Đúng ngày 28/7/1995, Việt Nam đã chính thức được kết nạp vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay còn gọi là tổ chức ASEAN.
Cùng nhìn lại những đổi thay của Việt Nam qua hơn 2 thập kỷ gia nhập ASEAN.
Thành tựu: GDP tăng gấp 10 lần, thu nhập người dân tăng 7 lần
Ở thời điểm gia nhập ASEAN, GDP Việt Nam chỉ là 20,8 tỷ USD và đứng chót trong 7 quốc gia thành viên.
Đến thời điểm hiện tại, GDP Việt Nam đã tăng gần 10 lần lên 201,4 tỷ USD, vượt qua Brunei để đứng thứ 6/10 các nước thành viên (sau Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore).
Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng đáng kể. Nếu như năm 1995, GDP tính trên mỗi người Việt Nam là gần 300 USD thì cho đến nay, con số này đã vượt 2.100 USD.
Với kết quả này, Việt Nam vượt qua Myanmar, Lào và Campuchia để xếp thứ 7 Đông Nam Á, nằm vào nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Nguồn: World Bank.
Tuy nhiên, GDP/người của Top5 ASEAN cũng tăng rất nhanh và đang ngày càng bỏ xa Việt Nam.
Sau 21 năm hội nhập, Việt Nam cũng ngày càng nhận được quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế khi tổng vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên gấp hơn 3 lần và số dự án đạt trên 2.000 (năm 1995 chỉ có hơn 400 dự án).
Tờ tiền mệnh giá cao nhất ngày xưa chỉ có 50.000 đồng
Nếu như những năm 90 thế kỷ trước, tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất người dân sử dụng chỉ là 50.000 đồng thì đến nay đã là 500.000 đồng.
Đó chính là hệ quả của sự phát triển kinh tế đã khiến cho giá các các mặt hàng cơ bản (nhu yếu phẩm, vàng, ngoại tệ) tăng lên, qua đó làm giảm tương đối sức mua của đồng Việt Nam.
Những tín hiệu buồn
Đi cùng những thành tựu trên vẫn còn là những vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam cần giải quyết.
Ra khỏi nhóm các nước nghèo với tăng trưởng nhanh, các chuyên gia đang lo ngại Việt Nam sẽ sa vào “bẫy thu nhập trung bình” (ở châu Á mới có 5 nước và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong và Singapore vượt ra bẫy này).
Dường như tốc độ tăng GDP Việt Nam đang thể hiện chính điều này.
Năng suất lao động hiện nay của Việt Nam thấp thứ 3 ASEAN, đứng dưới cả Lào, chỉ xếp trên Myanmar và Campuchia. Đặt trong so sánh với thu nhập người dân, rõ ràng 2 chỉ số này đang diễn biến trái ngước hoàn toàn.
Nốt trầm buồn cuối cùng phải nói đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tuy dòng vốn đổ vào và chạy trong lòng Việt Nam ngày càng nhiều nhưng hiệu quả sử dụng những đồng vốn này lại đang diễn biến trái ngược.
Sử dụng ICOR để đo lường hiệu quả vốn đầu tư tại Việt Nam, có thể thấy chỉ số này đã tăng từ 3,1 (hiệu quả tương đối tốt) năm 1995 lên 6,91 (hiệu quả thấp) vào năm 2015.