEC tại Việt Nam.
Trong tuyên bố chung với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 3/2017, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore cam kết ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 và sẽ hợp tác với Việt Nam để định hình các vấn đề của và mục tiêu APEC vượt ra ngoài Các mục tiêu Bogor 2020.
Singapore được xếp vào nhóm nền kinh tế thị trường định hướng thương mại phát triển cao, nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, có môi trường kinh doanh thuận lợi hàng đầu với thuế suất thấp (chỉ đóng góp 14,2% GDP), và GDP bình quân đầu người cao thứ 3 thế giới.
“Cuộc họp của chúng tôi sẽ tập trung vào việc thúc đẩy thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tăng trưởng bền vững, toàn diện,” ông Lý Hiển Long nói về hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên.
Ông Tống Sở Du (James Soong), lãnh đạo đảng Thân dân (PFP), được cử làm đại diện đặc biệt cho lãnh đạo Đài Bắc - Trung Hoa bà Thái Anh Văn, tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Năm ngoái, ông Tống cũng đại diện Đài Bắc - Trung Hoa tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC tại Lima, Peru.
Ông Tống Sở Du cho biết tại hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC năm nay, ông sẽ chia sẻ về những thành công trong phát triển kinh tế và văn hóa của Đài Bắc - Trung Hoa.
Đoàn đại biểu Đài Bắc - Trung Hoa dự APEC 2017 sẽ tổ chức trao đổi với lãnh đạo các nền kinh tế khác nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Đài Bắc - Trung Hoa với các đối tác thương mại.
“Tôi mong rằng các thành viên đoàn đại biểu sẽ hợp tác với nhau và dùng sở trường của mình trong các vấn đề phù hợp để hỗ trợ ông Tống Sở Du tương tác với các đại diện quốc tế. Chúng ta phải nỗ lực hơn tại APEC để xây dựng quan hệ lâu dài và tin cậy với các bên,” bà Thái Anh Văn cho biết.
Là vị thủ tướng thứ 7 của Papua New Guinea, ông thường xuyên tham gia các hội nghị APEC từ năm 2011. Tại kì APEC 2015 tổ chức ở Philippines, ông phát biểu: “Tham gia APEC mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho đất nước chúng tôi. Papua New Guinea sẽ tiếp tục ủng hộ diễn đàn APEC”.
Ông Peter O’Neil đã nhiều lần gặp mặt lãnh đạo Việt Nam trong các kì APEC. Hai bên đã cam kết thúc đẩy quan hệ song phương và kí kết các hợp đồng kinh tế, thương mại.
Dự Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng, ông O’Neil sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng APEC về tạo dựng khu vực tự do thương mại, với 4 ưu tiên như Việt Nam đề xuất. Đồng thời Thủ tướng Papua New Guinea sẽ thúc đẩy các cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam mà ông đạt được với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại APEC 2016 ở Lima, cũng như các liên hệ thương mại với những đối tác khác.
APEC 2018 theo kế hoạch sẽ được tổ chức tại quốc gia này. Thủ tướng O’Neil dự tính có cuộc gặp mặt và mời Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Papua New Guinea trong dịp APEC tổ chức tại Việt Nam năm nay.